Nếu không do dịch COVID-19, V-League sẽ diễn ra bình thường với mùa giải mới có thể bắt đầu sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 2 và kết thúc khoảng cuối tháng 8. Lịch thi đấu có thể thay đổi tuỳ thuộc kế hoạch ĐTQG hoặc khi các CLB Việt Nam phải thi đấu ở đấu trường châu Á. Như năm 2019, BTC VPF đã liên tục phải đổi lịch để “chiều” đội tuyển Việt Nam và CLB Hà Nội.
Theo thể thức hiện tại, 14 đội bóng sẽ thi đấu 2 lượt đi và về, mỗi lượt 13 vòng đấu. Thể thức này khiến cho hết lượt đi, bước sang lượt về, nhiều đội bóng đã đủ điểm trụ hạng nhưng cũng không có khả năng vươn vào nhóm tranh đoạt huy chương. Tiêu cực bắt đầu xuất hiện từ đây khi những đội bóng này này có thể nhường điểm những đội đang có nhu cầu. Hoặc một khả năng khác là các đội bóng có quan hệ với nhau bắt tay để dồn điểm cho một đội.
Lịch sử bóng đá Việt Nam không còn lạ gì câu vè gắn liền với CLB Sông Lam Nghệ An: “Hoan hô đội bóng tỉnh ta/Đi làm kinh tế ở xa mới về”. Trên thực tế, tình trạng móc ngoặc điểm số được phản ánh trong giới bóng đá còn liên quan nhiều đội bóng khác, không riêng Sông Lam Nghệ An. V-League thậm chí có cả những “liên minh” hỗ trợ nhau để duy trì khả năng trụ hạng cũng như tranh đua chức vô địch.
Sau 10 năm, giá trị bản quyền truyền hình V-League gần như không có sự thay đổi. Trong khi đó, tại Thái Lan trong cùng khoảng thời gian trên, bản quyền truyền hình các giải bóng đá Thái Lan (gồm cả các ĐTQG) đã tăng lên chóng mặt. Dĩ nhiên, sự phát triển của bóng đá Thái Lan còn gắn liền với điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao rất phát triển của nước này.
Nhưng nhìn vào nội tại bóng đá Việt Nam, chúng ta gần như không có sự thay đổi nào. Rất khó để khiến một giải đấu thiếu tính cạnh tranh trở nên hấp dẫn. Các ông bầu lần lượt ra đi, nhà tài trợ quay lưng trong khi bản quyền truyền hình giải đấu gần như cho không. Trong bối cảnh đó, thay đổi thể thức thi đấu V-League có thể tạo nên làn gió mới, hạn chế tiêu cực, đồng thời giúp giải đấu hấp dẫn hơn.
Thay đổi như thế nào? Ý kiến của HLV Chung Hae Seong (CLB TP Hồ Chí Minh) là một gợi ý tốt. Ông Chung Hae Seong cho rằng, do hạn chế thời gian vì dịch COVID-19, 14 đội có thể đá vòng tròn 1 lượt thay vì 2 lượt. Đây được coi là vòng đấu phân nhóm. Kết thúc 13 vòng đấu, dựa vào kết quả sẽ chia làm 2 nhóm. Bảy đội dẫn đầu đá vòng tròn 1 lượt tranh cúp vô địch, Á quân và hạng Ba, 7 đội nhóm dưới đá vòng tròn 1 lượt xác định suất xuống hạng.
Việc thi đấu 1 lượt sẽ khiến cho các đội liên quan tới nhau rất khó nhường điểm cho nhau, hạn chế được tình trạng móc ngoặc. Đây thực chất là thể thức thi đấu được K-League áp dụng. V-League có thể nghiên cứu các biến thể cho phù hợp hơn. Ví dụ, vòng đấu phân nhóm vẫn gồm 2 lượt, hai nhóm sẽ bốc thăm phân cặp thi đấu loại trực tiếp, chọn ra 4 đội vào bán kết rồi chung kết, tranh cúp vô địch.
Như vậy, sẽ không thể có chuyện nhiều đội cùng dồn điểm cho 1 đội để vô địch. Đội bóng mạnh thực sự có thể đánh bại các đối thủ qua đấu loại trực tiếp, vô địch một cách thuyết phục.