V-League 'đánh bạc' với trọng tài

V.P |

Vì nhiều lý do, kế hoạch áp dụng công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR) vào V-League của VPF chưa thể triển khai. Vì vậy, giải VĐQG bắt buộc phải “đặt cược” vào đội ngũ trọng tài nội, dù niềm tin đôi lúc trở nên xa xỉ nếu nhìn vào tỷ lệ sai sót thời gian qua.

Mùa giải trước, tỷ lệ trọng tài mắc lỗi ở V-League lên tới 77%, trong khi giải hạng Nhất là 74%. Tình hình không có dấu hiệu cải thiện ở giải năm nay khi 8/49 trận đầu tiên tại LS V-League bị sai lệch kết quả vì lỗi của các ông vua áo đen. Sau khi có động thái “nắn gân” của Thường trực VFF, công tác trọng tài ở vòng 9 mới đây đã đỡ gây ầm ĩ hơn. Tuy nhiên, không ai dám chắc tình hình ở những vòng đấu tới sẽ diễn biến ra sao.

Sau trận thua trước Quảng Nam ở vòng 8, TGĐ Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh thốt lên: “Trọng tài đang phá bóng đá Việt Nam”. Ông Thanh không nói quá bởi mỗi năm các CLB phải đầu tư hàng chục, thậm chí trên dưới 100 tỷ đồng nhưng công sức của một hệ thống có thể bị thổi bay chỉ vì một tiếng còi sai.

Sai sót mang tính hệ thống nhưng ông Trưởng ban Trọng tài LĐBĐVN (VFF) lại đổ lỗi cho ngoại cảnh thay vì nhận trách nhiệm trực tiếp. Đó là lý do lớn nhất khiến giới bóng đá lo lắng, trọng tài sẽ tiếp tục sai. 

Trong bối cảnh đó, VAR được chờ đợi sẽ là “cứu cánh” cho V-League. Dù không đảm bảo 100% các quyết định của trọng tài sẽ chính xác, nhưng chí ít VAR có thể khiến cuộc chơi đảm bảo công bằng, khách quan hơn. Tuy nhiên, VAR khó có khả năng được áp dụng ở mùa giải năm nay, thậm chí là năm sau dù VPF đã lên kế hoạch triển khai từ khá lâu.

Theo kế hoạch, FIFA sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo đội ngũ trọng tài, kỹ thuật về VAR và những người này sẽ hướng dẫn lại lực lượng trọng tài. “Kết thúc khoá học, các học viên còn phải vượt qua bài kiểm tra của FIFA. 

Trên cơ sở đó, họ sẽ đánh giá chúng ta cần bao nhiêu trọng tài để có thể áp dụng VAR. Quy trình rất phức tạp và hiện do dịch COVID-19 nên kế hoạch tạm thời chưa thể tiếp tục. Có thể sắp tới chúng tôi phải nghiên cứu phương án học online”, vị lãnh đạo VPF nói.

Sau dịch COVID-19, bóng đá Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thể thức mới khiến các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn, thu hút rất đông CĐV. Lượt trận thứ 9 vừa qua lập kỷ lục về lượng khán giả với mức trung bình hơn 10.400 người/trận. 

Sân vận động Thiên Trường gây ấn tượng nhất với 18.000 CĐV tới sân theo dõi trận đấu giữa Nam Định và Quảng Nam. Những sân bóng khác như Hà Tĩnh, Thanh Hoá hay Hàng Đẫy… cũng thu hút lượng người xem tăng dần. 

Trong bối cảnh đó, trọng tài trở thành vấn đề khiến cả BTC cũng như các đội bóng đều thấp thỏm. Nam Định chính là một trong những “nạn nhân” điển hình, bị mất điểm vì lỗi nghiêm trọng của trọng tài. Đội bóng thành Nam trở lại V-League 2 năm qua và lập tức biến sân Thiên Trường trở thành địa chỉ “đỏ” về CĐV cho dù thuộc diện “con nhà nghèo”. 

Một đội bóng như Nam Định nếu lại bị rớt hạng oan vì những tiếng còi thiếu công tâm thì rõ ràng tổn thất không chỉ với riêng người hâm mộ tỉnh này mà còn với cả V-League nói chung.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo VPF cho biết: “Chi phí lớn là một vấn đề nhưng lý do chính, FIFA đánh giá đội ngũ trọng tài của Việt Nam còn yếu, chưa thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn triển khai VAR. Để áp dụng VAR vào V-League, chúng ta buộc phải có đủ lực lượng trọng tài đạt chuẩn FIFA”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại