Từ “Tự hào Hà Nội”...

Triết Long |

“Muốn thiết kế hay đưa hình ảnh nào cũng được, miễn là ý nghĩa và giá trị. Tôi thấy nên có ảnh CĐV của mình…”.

Chốt lại cuộc họp, đề xuất mà cũng là kết luận được đưa ra. Và chiếc xe chở đội 5 sao mới nhập về cũng như những tấm pa-nô, áp phích quanh sân được thống nhất, hình ảnh CĐV là chủ đạo với tư cách những nhân vật chính, đại diện cho CLB Hà Nội như chính slogan của đội bóng: “The pride of Hanoi - Tự hào Hà Nội”.

“Để đây và không nói gì…”

“Nếu tôi nhớ không nhầm, lần cuối cùng Hàng Đẫy đông như thế này là trận chung kết Cúp QG 1995. Đông quá, vỡ sân và mất kiểm soát dù chuẩn bị rất kỹ nên rất khổ, nhưng bị khán giả mắng mà… sướng. Được đứng ở sân hôm đó là may mắn, với những thời khắc tuyệt vời nhất, như mơ ước và chờ đợi của chúng tôi bao năm nay”. Nhắc lại trận đấu vỡ trận mà “Hàng Đẫy thất thủ” ở vòng 3 khi tiếp HAGL, Chủ tịch CLB Hà Nội - Nguyễn Quốc Hội - tự hào.

“Mấy chục năm rồi, sân mới lại đông như thế này. Sân đẹp, khán giả đông nghịt, được chơi bóng trong không khí này mới sướng, đá không hay mới lạ…”, đứng ở đường pitch do không còn chỗ trên khán đài, cựu danh thủ Vũ Minh Hiếu hào hứng. Với một người được xem như biểu tượng của Công an Hà Nội ngày nào và khó tính như Minh Hiếu, đó là lời khen với sự thừa nhận.

Vòng 1 gặp Hải Phòng, 13.000 khán giả. Vòng 3 với HAGL, 20.000 khán giả, tất nhiên là theo con số làm tròn của BTC dù thực tế sân vỡ phải mở cửa tháo khoán khi quá tải. Và vòng 5 với Sài Gòn, sân Hàng Đẫy đông nhất với 10.000 khán giả. Với Hà Nội và ông Hội thì tự những con số biết nói và “để đây, không nói gì”.

“Đó là ước mơ và cả sự toại nguyện, khi chúng tôi đã bắt đầu làm được. Một Hà Nội của con dân Hà Nội, của tự hào Hà Nội và chúng tôi sẽ còn làm được hơn thế nữa” - ông Hội quả quyết không giấu niềm kiêu hãnh.

Ý thức và một hành động vô thức

Có một hình ảnh đặc biệt liên quan đến CLB Hà Nội mà nhiều CĐV của đội bóng này lưu trong máy với sự trân trọng, đó là cái cúi đầu và quỳ xuống sân của ông Chủ tịch CLB. Lễ đăng quang chức vô địch quá kịch tính và thuyết phục ở vòng đấu cuối trên sân Hàng Đẫy ngày hạ màn V.League 2016, khi nhận được chiếc Cúp từ tay cầu thủ, ông Hội chạy lại khán đài B nơi Hội CĐV với tên gọi Contras Hà Nội đang chờ. Đặt chiếc Cúp xuống, ông quỳ xuống và cúi đầu cảm ơn CĐV.

Khác với TPHCM khi Công Vinh, Chủ tịch CLB Hà Nội không ra quầy vé để bán vé hay sang tận nơi xin lỗi khán giả sau thất bại, ông chỉ ý nhị “xin” được hỗ trợ tiền vé tàu xe, máy bay với các CĐV ở tận miền trong hay các tỉnh xa về với đội. Ngày vui, ông sẵn sàng ra quán để cụng cốc bia hơi, ngồi với CĐV. Ngày trọng đại như đám cưới, ông vẫn trực tiếp đến để chúc mừng. Bởi mối quan hệ cùng cách ứng xử thân thiết như trong nhà, thế nên CĐV của đội bóng vẫn xưng hô “Chủ tịch” và “con”.

Với Hà Nội, có những hình ảnh nhiều người vẫn lấy để giễu cợt, về CĐV “cổ vũ thuê” với toàn ông bà già với trẻ con. Từ mấy mùa trước, có một nghịch lý là ở Hàng Đẫy luôn có 2 nhóm CĐV, bên A là “tổ già” với áo vàng truyền thống còn bên B là Contras Hà Nội với màu áo tím. Họ đối đầu với nhau và “di chứng lịch sử” đó, lâu nay là một bài toán khó nan giải.

Lật lại thời gian, những ngày đầu T&T Hà Nội thành lập, đội bóng non trẻ không được thừa nhận đó phải nhờ vả để có khán giả. Bởi không tiếc gì để có mời gọi khán giả, thế nên thành cái lệ với việc hỗ trợ chi phí và bị hiểu thành “đi thuê CĐV”.

Chính CĐV với các thế hệ và điểm xuất phát khác nhau thành lực cản cho việc xây dựng trên các khán đài, Hà Nội nhiều lần muốn thay đổi nhưng bất lực, khi những người đứng đầu CLB từ bầu Hiển đến ông Hội bảo lưu nguyên tắc “trân trọng những người ở bên cạnh lúc đầu tiên, khó khăn nhất và không bao giờ bỏ nhau”.

Thế nhưng, từ mùa này, họ thành một, chung một màu áo. Chia sẻ về câu chuyện nhạy cảm này, Chủ tịch của Hà Nội kể chuyện gặp từng người nói chuyện, thuyết phục để gắn kết CĐV lại.

“Là đám đông, lại là CĐV rồi màu áo này áo kia lại cách biệt thế hệ già trẻ nên rất khó nhưng cuối cùng cũng giải quyết được. Chúng tôi cùng ngồi lại, chung tay vì Hà Nội với quan điểm Hà Nội thì phải đẹp. Đúng và tốt thì làm, bởi “nói phải củ cải cũng nghe” khi họ đều yêu bóng đá, ủng hộ và là một phần đội bóng.

Đá hay, đá đẹp và có thành tích tốt, cách làm đúng đắn, cuối cùng thì sau hơn 10 năm Hà Nội cũng bắt đầu thuyết phục được khán giả Hà Nội. Mục tiêu và tiêu chí hướng đến CĐV như là nòng cốt, tài sản của CLB được họ duy trì để rồi “bao năm trồng cây, cũng có một ngày chúng tôi cùng hái quả. Với Hà Nội, sân Hàng Đẫy vỡ chính là quả ngọt của tự hào”.

“Có những CĐV trung thành với CLB, đó là tài sản lớn nhất. Nó là sự sống và huyết mạch của sự phát triển. Có CĐV, nhà tài trợ và các thương hiệu sẽ quan tâm, đồng hành, đó chính là cách làm chuyên nghiệp, tiến lên chuyên nghiệp. Chúng tôi có một con đường kiên định khi làm bóng đá, nó sẽ mở ra những chân trời mới và Hà Nội sẽ kiên quyết đi theo con đường đó…”.

photo-1

Chiếc xe với hình ảnh CĐV của CLB Hà Nội.

Con đường kiên định để “mở chân trời mới”

Có một nghịch lý với trường hợp của Hà Nội mà bao năm qua tồn tại như một nghịch lý: Những Thành Lương, Văn Quyết… rất được yêu mến nhưng đá ở Thủ đô thì bị thờ ơ, ghẻ lạnh tại Hàng Đẫy. Tuy nhiên, cứ đi tỉnh xa thì họ kéo được đông khán giả đến sân giúp… chủ nhà. Không có hội đồng hương hay tính liên kết kiểu địa phượng, tính ra trước HAGL với lứa Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh… thì chỉ có Hà Nội làm được điều này.

