Nhìn cái cách mà Hoàng Đức, Khuất Văn Khang rồi Tiến Linh tung ra những cú dứt điểm trong vòng cấm của Iraq ở trận đấu vừa qua với toàn những cú sút hụt, mới thấy gọi là "đẳng cấp châu Á" dưới thời của HLV Park Hang-seo giờ đây thực sự đã là quá khứ tươi đẹp với đội tuyển Việt Nam. Và đấy là điều dù không muốn, người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt buộc phải chấp nhận.
Phút thi đấu chính thức áp chót của hiệp đấu đầu tiên, Văn Thanh có được cơ hội cực kỳ ngon ăn sau đường chuyền bổng vượt tuyến của Đức Chiến. Bàn thắng đã hiện ra trước mắt, song rốt cuộc bóng lại đi ra ngoài khung thành. Sở dĩ Văn Thanh không thể tung được cú sút chính xác, là bởi vì cầu thủ chạy cánh này đã có pha đỡ bước một quá tệ.
Đấy là vấn nạn chung của bóng đá Việt Nam. Nếu theo dõi sát V.League, không khó để nhận ra khả năng đỡ bước một của các cầu thủ Việt Nam là khá kém, dẫn đến chất lượng chuyên môn của những trận đấu ở giải đấu này cũng không cao khi tốc độ xử lý bóng là rất thấp. Điều đó cũng buộc các đội bóng V.League phải phụ thuộc rất nhiều vào "Tây".
Phải nói là HLV Park Hang-seo đã cực kỳ may mắn khi tiếp quản bóng đá Việt Nam vào thời điểm lứa cầu thủ "thế hệ vàng" bắt đầu "trổ mã" quá hoàn hảo. Lứa cầu thủ với hơn chục cầu thủ từng đặt chân đến World Cup U20, cộng với gần chục cái tên "cộm cán" của thời kỳ trước như Anh Đức, Quế Ngọc Hải, Văn Quyết, Hùng Dũng... đã tạo nên một đội tuyển thực sự "vượt tầm" Đông Nam Á, không chỉ bởi lối chơi đầy toan tính nhưng rất hợp lý của ông thầy người Hàn Quốc, mà còn bởi tài năng thực sự của các học trò.
Lứa cầu thủ trẻ song dạn dày kinh nghiệm trận mạc, được rèn giũa ở cả V.League lẫn các giải đấu quốc tế từng cùng HLV Park Hang-seo đem về hàng loạt thành tích cho bóng đá Việt Nam khác hẳn với lứa cầu thủ trẻ hiện tại, với những cái tên "chưa thành tài đã thành tật", thường xuyên dính những lối cơ bản do ít được ra sân ở V.League, và cái chính là khả năng chuyên môn kém xa so với các "đàn anh" là lý do chính cho thực trạng buồn của bóng đá Việt Nam.
So với thời đỉnh cao của thầy Park, thành tích và khả năng của đội tuyển Việt Nam hiện tại kém rất xa, dù bộ khung vẫn phần lớn đều quen thuộc, song nếu so với trước thời của nhà cầm quân người Hàn Quốc, thì cũng "bình thường thôi".
HLV Troussier bị chỉ trích thậm tệ sau những trận thua trước Indonesia với chính sách nhập tịch "khủng", thì dưới thời HLV Hữu Thắng, đội tuyển Việt Nam cũng bị loại ở bán kết AFF Cup 2016 đó thôi. Hay như thất bại của ông thầy người Pháp ở SEA Games 32, thì dưới thời Hữu Thắng, chẳng phải U22 Việt Nam còn tệ hơn khi bị loại ngay từ vòng bảng giải đấu này đấy sao?
Nhìn vào các trụ cột dưới thời HLV Park Hang-seo đang phải "gồng gánh" đội tuyển Việt Nam, không khó để nhận ra sự "xuống dốc" thảm hại. Đấy cũng là điều hợp lý khi 28, 29 tuổi với cầu thủ Việt Nam đã là thời điểm "bên kia sườn dốc" của sự nghiệp. Trong khi Hùng Dũng - với tấm băng đội trưởng trên tay, là cầu thủ chơi tệ nhất trong trận đấu gặp Iraq, thì có lẽ với Quang Hải hay Hoàng Đức có lẽ mối quan tâm chi phối nhất lúc này là sẽ chuyển nhượng về đâu, số tiền lót tay bao nhiêu. Đấy cũng là nhu cầu hợp lý của họ sau rất nhiều năm cống hiến cho bóng đá nước nhà.
Một giải vô địch quốc gia mãi vẫn chưa thể "lên chuyên", một lứa cầu thủ cộm cán đang "xuống dốc", mất động lực, một lứa cầu thủ trẻ còn đang phải chật vật tìm chỗ đứng ở V.League, bóng đá Việt Nam đang quay lại "điểm xuất phát" tầm chục năm về trước là chuyện bình thường, thậm chí là tất yếu.
Bởi vậy, so sánh giữa HLV Troussier với Kim Sang-sik hay Park Hang-seo là điều vô nghĩa. Điều quan trọng nhất là biết cách chấp nhận rằng chúng ta đã quay lại "ao làng", và lấy Thái Lan cùng Indonesia làm mục tiêu, thế thôi.