Tối 6/6, đội tuyển Việt Nam chính thức có trận đấu đầu tiên trong triều đại của HLV Kim Sang-sik và đối thủ là đội tuyển Philippines. Lúc này, người hâm mộ rất mong chờ một chiến thắng sau chuỗi trận thua kéo dài nhiều tháng qua của Quang Hải và đồng đội. Để mang lại niềm vui cho các cổ động viên, ông Kim Sang-sik phải đi tìm lời đáp cho những câu hỏi về chuyên môn.
Bài toán thể lực
Đây không phải thời điểm lý tưởng về trạng thái thể lực của đội tuyển Việt Nam. Trong phần trả lời truyền thông mới đây, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức nói rằng anh và đồng đội có được tinh thần và trạng thái tốt nhất nhưng cũng thừa nhận "có chút mỏi mệt".
Tiền vệ sinh năm 1998 không nói dối, bởi anh chính là minh chứng rõ nhất cho những gì mà phần đông cầu thủ của đội tuyển Việt Nam vừa trải qua.
Trong tháng 5, V.League có đến 8 trận đấu. Ở mặt trận cúp Quốc gia, một loạt đội bóng phải đá thêm vòng tứ kết trong dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5. Như vậy, chỉ trong vòng chưa tới 33 ngày, nhiều cầu thủ thi đấu đến 9 trận. Mật độ còn chưa tới 4 ngày/trận.
Bất kể là cầu thủ châu Âu hay châu Mỹ, đây vẫn là cường độ thi đấu quá lớn.
Những ngày qua, HLV Kim Sang-sik làm mọi cách trong khả năng. Ông ít đẩy cường độ vận động lên cao, thay vào đó là nhiều hoạt động để các học trò cảm thấy thoải mái. Khi tinh thần ở mức hưng phấn cao, đội tuyển Việt Nam có thể tạm quên đi sự mỏi mệt về thể chất.
Phong độ hàng công
Ghi bàn, thậm chí dẫn trước từ sớm là câu chuyện bắt buộc nếu đội tuyển Việt Nam muốn dễ dàng giải quyết đối thủ kiểu như Philippines. Đầu ra bàn thắng là vấn đề nhức nhối của đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Philippe Troussier.
Các cầu thủ có thể dễ dàng kiểm soát bóng, nhiều khi thời lượng giữ bóng của đội tuyển Việt Nam không thua đối thủ nào. Nhưng đến khi chỉ còn cách vòng cấm địa của đối phương vài mét, đội tuyển Việt Nam lại tỏ ra lúng túng và rất thiếu ý tưởng tấn công.
Ngay cả Quang Hải hay Hoàng Đức đều không đưa ra được những đường chuyền đủ tiêu chuẩn để mở ra cơ hội cho đồng đội. Có thời điểm, bàn thắng của đội tuyển Việt Nam chủ yếu đến từ các pha bóng cố định hoặc chờ đối phương sai lầm.
Là chiến lược gia mang theo triết lý bóng đá tấn công, ông Kim Sang-sik phải nhanh chóng truyền đạt mảng miếng để học trò có thể hiệu quả hơn ở mặt trận tấn công. Ngoài ra, bản thân mỗi tiền đạo được tin tưởng cần chỉnh lại thước ngắm để ghi bàn. Cơ hội không có nhiều, nếu phung phí, đội tuyển Việt Nam sẽ trả giá đắt.
Bộ khung, sơ đồ mới hay cũ?
Theo mô tả của đội trưởng Đỗ Hùng Dũng và tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức, ông Kim Sang-sik có thể dùng nhiều sơ đồ chiến thuật nhưng "không quá đặc biệt". Cách vận hành đội bóng của nhà cầm quân sinh năm 1976 nằm trong xu hướng chung của bóng đá thế giới.
Để đi tìm lời đáp cho câu hỏi về sơ đồ chiến thuật của đội tuyển Việt Nam, hãy nhìn vào những gì mà HLV Kim Sang-sik từng làm tại Hàn Quốc. Trong phần lớn trận đấu, Jeonbuk Hyundai Motors ra sân với sơ đồ 4-2-3-1, 4-3-3 và chỉ chưa tới 10 trận họ áp dụng sơ đồ 3-4-2-1 hoặc 3-4-3.
Như vậy, hệ thống chiến thuật 3 trung vệ không phải sở trường của HLV Kim Sang-sik. Đội tuyển Việt Nam đang cần tấn công và tìm kiếm bàn thắng, việc giảm bớt cầu thủ ở mặt trận phòng ngự là tính toán hợp lý.
Có thể, đội tuyển Việt Nam sẽ xuất phát với 2 trung vệ, Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là thay đổi mang tính bước ngoặt mà HLV Kim Sang-sik dành cho đội tuyển Việt Nam.
Trong 6 năm qua, ông Troussier và người tiền nhiệm Park Hang Seo đều sử dụng 3 trung vệ trên sân dù cách tiếp cận trận đấu có thể khác nhau. Phá bỏ thói quen của cầu thủ không dễ dàng và lựa chọn cuối cùng thuộc về HLV Kim Sang-sik.