U20 Việt Nam mới thể hiện tiềm năng, đường tới World Cup còn xa

Xuân Phương |

Lứa cầu thủ U20 Việt Nam thể hiện tiềm năng lớn nhưng vẫn còn rất nhiều thử thách ở phía trước mà họ phải vượt qua để trở thành nhân tố phục vụ đội tuyển quốc gia.

Khoảng 14-15 cầu thủ U20 Việt Nam sẽ được HLV Philippe Troussier khoanh vùng để chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại World Cup 2026. Những gương mặt này thể hiện được tiềm năng, nhưng vẫn còn một hành trình dài cần phải vượt qua. Trước mắt, trong vài năm tới, họ sẽ phải tích lũy được kinh nghiệm thực chiến, đặc biệt là việc được thi đấu thường xuyên ở giải chuyên nghiệp.

Văn Khang, Văn Trường sớm được 'quy hoạch'

Ngay từ thời điểm dẫn dắt U18 Việt Nam, HLV Philippe Troussier đã đánh giá hai lứa cầu thủ 2001 – 2003 và 2003 – 2005 có tư chất để tạo nên cú hích lớn cho bóng đá Việt Nam, sau thế hệ vàng của những Công Phượng, Quang Hải. Khi đó, ông nhận diện nhóm cầu thủ thuộc lứa 2001 – 2003 nghiêng về năng lực phòng ngự. Trong khi đó, lứa 2003 – 2005 sở hữu nhiều cầu thủ tấn công triển vọng.

U20 Việt Nam mới thể hiện tiềm năng, đường tới World Cup còn xa - Ảnh 1.

Những cầu thủ như Khuất Văn Khang sớm nằm trong tính toán của HLV Philippe Troussier cho tương lai.

Điều đó đã được lứa 2003 – 2005 chứng minh trong giai đoạn 2 năm vừa qua. Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Quốc Việt hay Bùi Vĩ Hào đã thể hiện tốt ở những cấp độ đội tuyển, giải trẻ CLB mà mình tham dự.

Vĩ Hào là Vua phá lưới U21 Quốc gia. Văn Trường là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Quốc Việt dẫn đầu danh sách ghi bàn từ U19 Quốc gia đến U19 Đông Nam Á. Khuất Văn Khang tính đến năm 19 tuổi đã khoác áo đủ các cấp độ đội tuyển quốc gia (và ghi bàn trong trận đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam).

Ở VCK U20 châu Á 2023, ngoại trừ Vĩ Hào, 3 gương mặt còn lại như Quốc Việt, Văn Trường, Văn Khang đều thể hiện được triển vọng. Văn Khang có 1 bàn thắng, 1 đường kiến tạo. Quốc Việt lập công trước U20 Qatar và U20 Australia. Trong khi Văn Trường tỏa sáng khi đặt dấu giày trong 2 pha lập công của đội nhà ở thắng lợi trước U20 Qatar.

Nhìn vào danh sách U20 Việt Nam hiện tại, không khó để khoanh vùng một số gương mặt sẽ được HLV Philippe Troussier tạo điều kiện, thậm chí là ngay ở đợt tập trung vào ngày 13/3 tới. Có thể kể đến như Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt hay Văn Cường, Thanh Nhàn, Văn Bình, Đức Việt. Ngoài ra, một số cầu thủ như Đức Phú, Nguyên Hoàng, Mạnh Hưng cũng đang nằm trong diện tiềm năng được trao cơ hội lên U23 Việt Nam.

U20 Việt Nam 2-1 U20 Qatar

Chờ tích lũy kinh nghiệm

Triển vọng là từ phù hợp nhất để đánh giá nhóm cầu thủ U20 Việt Nam. Tuy nhiên, đó là chưa đủ để HLV Troussier có thể tập hợp một lực lượng mạnh cho U23 Việt Nam hướng tới SEA Games trước mắt hay xa hơn là nhóm 80 cái tên ưu tú cho chiến dịch World Cup 2026 vốn đã được khởi động ngay từ hiện tại.

Trong cuộc họp báo thứ 2 của mình với giới truyền thông Việt Nam, ông Troussier đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu kinh nghiệm thực chiến của nhóm cầu thủ U23 Việt Nam. Vị chiến lược gia người Pháp nói: “Phần lớn cầu thủ trong đội U23 Việt Nam không ra sân nhiều trong 6 tháng gần đây, vì vậy họ thiếu kinh nghiệm thực chiến. Tôi buộc phải đặt áp lực cao trong tập luyện để mô phỏng cường độ các trận đấu thực cho họ. Tôi muốn cầu thủ làm quen với cách chơi đồng bộ để hướng tới chiến thắng”.

Câu chuyện tương tự với U20 Việt Nam hiện tại. Thực tế ngoại trừ Hồ Văn Cường, Đinh Xuân Tiến và Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Đức Phú đang được SLNA, B.Bình Dương, PVF – CAND (tiền thân là Phố Hiến) tạo điều kiện thi đấu giải chuyên nghiệp bao gồm hạng Nhất và V.League thì đa số các cầu thủ thuộc lứa 2003-2005 chưa có dịp trải nghiệm những trận đấu đỉnh cao.

U20 Việt Nam mới thể hiện tiềm năng, đường tới World Cup còn xa - Ảnh 3.

Các tài năng trẻ cần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong những năm tới.

Đa số họ đều quanh quẩn với hệ thống giải U19 và U21, hạng Ba quốc gia. Trước các đối thủ bằng tuổi mình, những tuyển thủ U20 Việt Nam hiện tại khó có sự trưởng thành nhanh về chất như khi được chinh chiến tại giải chuyên nghiệp quốc gia.

Trường hợp của Văn Khang, Văn Trường hay Quốc Việt còn bị ngược hẳn lại, khi số trận họ chơi cho cấp độ các ĐTQG (dao động từ 14-16 trận) lớn hơn gấp nhiều lần so với số trận họ được chơi tại giải chuyên nghiệp trong màu áo Hà Nội FC, HAGL hay Viettel.

Tất nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu khi họ đang chơi cho những CLB hàng đầu Việt Nam. Trong đó, Hà Nội FC và Viettel là ứng cử viên thường trực cho chức vô địch. Vậy nên, hướng đi hợp lý nhất với nhóm cầu thủ này có thể là được thi đấu theo diện cho mượn ở những đội trung bình ở V.League hoặc hạng Nhất, trước khi đủ độ chín để thi đấu cho các CLB kể trên.

Đấy cũng là điều mà HLV Troussier đang chờ đợi. Ông muốn có một sự tích lũy đủ lớn về số trận thi đấu và chất lượng chơi bóng đối với các cầu thủ trẻ. Điều đó giúp họ không chỉ duy trì cảm giác chơi bóng, giữ được phong độ và còn tiến bộ về kinh nghiệm thi đấu, khi góp mặt thường trực ở hệ thống giải chuyên nghiệp và cấp độ các ĐTQG.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại