Tuổi thơ dữ dội của Raheem Sterling: Ăn… đạn để thành công

Dương Quảng |

Kevin de Bruyne ghi bàn duy nhất, nhưng Pep Guardiola đã dành tặng những lời có cánh cho Raheem Sterling. Sự xông xáo và nhiệt tình của tuyển thủ này bên hành lang phải đã góp phần giúp Man City chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận trước Chelsea.

"Sterling đã gặp chút khó khăn ở đầu mùa giải nhưng luôn biết cách thích nghi hoàn cảnh. Tôi không bao giờ trao áo số 7 cho một cầu thủ không nằm trong kế hoạch dài hạn", Pep Guardiola chia sẻ vứi SBNation sau thắng lợi 1-0 của Man City trước Chelsea.

Cho đến bây giờ, Sterling vẫn là tuyển thủ người Anh đắt giá nhất. Nhưng cách trung tâm London 5000 dặm - nơi Sterling sinh ra - là Kingston, căn cứ "trọng điểm" của hoạt động mafia, buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội tại Jamaica. Sterling đã bắt đầu giấc mơ sân cỏ của một siêu sao thế giới theo cách đó.

Học hết lớp 1, gia đình Sterling chuyển tới London lập nghiệp. Cậu được bố mẹ gửi gắm vào một vài trường công lập nhưng không giáo viên nào chịu nhận Sterling vì thái độ lấc cấc, bản tính nghênh ngang. Năm lên 7, Sterling buộc phải đăng ký nhập học tại trường giáo dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Vernan House. Tại đây, anh là học viên do cô Chris Beschi quản lý.

3 năm quan sát Sterling, cô Beschi nhận xét "Đó là một cậu bé thông minh, cá tính nhưng nhiều tật xấu". Cô Beschi kể lại năm Sterling lên 10, cô khuyên cậu "Trong 4 năm nữa, hoặc em sẽ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, hoặc em sẽ trở thành kẻ đầu đường xó chợ chuyên đâm thuê chém mướn".

Ranh giới giữa hai cuộc sống đó là rất mong manh và Sterling hiểu được điều đó. Cậu nhận thức được tương lai của mình sẽ ra sao nếu tiếp tục hành vi lỗ mãng, nuôi mái tóc đuôi sắm bắt chéo theo phong cách cao bồi đấu súng tại New Mexico.

Tuổi thơ dữ dội của Raheem Sterling: Ăn… đạn để thành công - Ảnh 1.

Nhưng Sterling không thể thay đổi. Cậu kể rằng 6 năm ở Jamaica là khoảng thời gian mà muốn tồn tại, bất kể đứa trẻ con nào đều phải học cách "tỉnh bơ" trước tiếng súng đạn, nhặt vỏ đạn rơi vãi bán sắt vụn lấy tiền mua nước. 90% hộ gia đình thuộc diện nghèo đói, bánh mỳ hay thực phẩm cơ bản là điều gì đó xa xỉ.

Thế nên, để quên đi cái đói thì phải ra đường, coi trò chém giết là nguồn vui xả stress. "Cả tuần, tôi được ăn khoảng 3 cái bánh mỳ, còn vỏ đạn thì vô số, tầm 300 hay 400 gì đó", Sterling bộc bạch.

Lên 10, Sterling tham gia bóng đá phong trào thường xuyên trong màu áo đội trẻ Alpha và Omega. Mỗi ngày, cậu dành ra 2 tiếng chơi bóng. Lúc đó, Sterling chỉ đơn giản nghĩ rằng đá bóng là thú vui giết thời gian chứ chẳng dám mơ mộng trở thành ngôi sao sân cỏ.

Thế rồi một ngày, Steven Gallen, trưởng bộ phận tuyển trạch của QPR tình cờ bắt gặp Sterling đang đùa giỡn với trái bóng. Gallen hỏi xung quanh gốc gác cậu bé này, tìm đến cô Beschi và quyết định chọn Sterling vào học viện QPR. Ngày hôm ấy, chính xác là 07/07/2005, Sterling gia nhập đội bóng phía Tây London.

Tuổi thơ dữ dội của Raheem Sterling: Ăn… đạn để thành công - Ảnh 2.

Năng lực của Sterling vô cùng đặc biệt. Có lần đội U14 QPR đá với U14 Chelsea, Sterling một mình ghi 5 bàn, giúp QPR thắng 6-5.

Thời đó, Sterling được cho tiền trang phục, tiền ăn uống và học phí nhưng không thuộc chế độ nhận lương phụ cấp nên khác với bạn bè đồng trang lứa, những người năng lực chuyên môn không bằng mình, Sterling thường xuyên phải về nhà ngay sau buổi tập thay vì đi chơi điện tử tay cầm hay ăn đồ ăn nhanh.

Đi bộ ra nhà ga - bắt tàu điện ngầm - quay về nhà, ngày nào cũng như ngày nào, quy trình ấy diễn ra suốt 4 năm và phải mất chừng ấy thời gian, người ta mới biết Sterling sinh sống tại phố Raphael’s Estate, quận Neasden. "Nhà tôi nghèo lắm, tất cả là căn gác xép hơn 10m2 trong một xưởng in bỏ hoang, sao dám cho bạn bè về được", Sterling tiết lộ.

Nhưng sau đó, Sterling bị mẹ ép nghỉ đá bóng vì đá mãi chẳng thấy tiền đâu. Cậu thúc giục QPR và vào tháng 07/2009, Sterling ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời. 2000 bảng/tuần, không nhiều nhưng vừa đủ với trang trải.

Tuổi thơ dữ dội của Raheem Sterling: Ăn… đạn để thành công - Ảnh 3.

Hai tuần sau, Sterling khoe với bạn bè rằng cậu mới tậu chiếc giày hiệu Puma giá 200 bảng. Trước đó, Sterling chỉ có 2 đôi giày thi đấu, tổng giá trị chưa tới… 30 bảng. "Đúng rồi, có hợp đồng là có tiền, có tiền là không khổ", Sterling kiếm những đồng tiền đầu tiên từ công việc đá bóng như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại