Rõ ràng là ở các giải trẻ khác hẳn với đội tuyển khi mà mỗi năm đều biến động lực lượng bởi nhiều cầu thủ lố tuổi quy định. Điều đó đòi hỏi VFF luôn có sự phối hợp cùng các CLB, lò đào tạo để có sự liên tục về lượng và chất. Nhất là tạo thêm nhiều giải đấu cho các cầu thủ trẻ cọ xát.
Trở lại với đội U23 Việt Nam, khó mình thì cũng... khó người, các đối thủ hẳn nhiên cũng ở trong tình trạng như chúng ta. Nhưng các đội bóng ở khu vực Tây Á vốn đã hoàn thiện các tuyến trẻ từ lâu khi mà họ tiếp cận với trình độ bóng đá thế giới.
Vì thế gặp UAE hay Jordan sẽ không dễ cho U23 Việt Nam lúc này. Bàn về lối chơi thì việc các đội "soi" lối đá của nhau là điều hiển nhiên, hơn nhau ở những quân bài dự phòng cùng sự bùng nổ của các cá nhân trong 90 phút tranh tài.
Ông Park cùng trợ lý Lee.
Hai năm trước, U23 Việt Nam thăng hoa nhờ vào sự thành công ở lối đá phòng ngự phản công, đã đưa đội đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có thống kê cho thấy Việt Nam có thành tích tốt nhất trong số các đội Đông Nam Á ở sân chơi này qua ngôi Á quân 2018. Lần ấy, ngoài sự quyết tâm và lối đá quả cảm, hiệu quả, sự may mắn còn đồng hành với chúng ta vì chỉ thắng 1 trong tổng số 9 trận (chỉ tính trong 90 phút) trong hành trình giành ngôi Á quân.
Ông Park đang âm thầm rèn lại bài "tủ" trên khi quyết chờ Đình Trọng đến giờ chót cùng với dàn phòng ngự tích lũy thêm kinh nghiệm qua SEA Games 30 cũng đã đem lại nhiều hữu ích cho họ.
Chiều cao cùng kinh nghiệm trận mạc sẽ giúp ích nhiều cho tuyến phòng ngự, khu vực sẽ lại đóng vai trò quyết định tại giải đấu này. Nhập cuộc bằng lối đá thận trọng cũng là điều cần thiết với ông Park thôi, bởi xét ở khu trung tuyến cùng hai hành lang, U23 Việt Nam đang có nhiều khoảng trống mà khả năng các đối thủ có lối đá thiên về sức như UAE và Jordan sẽ cố gắng để khai thác.
Theo tôi thì việc ông Park trì hoãn đăng ký Đình Trọng đến giờ chót đơn thuần là chuyên môn chứ không "chiêu thức" gì đâu. Đó cũng là bài tâm lý để các cầu thủ tập trung đến giờ chót.