Từ tấm huy chương ố màu của quê thầy Park đến nghĩa cử mùa dịch từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu

Ngô Trà |

Nếu như tấm huy chương vô địch khiến đội tuyển Hàn Quốc dính cái dớp khủng khiếp, thì giữa đại dịch, tấm huy chương vô địch AFF Cup của Việt Nam lại đang tỏa sáng long lanh.

Lời nguyền ánh sắc vàng

Đầu năm 2019, ngay trước khi Asian Cup khai hội, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã có một hành động "lạ thường", khi tổ chức trao 3 tấm huy chương vàng cho gia quyến của ba cố tuyển thủ quốc gia nước này là Cho Jung-min, Cho Hong-bok và Cho Yoon-ok. Đáng nói, đấy là những tấm huy chương... vô địch Asian Cup gần nửa thế kỷ trước. Đó là những tấm huy chương vàng được đúc lại trong nỗi lực "giải lời nguyền" đen đủi và nặng nề nhất của bóng đá Hàn Quốc.

Đáng nói hơn, những tấm huy chương óng ánh sắc vàng ấy đã được đúc trước đó 5 năm. Song trong số 23 tấm huy chương này, chỉ có vài tấm đến được địa chỉ cần trao, bởi đa số các cựu tuyển thủ Hàn Quốc từ chối nhận nó, hoặc gia đình của những cựu tuyển thủ đã mất không đồng ý nhận. Nên nhớ, sau tấm huy chương vàng Asian Cup năm 1960 ấy, Hàn Quốc chưa từng thêm lần nữa đứng trên bục cao nhất của giải đấu tầm châu lục này.

Từ tấm huy chương ố màu của quê thầy Park đến nghĩa cử mùa dịch từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu - Ảnh 1.

Đã 50 năm bóng đá Hàn Quốc dính "lời nguyền ánh sắc vàng".

Là bởi, như một lời nguyền, sự tắc trách của các quan chức bóng đá Hàn Quốc từ đúng nửa thế kỷ trước đem lại sự oán hận kéo dài mãi đến tận cuối đời của rất nhiều những cầu thủ từng đem vinh quang về cho đất nước.

Mọi chuyện bắt đầu từ sau chức vô địch Asian Cup 1960 mà đội tuyển Hàn Quốc nhận được. Ngay sau chức vô địch năm ấy, toàn bộ 23 tuyển thủ quốc gia nước này đồng loạt trả lại tấm huy chương vàng đã nhận cho Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc. Không phải vì họ cho rằng mình không xứng đáng, mà bản thân những tấm huy chương vàng ấy không xứng đáng với họ.

Chỉ vài ngay sau khi được trao, những tấm huy chương mạ vàng rực rỡ ấy đã... bong lớp mạ, bay màu, lộ ra phần lõi xấu xí phía bên trong. Ngày ấy, những quan chức Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc chẳng thèm quan tâm đến chiếc huy chương vàng "xấu xí" ấy, lại càng chẳng thèm quan tâm đến tâm tư của những tuyển thủ cống hiến tài năng, sức lực để đem vinh quang về cho nước nhà.

Từ tấm huy chương ố màu của quê thầy Park đến nghĩa cử mùa dịch từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu - Ảnh 2.

Một trong những chiếc huy chương vàng được đúc lại năm 2014.

Và rời cứ mỗi giải đấu Asian Cup trôi qua, chức vô địch đều "trốn tránh" đội tuyển Hàn Quốc, dù cho họ có đến 4 lần lọt vào đến trận đấu cuối cùng - chung kết. Và cứ thế, càng ngày người hâm mộ đất nước này càng tin vào "lời nguyền" khủng khiếp, đến mức độ năm 2014, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc quyết định đúc lại bộ huy chương, nhưng đã muộn...

Với một cầu thủ bóng đá, đôi khi chiếc huy chương vàng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, và khi bóng đá Hàn Quốc "sổ toẹt" vào chiếc huy chương mang nhiều ý nghĩa tượng trưng ấy, họ cũng "sổ toẹt" vào ý nghĩa mà nó mang lại cho những người làm nên lịch sử. Huy chương có thể đúc lại, nhưng nỗi đau thì còn mãi, với cả những người đã khuất, lẫn những người còn sống.

Trên cả những tấm huy chương, họ là những nhà vô địch

Với bóng đá Việt Nam, chiếc huy chương vàng AFF Cup 2008 mang ý nghĩa chẳng khác mấy chiếc huy chương vàng Asian Cup ngày nào của bóng đá Hàn Quốc. Nó đánh dấu lần đầu tiên bóng đá Việt Nam đoạt được vinh quang ở giải đấu tầm khu vực này, sau rất nhiều năm trăn trở và đau đớn.

Với tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, chiếc huy chương vàng AFF Cup 2008 lại càng ý nghĩa khi anh chính là người tung ra đường chuyền "dọn cỗ" cho Công Vinh ghi bàn thắng thứ hai trong trận thắng 2-1 trước Thái Lan, trong trận chung kết lượt đi trên đất khách.

Từ tấm huy chương ố màu của quê thầy Park đến nghĩa cử mùa dịch từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu - Ảnh 3.

