Đã có những chỉ trích, đã có những bênh vực, đã có cả những bực bội chỉ sau vài ngày cuốn tự truyện Phút 89 của Công Vinh ra mắt . Điều đó có thể được dự báo từ trước khi cuốn sách lên kệ. Dễ hiểu, bóng đá Việt vốn dĩ đã nhiều phức tạp với đầy những ngờ vực có thể được suy luận thành các thuyết âm mưu khác nhau. Hơn nữa, bản thân Công Vinh cũng là một cái tên “nhạy cảm” bởi lượng người yêu lẫn ghét anh đều rất lớn.
Vùng cấm đời tư…
Nhạc sĩ, nhà báo Hà Quang Minh
Với tự truyện nói chung và của Công Vinh nói riêng nên đọc nó như một cuốn sách giải trí, không hơn không kém và đừng mưu cầu tìm kiếm sự thật tuyệt đối nào ở đó. Bản chất con người là tò mò, đặc biệt thích biết những “vùng cấm đời tư” của những người khác nên khi đứng trước những thông tin về ai đó, dù chỉ ở dạng “nghe nói là” hoặc “được kể lại là”… rất dễ cuốn hút.
Sự thật tuyệt đối không thể kiếm tìm trong bất kỳ cuốn tự truyện nào. Đơn giản khi ai đó dũng cảm công bố tự truyện không có nghĩa rằng họ đang dũng cảm phơi bày cuộc đời thật của mình cho công luận. Tự truyện vốn dĩ không phải lời sám hối và ngay cả có cơ hội sám hối trước thượng đế đi nữa, không hẳn 100% người sám hối đều nói thật.
Hơn thế nữa, tự truyện là chủ quan cá nhân nên sự thật ấy sẽ ít nhiều mang cảm tính. Cái sự thật cảm tính, sự thật được cảm nhận chủ quan một phía không thể là sự thật. Ví như chuyện Công Vinh nói Tấn Tài và Văn Quyết không chuyền bóng cho mình chẳng hạn. Nếu yêu quý Công Vinh, người đọc dễ tin vào nó. Thế nhưng nếu trung dung suy xét, có thể ta sẽ thấy rằng liệu chăng đó chỉ là cảm nhận của Vinh và Vinh tin rằng cảm nhận ấy là một sự thật.
Vinh không nói dối mà đơn giản chỉ nói cái sự thật cảm nhận riêng mà Vinh tin. Để rồi khi có những video trên mạng cho thấy Quyết và Tài vẫn chuyền bóng cho Vinh, người ghét Vinh lại cho rằng Vinh nói láo, Vinh quên đi sự thành công của mình gắn rất nhiều đến đồng đội, đến những người thầy mà Vinh nghĩ các thầy đấy làm điều (xấu) như Vinh nghĩ.
Công Vinh đang bị nhiều đồng đội xem là quay lưng lại với đồng đội từng sát cánh với anh. Ảnh: HUY PHẠM
Một nửa sự thật…
Thực tế, khi đã công bố tự truyện, sẽ có những người khác liên quan xuất hiện trong tự truyện ấy. Vậy thì khi đã có một người khác, sự thật phải được kiểm chứng từ đầy đủ các bên. Nếu Phút 89 có tình tiết nhắc đến Vinh và một cá nhân nữa và tình tiết ấy mang tính dữ kiện, điều đó có nghĩa sự thật mà Công Vinh đưa ra chỉ là sự-thật-một-nửa.
Còn nếu nó liên quan đến hơn hai cá nhân, phần trăm sự thật sẽ còn nhỏ hơn rất nhiều. Trước những dữ kiện sự thật không toàn vẹn như vậy, chúng ta cần phải cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn nó làm niềm tin, bởi đơn giản nó có ảnh hưởng đặc biệt đến phẩm cách của người có liên quan, thứ mà chúng ta cần tuyệt đối thận trọng khi đánh giá và bình phẩm.
Trong các tự truyện đã từng ra mắt trên thế giới, có nhiều tự truyện đụng chạm đến người có liên quan rất lớn nhưng dường như chưa có kiểu đụng chạm nào đến mức độ gây phẫn nộ như ở Phút 89 vừa rồi.
