Từ 110 phút Champions League đến tư duy dịch vụ của bóng đá Việt Nam

Hồng Nam |

Champions League sẵn sàng đá sớm hơn gần 2 tiếng đồng hồ để phục vụ khán giả, còn VFF không thể tổ chức đại hội khóa VIII dù chỉ là... đúng kế hoạch, để đổi lấy niềm tin từ người hâm mộ.

1. Mùa giải 2018/2019 chứng kiến sự thay đổi lớn của Champions League. Thay vì thi đấu lúc 1h45 quen thuộc, đấu trường danh giá nhất châu Âu lại diễn ra ở khung giờ mới: 23h55 và 2h.

Thay đổi này khiến nhiều khán giả choáng váng. Daily Mail hoài nghi: "Khung giờ mới ở Champions League có khiến khán giả phải tranh nhau về nhà để xem đá bóng, khi đó là khoảng thời gian cao điểm (17h55 - theo giờ Anh) trong ngày?".

Từ 110 phút Champions League đến tư duy dịch vụ của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Những cuộc thư hùng ở Champions League đã diễn ra ở khung giờ mới.

Thay đổi giờ thi đấu đã trở thành "bản sắc" ở Champions League không phải quyết định dễ dàng. Nó khó khăn như thay đi bản nhạc nền thương hiệu của giải đấu vậy, nhưng ban tổ chức vẫn phải làm, với mục đích duy nhất: phục vụ khán giả. Với khung giờ "kép", người hâm mộ có thể xem được nhiều trận hơn, thay vì chuyển kênh giữa tám trận diễn ra lúc 1h45 như cũ.

Champions League thay đổi thời gian, và rất có thể sẽ thay đổi thể thức trong tương lai gần. Song có một điều không thay đổi: những nhà làm bóng đá luôn hướng đến khán giả - đối tượng trực tiếp trả tiền đề nuôi sống giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu. Bóng đá phục vụ công chúng, và nhu cầu của công chúng là thứ tồn tại duy nhất giúp bóng đá phát triển. Đó là tư duy phục vụ.

2. Tư duy ấy là thứ xa xỉ với bóng đá Việt Nam ở thời điểm này, dù U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam có được thành tích ấn tượng ở các giải trẻ. Tương quan phát triển của nền bóng đá được phân tích trên hai khía cạnh: đội tuyển quốc gia và giải vô địch quốc gia. Tuyển Việt Nam sẽ dự AFF Cup và Asian Cup sau đây ít tháng.

Còn với V-League, trận địa nào đang chờ đón giải đấu vẫn đang chập chững vào ngưỡng "chuyên nghiệp"?

Từ 110 phút Champions League đến tư duy dịch vụ của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

V-League đã phải sản phẩm hướng đến công chúng?

Những nhà chuyên môn luôn đau đáu với câu hỏi: Tại sao nhiều đội bóng Việt Nam không thể lấy bóng đá nuôi bóng đá? Tại sao hầu hết đội V-League không thể phát triển bằng những sản phẩm kinh doanh từ bóng đá, mà chỉ "sống" dựa trên túi tiền của những ông bầu?

Các đội bóng chỉ tự nuôi sống được mình, nếu sản phẩm bóng đá mà họ tạo ra đủ chất lượng để thu hút công chúng và các nhà tài trợ. Nhìn sang doanh thu khổng lồ mà những Buriram United, Muangthong United hay Bangkok United thu lại, nhiều đội bóng V-League sẽ phải ganh tỵ.

"Bóng đá suy cho cùng nếu đông người dân tham gia vào thì sẽ có nguồn lực. Anh nào nói 60% nguồn lực do truyền thông nhưng nếu không có người dân cũng không ra % nào. 

Miễn là mình làm đủ 3 cái thật, đẹp, chính xác, tự dân sẽ đến, dân đến sẽ có tiền, có tiền thu nhập sẽ lên, không chỉ tự chủ được, các cháu, các em, các anh chị VĐV, HLV tự nhiên sẽ có nguồn lực", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm.

Từ 110 phút Champions League đến tư duy dịch vụ của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Bao nhiêu đội bóng V-League lấy bóng đá nuôi được bóng đá?

Thứ bóng đá đẹp, sạch sẽ và hướng tới nhu cầu số đông là tôn chỉ hàng đầu của những người làm bóng đá. Dù vậy, khi V-League may mắn đón cơn mưa mát lành từ hiệu ứng U23 Việt Nam, những tiêu cực vẫn xuất hiện. Tiếng còi méo của trọng tài Trần Văn Lập chỉ là "con tốt" trên bàn cờ nhiều nước đi sai. Bạo lực sân cỏ  hoành hành tạo ra những màn "hỗn chiến" giữa cầu thủ, trọng tài và... cổ động viên.

Đặt trên khía cạnh phục vụ, một sản phẩm nhiều "sạn" như thế rõ ràng chưa phải sản phẩm hướng đến công chúng, với minh chứng là nhiều sân bóng đã "giảm nhiệt" so với cơn sốt khán giả đầu mùa.

3. Champions League có thể thay đổi, dù chỉ 2 tiếng, để phục vụ cổ động viên. Nhưng đại hội VFF không thể tổ chức, dù là... đúng kế hoạch, để lấy lại niềm tin từ người hâm mộ. 

Cảnh "các cháu" đổ mồ hôi ra đá, còn "các chú" tát cạn niềm tin bằng những chiêu trò, đấu đá hậu trường khiến nhiều người ngán ngẩm. Khi câu chuyện mâu thuẫn giữa các ứng viên còn chưa kết thúc, sự xuất hiện của sự kiện mang tên "đại hội VFF" vẫn là dấu hỏi lớn.

Từ 110 phút Champions League đến tư duy dịch vụ của bóng đá Việt Nam - Ảnh 4.

VFF đã hướng tới tư duy dịch vụ?

Nửa năm qua, một kỳ đại hội để chấn chỉnh, kiện toàn bộ máy VFF vẫn chưa diễn ra và không biết hoãn đến khi nào. Khi bộ máy cao nhất còn chưa hoàn chỉnh, liệu sản phẩm mà họ tạo ra - chính là công tác tổ chức V-League, liệu có đảm bảo được chất lượng?

Đứng trên tư duy dịch vụ, VFF cũng chưa hoàn thành vai trò. Gieo gặt niềm tin đã khó, giữ gìn nó còn khó hơn... vạn lần. Niềm tin chỉ được tạo thành từ một chỉnh thể bóng đá hoàn chỉnh với cơ cấu tổ chức, giải vô địch quốc gia và văn hóa bóng đá cùng nhau phát triển. Chứ kỳ vọng vào thành tích của đội tuyển trẻ ở những giải trẻ, e rằng chỉ như "cánh én".

Mà một cánh én, không bao giờ làm nên mùa xuân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại