Phía sau một câu hỏi
"Thái Lan rất mạnh, thế nên thua là bình thường. Họ hơn hẳn U.21 Việt Nam về trình độ, đẳng cấp…". Sau trận bán kết giải U.21 quốc tế mà U.21 Thái Lan thể hiện sự vượt trội và toàn diện, HLV Phạm Minh Đức phát biểu rất thẳng thắn khi nhìn vào thực tế.
Khác biệt về con người, cách chơi, tư duy và cả kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc, đó là điều rất dễ nhận thấy ở trận đấu đội chủ nhà có bàn thắng dẫn trước nhưng mất kiểm soát rồi bất lực trước đối thủ.
Điều đáng nói nhất là cách mà U.21 Thái Lan chiến thắng khi họ thay đổi lối chơi để đối phó với U.21 Việt Nam, sau khi thắng thuyết phục U.21 HA.GL. Chơi kỹ thuật, bằng chuyên môn đơn thuần, các cầu thủ của họ cũng nhỉnh hơn những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường…
Còn đá va chạm, dùng tiểu xảo và nặng về toan tính, họ cũng chơi được và hơn đội bóng của HLV Minh Đức tập hợp những cầu thủ tốt nhất ở giải U.21 quốc gia và hơn nửa đội hình vừa cùng U.19 Việt Nam làm nên cơn địa chấn ở vòng chung kết U.19 Châu Á, vào đến bán kết và có tấm vé dự World Cup U.20.
Cái hơn đó quả thật đáng giật mình khi tìm hiểu về thành phần của U.21 Thái Lan tham dự giải năm nay. Theo phát biểu của Ithsara Sritharo thì "đây là lực lượng nòng cốt để chuẩn bị cho SEA Games 2017 và 90% lực lượng tốt nhất ở độ tuổi U.21".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì ông thầy tạm quyền này (thay HLV trưởng Srimaka bận theo học khóa HLV chuyên nghiệp) mới chỉ tiết lộ "một nửa sự thật".
Thực tế, U.21 Thái Lan dự giải U.21 quốc tế không phải những gương mặt triển vọng nhất thuộc lứa tuổi 1996-1997 và có rất nhiều gương mặt mới toanh được tập trung sang Việt Nam thử lửa, cọ xát và phát hiện nhân tố mới.
Đó là lý do khi so sánh, danh sách U.21 Thái Lan năm nay khác so với 2 giải đấu U.21 năm 2015, 2014 và cũng khác so với các ĐT trẻ tham dự các giải đấu trong khu vực gần đây.
U.21 HA.GL đã không có được một giải đấu xuất sắc. Ảnh: Đ.Đ
Và câu hỏi chưa có câu trả lời
Bóng đá Thái Lan đi trước và trên tầm khu vực Đông Nam Á, đó là thực tế không chỉ thể hiện ở sự vượt trội tại 2 sân chơi AFF, SEA Games họ đang thống trị. Và sau một giải đấu giao hữu dành cho các cầu thủ trẻ, thêm một lần nữa người Thái giúp bóng đá Việt Nam có cơ hội nhìn lại mình, theo cách thực tế nhất từ 2 thất bại mà cả U.21 HA.GL và U.21 Việt Nam phải nhận.
Có thể việc bị phân tán lực lượng và mới tập lại cùng nhau, lại thi đấu trận đầu tiên nên trục trặc, nhưng việc đưa cả ban huấn luyện với ông thầy cũ Graechen quay về dẫn dắt U.21 HA.GL thi đấu giải giao hữu này cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc của đội bóng nhà bầu Đức.
Lực lượng tinh nhuệ nhất, sự kỳ vọng, tin tưởng cũng cao nhất và minh chứng là sự xuất hiện của bầu Đức trên sân Thống Nhất sau thời gian dài im hơi lặng tiếng. Trừ Công Phượng không có vị trí, không để lại dấu ấn ở AFF Cup 2016, cả Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn đều đóng vai chính ở ĐT Việt Nam.
Khác với phần còn lại, U.21 HA.GL tham dự giải U.21 quốc tế cơ bản là đội 1 đã đá V.League 2 mùa giải qua. Thế nên thất bại và cái thua không chỉ ở kết quả trong một trận đấu trước một U.21 Thái Lan mới toanh của HA.GL, với nhiều gương mặt được xem là tốt nhất và được kỳ vọng là tương lai của cả nền bóng đá, không thể không thất vọng và giật mình.
Đáng buồn hơn, khi so sánh và câu hỏi xuất hiện: Bầu Đức từng tuyên bố "còn nhiều Công Phượng nữa và hay hơn Công Phượng…", vậy sau lứa đầu với những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Đông Triều, Văn Sơn… thì Học viện HA.GL Arsenal JMG còn đào tạo được lứa cầu thủ nào nữa, khi 2 năm qua không hề xuất hiện và chưa từng được giới thiệu?
Câu hỏi đó, giới bóng đá và kể cả các HLV chuyên làm bóng đá trẻ cũng không trả lời được, khi trên lý thuyết thì sau lứa 1995 từng "làm mưa, làm gió" với màu áo U.19 thì thời điểm này lứa học viên thứ hai sẽ phải "ra trường".
U.21 HA.GL với cả các tuyển thủ quốc gia không thành công ở giải U.21 quốc tế để lại những nỗi lo và câu hỏi, không chỉ với lò đào tạo được coi là hình mẫu, là tương lai của cả nền bóng đá. Đó mới là điều đáng nói, sau một giải giao hữu mà thất bại trước người Thái lại lộ ra nhiều sự thật phũ phàng.