Nếu chúng ta đọc đoạn bình phẩm của Sir Alex Ferguson về David Beckham, rõ ràng chúng ta có thể cảm nhận được không hẳn Beckham sẽ hài lòng khi Sir Alex nhận xét Beckham rằng “David là cầu thủ duy nhất mà tôi huấn luyện lựa chọn con đường danh tiếng, quyết định mình phải nổi tiếng ở ngoài sân cỏ”. Song đó là cảm nhận riêng, cảm nhận cá nhân chứ không phải là một khẳng định kiểu “sự thật dữ kiện”.
Trước các dữ kiện, người phương Tây thận trọng hơn người Á đông rất nhiều vì cơ bản người Á đông trong tương quan với môi trường xung quanh luôn lấy mình làm gốc tọa độ. Nhưng không hẳn vì thế mà ta có quyền lựa chọn cách thể hiện theo gốc tọa độ của mình để dư luận có thể bị mơ hồ.
Công Vinh từng ra sân ở ghế dự bị và anh không cho rằng mình chưa phù hợp với B. Bình Dương mà vì chưa “lót tay” cho HLV Lê Thụy Hải.
Các HLV từng chia sẻ với những thăng trầm của Công Vinh cũng lên tiếng về một nửa sự thật của Vinh. Ảnh: CTV
Trong tự truyện của mình, nữ ca sĩ Ái Vân từng dự định có hẳn một chương về người chồng cũ. Chương ấy đã hoàn tất rồi nhưng khi ấn hành, cô đã rất hiểu chuyện khi quyết định bóc nó ra, để nó chỉ còn là những trang trắng. Những trang trắng nhiều khi nói lên nhiều điều hơn những ngôn ngữ, thứ vốn dĩ chỉ là phương tiện và không thể nào chuyển tải hết được ý niệm của người muốn truyền đi thông điệp.
Cách đây vài năm, có một quan chức bóng đá Việt Nam đã mua một cuốn tự truyện của tay trùm dàn xếp tỉ số châu Á là Wilson Raj Perumal có nhan đề Kelong King
Bởi thế, trước tự truyện của Công Vinh, hãy đơn thuần coi nó như một thứ sách để đọc giải trí không hơn không kém. Công Vinh đã nói anh sẵn sàng chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra thì điều đó chỉ có nghĩa là chiều sự thật từ phía Công Vinh đã được xác nhận, còn chiều sự thật từ các đương sự khác nhiều người là đồng đội, là thầy của Vinh đang chống lại một nửa sự thật của Vinh không phải là sự thật.
Thế nên ở lúc này chẳng nên vội vàng và ồn ào về một câu chuyện được kể từ một chiều sự thật. Càng ồn ào, mọi thứ sẽ càng phức tạp hơn. Còn việc công bố tự truyện, ấy là quyền của mỗi người. Điều cơ bản nhất, cái tên có đủ sức bán tự truyện hay không mà thôi.
HLV Lê Thụy Hải: “Hồi đá bóng Vinh vẫn gọi tôi là bố…” HLV Lê Thụy Hải nói rằng ông không đọc tự truyện của Công Vinh nhưng qua báo chí, ông biết là Công Vinh có đề cập như là vì Vinh không đưa tiền hối lộ HLV nên bị nhốt ở ghế dự bị. HLV Lê Thụy Hải nói thẳng thắn: “Hồi ở đội tuyển lẫn ở đội B. Bình Dương, Công Vinh vẫn gọi tôi là bố. Có ông bố nào lấy tiền hối lộ của con để “thương” nó hơn những đứa khác không? Nói thật là hồi đó ở B. Bình Dương, Công Vinh không qua nổi Anh Đức và tiền đạo Tây ở trên. Đội hình B. Bình Dương lúc đó toàn sao không. Vinh đá ở Hà Nội T&T hay đá cho Hà Nội ACB còn có suất chính chứ ở B. Bình Dương toàn sao không lại phải phục vụ cho tập thể nên đâu thể mới về đòi có suất đá chính được. Chuyện này thì HLV cả nước ai cũng biết khác với cậu ấy cứ nghĩ đá ở đội tuyển thì về CLB phải có suất đá chính…”. Đ.TR |
____________________________
(*) Nhạc sĩ , nhà báo Hà Quang Minh từng tìm tòi, nghiên cứu nhiều về các loại tự truyện của giới showbiz và những người nổi tiếng ở cả thế giới lẫn Việt Nam, qua sự ồn ào từ tự truyện của Lê Công Vinh, nhà báo Hà Quang Minh có một góc nhìn riêng.