Song ngày hôm nay, chiếc huy chương vàng - kỷ vật quý giá nhất ấy, được tiền đạo từng đoạt chức vô địch V.League cùng HAGL, Đồng Tâm Long An lẫn 2 cúp quốc gia cùng Công an TP.HCM đem ra bán đấu giá, để góp phần chung tay ủng hộ Quảng Nam đẩu lùi Covid-19.

Bên cạnh chiếc huy chương vàng của Việt Thắng, còn có chiếc huy chương bạc Tiger Cup 1998 - giải đấu mà không ít người hâm mộ Việt Nam vẫn còn nhớ như in cho đến tận bây giờ, của tiền vệ Vũ Minh Hiếu. Với tiền vệ của CLB Công an Hà Nội này, chiếc huy chương này đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của anh.

Chưa hết, còn có quả bóng SEA Games 2019, quả bóng Tiger Cup với đầy đủ chữ ký của các tuyển thủ, áo đấu số 9 của Hà Đức Chinh, áo đấu số 23 của Bùi Tiến Dụng - cũng với đầy đủ chữ ký của toàn đội.

Từ tấm huy chương ố màu của quê thầy Park đến nghĩa cử mùa dịch từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu - Ảnh 4.

Và quan trọng nhất, số tiền 225,6 triệu đồng được quyên góp tính đến hết ngày 14/8, còn có rất nhiều sự đóng góp đến từ các cầu thủ từ rất nhiều CLB bóng đá Việt Nam, HLV CLB Thanh Hóa cùng một tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam, cũng như những người hâm mộ chung tay hướng trái tim mình về Quảng Nam đang chơi vơi trong đại dịch.

Cảm hứng từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu

Trước Quảng Nam, đã có đến 300 triệu đồng được chuyển đến cho một tâm dịch khác - Đà Nẵng. Tất cả bắt đầu từ chiếc áo đấu số 5 quen thuộc của Đoàn Văn Hậu.

Chiếc áo từng đẫm mồ hôi của ngôi sao trẻ này, với chữ ký của toàn bộ đội tuyển, được Văn Hậu trao cho người đại diện của mình trước khi chia tay nhau ở Hà Lan. Đây cũng là chiếc áo cuối cùng mà anh Nguyễn Đắc Văn - người đại diện của hậu vệ này còn giữ. Chiếc áo ấy được dùng để khởi đi chiến dịch kêu gọi các cầu thủ cùng người hâm mộ nước nhà chung tay giảm nhẹ khó khăn cho những địa phương nằm trong tâm dịch Covid-19.

Từ tấm huy chương ố màu của quê thầy Park đến nghĩa cử mùa dịch từ tấm áo thấm mồ hôi Văn Hậu - Ảnh 5.

Chiếc áo ấy đạt mức giá 100 triệu đồng qua đấu giá, nhưng đáng quý hơn, nó "kéo" thêm được 200 triệu đồng nữa, góp phần "chia lửa" cho các y bác sỹ đang ngày đêm căng mình dập dịch. Trong số tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của nhà báo Lan Phương - người đứng tên nhận đóng góp, có cả những khoản tiền 50.000 đồng từ nhiều cháu học sinh chung tay góp phần cho Đà Nẵng.

Sau kỳ tích trên đất Thường Châu hơn 2 năm về trước, không ít lần người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã có cơ hội "ôm các tuyển thủ vào lòng" bằng những lời tung hô ngập trời, bằng những khoản tiền thưởng không hề nhỏ. Và hôm nay, trong cơn lao đao vì đại dịch, họ - những tuyển thủ bóng đá Việt Nam, những người vì bóng đá Việt Nam, đã đáp trả lại tình yêu thương ấy bằng những hành động cực kỳ cực kỳ ý nghĩa và thiết thực.

Những hàng động ấy không chỉ đem về kết quả là những số tiền không hề nhỏ, bởi "một miếng khi đói bằng một gói khi no", mà còn tạo nên cảm hứng để những người yêu bóng đá Việt Nam hướng về tâm dịch bằng những hành động thiết thực của mình. Nghĩa cử ấy, quý hơn cả những tấm huy chương bằng vàng ròng.

Vật phẩm được dành để đấu giá chung tay hỗ trợ Quảng Nam vượt qua đại dịch Covid-19 bao gồm

- Huy chương vàng vô địch AFF Cup 2008 của cựu danh thủ Nguyễn Việt Thắng.

- Huy chương bạc Tiger 1998 của cựu danh thủ danh thủ Vũ Minh Hiếu.

- Quả bóng Tiger 1998 với chữ ký của các tuyển thủ.

- Áo đấu số 23 vô địch Sea Games 2019 của Bùi Tiến Dụng.

- Quả bóng SEA Games 2019 có đầy đủ chữ ký của cả đội U22 Việt Nam.

- Áo đấu số 9 của Hà Đức Chinh ở AFF Cup 2018 có chữ ký của các tuyển thủ.

Thời gian kết thúc đấu giá là 12g00 ngày thứ Tư (19/8/2020). Tham gia đấu giá tại đây.

Ngoài ra, tiền ủng hộ xin chuyển vào tài khoản của nhà báo Lan Phương:

Số tài khoản: 19128765181027. Ngân hàng Techcombank Hà Nội. Chủ tài khoản: Nguyễn Lan Phương

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại