Ở lượt cuối bảng B giải U16 Đông Nam Á, U16 Việt Nam thắng đậm Myanmar 5-1 để bảo vệ ngôi đầu bảng, chính thức tiến vào bán kết.
Nếu nhìn vào số bàn thắng cùng hiệu số bàn thắng bại, người hâm mộ có thể dành lời khen cho các học trò của HLV Trần Minh Chiến khi toàn đội ghi tới 21 bàn, chỉ thủng lưới 2 lần (hiệu số +19) sau 3 lượt trận. Tính trung bình, U16 Việt Nam ghi 7 bàn/trận và tính tới thời điểm hiện tại, U16 Việt Nam vẫn là đội có hàng công mạnh nhất (dựa theo chỉ số) ở giải Đông Nam Á. Rõ ràng, vài chỉ số vừa nêu là rất "hào nhoáng" với U16 Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế thì những con số kể trên hoàn toàn chưa nói lên được gì về khả năng tấn công của U16 Việt Nam. Nên nhớ, toàn đội đã ghi 15 bàn vào lưới đội quá yếu là Brunei (đội nhận tới 29 bàn thua sau 3 trận). Ở trận cuối gặp Myanmar, đối thủ cũng tỏ ra quá non ở khả năng phòng ngự và việc ghi 5 bàn cũng chưa khẳng định được sức mạnh tấn công của U16 Việt Nam.
Thậm chí, chính hiệu suất tấn công còn là điểm yếu của U16 Việt Nam khi các cầu thủ vẫn bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Tại trận gặp Myanmar, các học trò của HLV Minh Chiến tung ra tới 26 pha dứt điểm (13 lần trúng khung thành). Con số này cho thấy tỷ lệ chuyển hoá các pha dứt điểm trở thành bàn thắng của U16 Việt Nam vẫn còn hạn chế. Trước đó, các cầu thủ áo đỏ cũng tỏ ra rất vô duyên nên đã để Campuchia cầm hoà 1-1.
Với U16 Việt Nam, giải U16 Đông Nam Á không phải là đấu trường quá quan trọng. Bản thân các đội tham dự giải này trong đó có chủ nhà Indonesia cũng không quá coi trọng mục tiêu tranh chức vô địch. Thực chất, giải U16 Đông Nam Á đang diễn ra chỉ mang nhiều tính chất cọ xát để các đội chuẩn bị cho đấu trường quan trọng hơn rất nhiều đó là vòng loại U17 châu Á 2025.
Theo kết quả bốc thăm thì tại vòng loại giải U17 châu Á 2025 diễn ra vào tháng 10 tới, U16 Việt Nam rơi vào bảng I đầy thử thách cùng Yemen, Kyrgyzstan và Myanmar. Ngoài Myanmar là đối thủ mà U16 Việt Nam có thể "bắt nạt" thì 2 đội còn lại đều rất cứng cựa. Thật khó để các học trò của HLV Trần Minh Chiến có thể đánh bại được Yemen, Kyrgyzstan nếu vẫn bỏ lỡ cơ hội quá nhiều như tại giải U16 Đông Nam Á.
Không những thế, mức độ cạnh tranh ở vòng loại U17 châu Á 2025 là hết sức khốc liệt. Đấu trường này gồm 43 đội chia thành 10 bảng (7 bảng có 4 đội và 3 bảng có 5 đội) nhưng chỉ có 10 đội đứng nhất 10 bảng cùng với 5 đội nhì có thành tích tốt nhất mới có thể cùng chủ nhà Saudi Arabia góp mặt ở VCK.
Với lực lượng hiện tại, khả năng U16 Việt Nam khó lòng cạnh tranh vị trí nhất bảng để chắc chắn đi tiếp. Toàn đội có thể cần hướng tới suất nhì bảng có thành tích tốt để nuôi hy vọng vào VCK. Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu đầy thử thách nếu các chiến binh sao Vàng trẻ không kịp cải thiện được hiệu suất ở khả năng tấn công.