Cần khẳng định rằng viết tự truyện là quyền của Công Vinh cũng như nhiều người khác.
Cần khẳng định rằng, với cái danh của Công Vinh trong làng bóng đá Việt Nam, cũng đủ lí do để thuyết phục ra một tự truyện, và thậm chí cũng đã đủ sức hút với người hâm mộ.
Nhưng cần phân biệt, cái tầm vóc (hình ảnh, thương hiệu, danh tiếng…), để có thể ra một tự truyện thu hút được người đọc, với cái tầm thể hiện trong nội dung tự truyện lại rất khác nhau.
Một bên thiên về hào quang, danh tiếng; còn một bên thiên về nội dung, thông điệp từ tác phẩm. Tự truyện của Công Vinh có nhiều tình tiết, chi tiết, câu chuyện… có sức câu khách khi đụng tới ông bầu này, cầu thủ kia hay HLV nọ… Song những câu chuyện ghét ghét, yêu yêu… đó rồi cũng chỉ giải quyết được một việc là thỏa mãn sự tò mò của một số độc giả nào đó, chứ không truyền tải được thông điệp từ chuyện yêu ghét kia cần hướng đến cái gì lớn hơn và tốt hơn cho bóng đá nước nhà, và càng chưa thể hiện được cái tầm văn hóa của người kể chuyện.
HLV Lê Thụy Hải là người được đề cập trong tự truyện, và các chi tiết trong nội dung đã khiến vị HLV nổi tiếng thẳng tính này không tránh được dư luận nghĩ sai về ông, rằng ông nhận tiền cầu thủ để xếp cầu thủ đá chính tại CLB B.Bình Dương, rồi chuyện “hục hặc” giữa ông và Công Vinh...
Thế nhưng khi được hỏi, ông Hải đã nói rất “nhẹ nhõm” rằng: “Người ta muốn có cái danh, để người ta có cái danh ấy một tí cũng được, ganh tị làm gì. Còn tôi không quen nói xấu ai để đưa mình lên”, và “nếu là một chi tiết giúp cuốn sách thêm hấp dẫn thì cũng là điều có thể hiểu được và không lấy làm phiền lòng”.
Có lẽ vì thế mà Công Vinh mới phải thanh minh rằng “không hề nói bố Hải nhận tiền” mà do dư luận hiểu lầm. Đành rằng dư luận rất dễ suy diễn, đặc biệt là trước những thông tin nhạy cảm, nhưng cách ứng xử của một người từng trải như ông Hải, không sa vào đôi co hay trách móc để rồi trở thành “con mồi” cho truyền thông câu khách, không chỉ cho thấy sự tỉnh táo mà còn thể hiện cái tầm và cái tâm của một HLV.