1. Có mặt trên truyền hình Việt Nam thuộc vào hàng sớm nhất với những cái tên C1, C2... cho tận sau này, Champions League và Europa League vẫn luôn được xem là "món miễn phí" với người hâm mộ Việt. Đơn giản, sân đấu cấp độ CLB hấp dẫn nhất hành tinh này được phát trên sóng quảng bá của VTV nhờ Heineken cũng là nhà tài trợ chính của giải.
Nhưng của ngon thì chả ai miễn phí được lâu, thời trả tiền để được xem cũng đã tới và giải đấu này nhanh chóng vắng mặt để lại khoảng trống lớn cho người hâm mộ.
Và kể cả khi VTVcab mua được bản quyền trong 3 mùa (từ 2015-2018), thì sự cố "tràn sóng" không chỉ khiến đơn vị này gặp rắc rối về mặt pháp lý với đơn vị nắm quyền phân phối bản quyền Champions League tại thị trường Việt Nam, mà người hâm mộ trong nước cũng thiệt theo vì phải ngừng phát sóng.
Vậy nên, việc K+ vừa tuyên bố sở hữu độc quyền toàn bộ bản quyền phát sóng truyền hình Champions League và Europa League trên hạ tầng truyền hình trả tiền và Internet tại Việt Nam từ nay tới 3 mùa giải tiếp theo, dù lại là... độc quyền! thì vẫn là tin mừng cho các tín đồ của trái bóng tròn nước ta. Đơn giản - Đắt xắt thì ra miếng, chỉ có điều đắt mà vẫn còn mua được thì cũng chưa phải là... quá đắt!
2. Trở lại với bàn quyền truyền hình V-League. Tất nhiên, đặt giải đấu số 1 quốc gia này cạnh Champions League và Europa League sẽ là khập khiễng lớn trên tất cả các mặt. Nhưng đúng trong ngày người Việt được xem giải đấu hấp dẫn hàng đầu thế giới mà phải đón nhận cái tin có thể không được xem trực tiếp nhiều trận ở giải đấu số 1 quốc gia thì quả là chuyện nực cười.
Bóng đá Việt Nam mà đỉnh cao là V-League vốn chưa hay, chưa hấp dẫn để kéo khán giả đến sân ngày càng đông hơn, để có thể bán bản quyền truyền hình - vốn được coi là "con bò sữa" của bóng đá chuyên nghiệp. Vậy thì, nếu không còn được truyền hình trực tiếp, thử hỏi làm sao có thể phát triển, làm sao có thể kiếm tiền được từ chính bóng đá?
Sự thiệt thòi với người hâm mộ còn lớn hơn rất nhiều khi V-League 2018 được dự báo sẽ hấp dẫn hơn với hiệu ứng từ thành công của U23 Việt Nam. Đó là chưa kể đến việc, ở mùa giải trước, việc 100% các trận đấu của V-League được truyền hình trực tiếp trên nhiều đài, nhiều nền tảng được xem là bước tiến lớn của sân cỏ nội.
Nguyên nhân của vụ "đứt sóng" V-League được chính những người trong cuộc là đơn vị tổ chức và nắm bản quyền Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và đơn vị khai thác Công ty cổ phần giải pháp truyền hình thế hệ mới (Next Media) công khai.
Cụ thể, VPF tuyên bố hủy hợp đồng kéo dài đến năm 2022 vì Next Media đã không thực hiện đúng theo các điều khoản đã cam kết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty. Trong khi Next Media cũng phản ứng gay gắt vì cho rằng hợp đồng bị vi phạm.
Tranh cãi thì chưa hồi kết, nhưng hậu quả thì đã thấy rõ, khi các nhà đài khác, kể cả VTV cũng không muốn "dây dưa" khi bản quyền hình ảnh chưa rõ ràng. Thiệt đầu tiên dĩ nhiên là người hâm mộ, thiệt hơn chắc chắn là bóng đá Việt Nam.
Vậy nên, nhìn từ bản quyền Champions League đến V-League, thật đáng để tủi thân... phát khóc! Âu cũng bởi bóng đá của ta còn kém, còn chưa hấp dẫn, để trở thành món hàng đắt giá... Trách nhiệm thuộc về ai? Hỏi như đã trả lời...