Hà Nội có những đặc trưng mang nét văn hóa đặc thù, đặc biệt với bóng đá. Người Thủ đô bận, nhiều thứ để chơi và hoài cổ. Đa phần có thói quen so sánh, bám chặt lấy những Thể Công, Công an Hà Nội của ngày xưa và không dễ thừa nhận rồi đón nhận cái mới. Nói như định nghĩa của một người Hà Nội như ông Hội thì “yêu cũng khác, từ làm quen, tìm hiểu rồi dạm ngõ, ăn hỏi mới cưới”, thế nên khó và chậm, nhưng khi yêu rồi thì sâu, bền chặt.

“Tôi gặp nhiều, ngồi và lắng nghe, chia sẻ rồi thậm chí tranh cãi đến cùng về bóng đá. Cũng vui khi gặp những cán bộ hưu trí, khán giả lớn tuổi được khen sân bóng đẹp, hình ảnh chuyên nghiệp, đội chơi tốt và sân bóng tạo cảm giác hưng phấn, đầy không khí.

Đó là thành quả lớn nhất của CLB chứ không phải những chiếc Cúp”, ông Hội kể khi nói về giấc mơ “một Hà Nội của con dân Hà Nội” và những cố gắng từng bước một, từ việc xác định tiêu chí xây dựng đội bóng, bên cạnh việc chơi hay chơi đẹp và có thành tích là ý thức chuyên nghiệp, hướng đến CĐV hay những cái mới như việc làm lại mặt sân, lắp ghế và sơn sửa sân cho khang trang với hình ảnh bắt mắt trang trí quanh sân rồi phòng thay đồ, nhà vệ sinh lẫn chiếc xe ôtô xịn nhất…

Khi duyệt market để trang trí cho chiếc xe mới cũng như áp phích quanh sân, Hà Nội chọn hình ảnh CĐV và khi chiếc xe mới khai trương, các CĐV được đáp ứng đầu tiên để lên tham quan, chụp ảnh, không phải đội bóng nào cũng quan tâm đến những điều như thế. Và từ mùa trước, Hà Nội thể hiện sự cầu thị bằng những sự kiện, chương trình hoạt động trước các trận đấu cho CĐV cũng như đưa đón học sinh ở Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất… đến sân.

“Những khi đội thua đau buồn hay mất mặt, đèn mờ tắt vẫn ngồi thẫn thờ và mình chưa kịp nói lời chia sẻ với khán giả thì CĐV vẫn chờ để động viên. Có những CĐV như Thọ, ở tận miền Nam nhưng tất cả các thành viên CLB Hà Nội từ đội 1 đến tuyến trẻ đều được xem như người nhà.

Chúng tôi rất trân trọng những CĐV như Kiều Hoàng Phương Anh, ở xa TP.Tuyên Quang đến cả trăm kilômét vẫn xuống Hà Nội khi đội đá, bao giờ cũng có quà là những món bánh đặc sản quê hương. Giá trị tinh thần là vô giá và chúng tôi phải xứng đáng với tình cảm CĐV dành cho mình, lúc thành công cũng như thất bại, khó khăn nhất...

Khán giả sẽ không quay lưng với Hà Nội, đó là trọng trách của CLB. Chúng tôi muốn có nhiều hơn nữa những trận đấu như với HAGL và điều mong mỏi nhất là tất cả ý thức để cùng chung tay, những Thanh Hóa, SLNA, Hải Phòng, FLC Thanh Hóa cũng có cách làm đúng để ngày càng vững mạnh chứ không trồi sụt, để cùng chúng tôi làm nên những trận đấu “vỡ sân”. Và khi Hàng Đẫy mới khánh thành, chắc chắn mọi thứ sẽ còn khác hơn nữa…” - Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội kết luận và gửi đi thông điệp, từ “niềm tự hào mang tên Hà Nội”.

Tiền vệ Phạm Thành Lương: “Thành tích không quan trọng bằng việc chiếm được tình cảm NHM”

“CLB Hà Nội trước đây là Hà Nội T&T, những ngày đầu ra mắt là một đội bóng non trẻ gặp khá khó khăn trong việc kêu gọi khán giả. NHM bóng đá Thủ đô trước đây đã có truyền thống gắn liền với Thể Công và Công an Hà Nội, đấy là khó khăn để lôi kéo CĐV đến sân ủng hộ đội bóng. Thế nhưng bằng sự đầu tư, bằng việc làm việc nghiêm túc của lãnh đạo, chúng tôi đạt được một số thành tích nhất định và có được chỗ đứng trong làng BĐVN, từ đó được khán giả ghi nhận và chú ý.

Trong một thời gian dài, bằng sự cố gắng của cả tập thể cũng như cách làm bài bản, nghiêm túc đã từng bước chiếm được tình cảm của NHM. Như chúng ta thấy, bóng đá Hà Nội trước đây có Thể Công và Công An Hà Nội đã ăn sâu vào thế hệ 7X, 8X. Các thế hệ sau này, họ biết, hiểu về Hà Nội và dần dần đến sân nhiều hơn.

Người Hà Nội có tính cách và đặc điểm riêng, để lựa chọn yêu mến một đội bóng nào đó thì phải tìm hiểu rất kỹ. Họ xem xét để trao gửi tình yêu cho đội bóng có thực sự xứng đáng không. Đấy chính là khó khăn trong việc thuyết phục, lôi kéo khán giả của các đội bóng đóng trên địa bàn Thủ đô nhiều năm nay.

Theo tôi, với một CLB bóng đá chuyên nghiệp, thành tích không quan trọng bằng việc chiếm được tình cảm của CĐV. Để có được tình yêu của khán giả, CLB phải đến với bóng đá một cách nghiêm túc, có lối chơi đẹp, cống hiến thì sẽ được ghi nhận, ủng hộ và cổ vũ…”.

HLV Chu Đình Nghiêm: “Tôi luôn nói các cầu thủ phải cống hiến vì khán giả”

“Tôi là người Thanh Hóa đã gắn bó với Hà Nội từ những ngày đầu tiên cho đến bây giờ. Những năm đầu tiên, việc kéo khán giả đến sân rất khó khăn. Nếu như các địa phương, khán giả đến sân vì cả tự hào quê hương thì với các đội bóng như ở Hà Nội hay Sài Gòn phải đi chinh phục khán giả. Đến bây giờ thì Hà Nội đã kéo được khán giả đến sân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tôi cho rằng hành trình 10 năm của Hà Nội trong việc kéo được khán giả đến sân do chính CLB đã xây dựng được lối chơi đẹp, có phong cách riêng. Bên cạnh đó, hiệu ứng mà U.23 Việt Nam mang lại đã giúp cho sự quan tâm tăng lên đáng kể.

Với lượng CĐV hiện tại, có thể tạm coi là thành công với Hà Nội nhưng để đông hơn và trung thành với đội bóng thì bản thân CLB phải chơi tốt hơn, giữ được hình ảnh đẹp.

Tôi luôn nói với học trò phải chơi đẹp và cống hiến để lấy khán giả vì rất quan trọng, cho cầu thủ rất nhiều, ví dụ như sự thăng hoa hay ý thức, trọng trách với nghề. Là hình ảnh của CLB nên mỗi người phải cố gắng và hy sinh một chút. CĐV bỏ thời gian, tiền bạc đến với mình, phải làm sao để họ không tiếc khi bỏ ra 90 phút đến sân”.

HLV Phan Thanh Hùng: “Tín hiệu tích cực cho bóng đá Hà Nội”

“Bây giờ tôi không còn là người của Hà Nội nữa, nhưng mỗi khi trở lại Hàng Đẫy đều có rất nhiều cảm xúc. Gắn bó với Hà Nội trong 6 năm, tôi thấy rằng điều thay đổi lớn nhất là tình cảm mà khán giả dành cho đội bóng được thể hiện trên khán đài. Nếu như trước đây chỉ là những nhóm CĐV nhỏ lẻ thì bây giờ bầu không khí được tạo ra đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Đó là thành quả của cả chặng đường dài và là tín hiệu rất lạc quan.

Bóng đá cần khán giả và Hà Nội đang từng bước chiếm được tình yêu của NHM, cần giữ gìn và phát huy hơn nữa”.

ĐĂNG HUỲNH (ghi)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại