Bạn có nhận ra điều gì không? Hình như càng ngày, ta càng giảm đi phân nửa sự háo hức khi ngày Trung thu đến. Không còn cái sự chờ mong, không còn những niềm vui đếm ngược đến ngày rằm. Cái cảm giác trái tim rộn ràng vui vẻ khi nhìn thấy những màu sắc Trung thu, những món đồ chơi quen thuộc của ký ức cũng dần mờ phai mất.
Càng ngày, Trung thu đến càng rực rỡ và nhiều những thứ nguy nga hơn, và người ta cũng càng ơ hờ hơn với Trung thu.
Clip: Minh Ngọc & King Pro.
Trung thu bây giờ, chẳng còn là cái ngày để ta mong nhớ trông trăng phá cỗ. Trung thu bây giờ, cũng chỉ là cái dịp để gặp nhau, để lên Facebook ôn lại đôi ba kỷ niệm ngày bé, là lúc để mua cho lũ trẻ ít quà cho đỡ quên màu sắc dân gian, là dịp để giới trẻ đi chơi, xuống phố hò hẹn.
Trung thu bây giờ thì rực rỡ, mà sao lại càng ngày càng buồn bã đến thế…
Hãy thử lên Hàng Mã vào một ngày cận Trung thu.
Những món đồ xanh đỏ, những chiếc mặt nạ đủ màu, đồ chơi bày ê hề khắp vỉa hè và cả khu phố rực rỡ như thể trảy hội.
Mà quả nhiên là như trảy hội. Phố Hàng Mã đông nghịt người dù là bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ai cũng muốn có một kiểu ảnh thật đẹp giữa phố đèn lồng. Phụ huynh lại muốn mua cho con trẻ một món đồ chơi nào đó, một cái máy thổi bong bóng, một cái mặt nạ giấy bồi hoặc một cái đèn lồng chạy điện. Nhưng hình như, dù mua một chiếc đèn ông sao hay một chiếc tai thỏ màu hồng, thì cảm xúc của ngày Trung thu vẫn chẳng còn giống như ngày nào.
Tôi vẫn nhớ thương những ngày Trung thu xưa cũ ấy, vẫn nhớ cái cảm giác trong trẻo khi nhìn những đèn lồng, những chiếc mặt nạ xanh đỏ hay tiếng trống dập dồn ở những đoàn múa lân. Tôi tin rằng những ai yêu Trung thu cũng vậy, họ nhớ đến Trung thu với một trái tim của một người đang khao khát quay lại ngày thơ bé, trở lại với những ký ức êm đềm của tuổi nhỏ. Trung thu trong trái tim họ - có lẽ cũng giống như tôi - đẹp nhất ở những ngày xưa lắm - chứ không phải vừa mới đây thôi.
Bởi bạn biết không, cái cảm xúc ngồi phá cỗ trông trăng, hay hồi hộp chờ đợi bố mẹ mua cho món đồ chơi, tấm quà bánh… đã chỉ còn cái lứa lớn lớn được một lần trải qua và đến bây giờ vẫn thòm thèm nhớ về. Người ta đón Trung thu với một thái độ đã khác rồi. Ngày xưa, Trung thu là để trông trăng, là trẻ con đi chơi với lũ hàng xóm còn người lớn quây quần nhâm nhi ly trà, ngắm trăng bên gia đình. Bây giờ, Trung thu là một cái cớ để đi chơi, để tụ tập, để… họp lớp, để mua một món đồ chơi cho trẻ con cho đúng dịp. Bữa cơm ngày Trung thu lẽ ra là lúc để đoàn viên, để quây quần, thì có lẽ chỉ có bố mẹ, ông bà ngồi với nhau xem TV, còn con cái đã tót ra ngoài đi chơi với bạn, đi ăn hàng rồi. Thành thử, nói là cả nhà quây quần phá cỗ đêm rằm, nhiều khi bố mẹ buồn lôi bánh nướng bánh dẻo ra cắt, vì cắt ra rồi "chúng nó có về ăn đâu".
Cũng là ngày Trung thu, ra đường nhiều. Người trẻ dắt díu nhau ra phố đi ăn hàng, ăn tiệm, rồi đi xem phim. Gia đình kéo nhau đi trung tâm thương mại, đi sự kiện này, đi hoạt động kia. Phố xá, hàng quán lại đông nghịt. Chen chúc trên đường chẳng thở nổi, lại chép miệng: “Trung thu ra đường làm gì mà lắm thế không biết". Ôi cái cảnh này, sao giống quá với những ngày Halloween, những ngày Valentine hay cả chục cả trăm ngày lễ khác được du nhập vào.
Đã có những năm, người ta nhắc đến Trung thu là nhắc đến những mặt nạ quái vật, những mũ phù thuỷ, đủ kiểu hoá trang loè loẹt. Rồi có những năm, người ta lắc đầu buồn khi nhìn thấy những miếng bánh Trung thu được biến tấu đủ kiểu, tỉ dụ như thạch hoa quả cho vào khuôn bánh nướng rồi gọi là bánh Trung thu rau câu… Trung thu bây giờ chẳng phải là cái đêm tĩnh lặng, lấp lánh áp đèn lồng, mà đi đâu cũng thấy chăng đèn chằng chịt ở những toà nhà hiện đại san sát. Rồi thì những đội múa lân rổn rảng vui tươi thì cũng có, nhưng là những đội múa lân thu tiền, dẫu biết là thời hiện đại, nhưng tự dưng thấy mất đi cái ý nghĩa của ngày lễ Trung thu quá thể vì những điều rất nhỏ ấy.
Những thứ kết hợp khó hiểu, kém duyên khiến Trung thu mang mùi vị của một dịp lễ nào đó do người hiện đại tự sáng tạo ra, chứ chẳng còn là cái màu sắc Trung thu ngày nhỏ ta từng nếm trải.
Bây giờ, Trung thu không phải để đoàn viên nữa, mà để ra phố hẹn hò, rủ nhau ra quán bar, đi cafe, rồi hát hò, hay đến nhà nhau tặng một hộp bánh đắt tiền, sang trọng. Cuộc sống đầy đủ hơn, người ta có nhiều cách để đón chào một dịp lễ, có nhiều thú vui, có nhiều của ngon vật lạ. Trung thu sung sướng đầy đủ hơn, nhưng chẳng để lại nhiều sự chờ mong hay những dư vị hạnh phúc.
Cũng thật kỳ cục khi giữa những đủ đầy ấy, người ta lại nhớ da diết, lại buồn bã tiếc nuối nhớ về cái thời Trung thu nghèo khó, cái thời miếng bánh nướng bánh dẻo cứng đơ cũng là ngon, cái thời mâm cỗ trông trăng chẳng có gì nhiều nhưng niềm vui đêm rằm vẫn dấy lên trong tim đến tận bây giờ.
Tôi vẫn nhớ những đêm trăng Trung thu của ngày xưa, những đêm trăng mà bầu trời vắng những mái nhà cao chen chúc và bạn cảm tưởng có thể phóng tầm mắt mình ra xa xôi dải ngân hà. Những đêm trăng mà niềm hạnh phúc lớn lao của lũ trẻ chúng tôi, là chiếc đèn ông sao đủ màu và một bữa phá cỗ với toàn quà bánh rẻ hều. Cuộc sống không có nhiều thứ lấp lánh hay những cuộc vui bất tận của người trẻ. Bây giờ,Trung Thu cũng chỉ là một ngày lễ để người ta xuống đường đi chơi, đi gặp gỡ bạn bè.
Ngày ấy, trăng to thật, không phải vì khoảng cách giữa nó với Trái Đất trở nên gần hơn, mà là vì ngày ấy, điện thường xuyên mất vào buổi tối. Bóng tối bao trùm những khu phố, những khu tập thể, và ánh đèn dầu le lói sau mỗi khung cửa sổ không đủ để soi sáng dù chỉ một con đường nhỏ. Nhưng vào những đêm trăng tròn, ánh sáng từ mặt trắng soi rọi tất thảy, và bọn trẻ con chúng tôi cũng chỉ mong có thế để đi chơi. Những tối Trung thu, có cảm tưởng là trăng sáng hơn mọi đêm trăng trước đó. Ánh trăng soi rọi những khu nhà, tràn vào những cửa sổ mở ngỏ, lung linh nhảy múa với màu bàng bạc trên những khoảnh sân nhà hoặc khu đất mà bọn trẻ ngồi trông trăng để mở cỗ.
Đối với bọn trẻ con, Trung thu là một cái Tết đặc biệt, thậm chí đặc biệt hơn cả những ngày Tết Nguyên đán, dù Trung thu không có lì xì. Ngày ấy, những đứa ngoan hoặc được chiều chuộng thì hay được bố mẹ đèo lên phố Hàng Mã để mua những thứ đã trở nên quen thuộc với tất cả trong dịp ấy, từ mặt nạ, đầu sư tử cho đến những cây đèn xanh đỏ có tay cầm dùng để đẩy trên mặt đất. Những thứ ấy thực ra bản thân chúng tôi cũng làm được, kể cả khi không khéo tay lắm. Vài ngày hoặc thậm chí cả tuần trước Trung thu, bọn trẻ "ới" nhau lấy giấy báo to, hồ dán và bút màu để rồi hì hục dán dán, vẽ vẽ rồi sau đó đem đi khoe khắp mọi người. Đứa nào cũng háo hức lắm, vui lắm. Vì rất đơn giản, trong những năm tháng thiếu thốn và khó khăn của ngày ấy, Trung thu giống như một món quà đặc biệt mà chúng tôi có, để yêu cuộc sống hơn, một cách thật vô tư, và để gắn kết với nhau nhiều hơn, đến mức sau này, gặp lại bạn bè cùng khu tập thể, từng đứa vẫn hào hứng kể lại những câu chuyện của ngày đó một cách tường tận, cứ như mới xảy ra hôm qua.
Những nhà nào kha khá về kinh tế thì kiểu gì cũng có bánh Trung thu trước mấy ngày. Bánh ngày ấy khác bây giờ lắm về hình thức, xấu, rất ít lựa chọn và thậm chí còn theo chế độ phân phối chứ không ê hề và được bán trước cả tháng như bây giờ. Nhưng bánh ngon, và vị ngọt của nó theo vào cả giấc mơ của tôi nhiều lần trong những ngày sau đó. Đơn giản là vì ngày ấy, có được miếng bánh ngon để ăn Trung thu đâu có dễ và nhiều như bây giờ. Ăn cũng phải ăn dè từng miếng một, và ăn xong rồi thì lại thèm có thêm nữa mà không được...
Sau này, điện không mất nữa. Cả khu phố sáng trưng những đèn. Trăng cũng dần trở nên xa hơn, khi những thứ mà bọn trẻ thèm khát như bánh dẻo, bánh nướng và những thứ khác được bầy bán nhiều hơn, phong phú và đa dạng về kiểu mẫu và nhãn hiệu hơn. Những đám bạn ngày xưa chơi với nhau cũng đã lớn lên, và vì nhiều lý do, từ việc đi học ở các trường khác hoặc chuyển nhà, mà mối quan hệ thân thiết ngày đó không còn được duy trì nữa, và những gì còn lại từ các Tết Trung thu của ngày trước chỉ là kỷ niệm. Những kỷ niệm ấy ùa về với tôi cứ mỗi khi Trung thu lại tới, kể cả khi tôi không ở Việt Nam, mà đang lang thang ở một nơi nào đó trong hành trình thế giới. Có lần tôi sững người chứng kiến mặt trăng chưa bao giờ to và gần đến thế ngay trước mặt, dường như giơ tay ra là có thể chạm được, trong một chuyến đi ở tận cùng Châu Phi. Và rồi, những hương vị và hình ảnh của Trung thu thuở ấu thơ mất điện lại tràn về, nhức nhối trong tim.
Bây giờ, bọn trẻ vẫn có Trung thu, và chắc chắn là những Trung thu lớn hơn, đầy đủ hơn nhiều so với chúng tôi ngày xưa. Nhưng cái hồn của một ngày đặc biệt mà bọn trẻ cảm thấy sung sướng như trước, cái thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ, không còn nữa. Trung thu trở thành một ngày mà người ta biếu xén quà cáp nhiều hơn, ngày mà những hộp bánh đắt tiền và xa xỉ là một lựa chọn để trưng ra đẳng cấp, ngày mà những bữa trông trăng phá cỗ ở các khoảnh đất hay sân thượng đã trở nên ít đi nhiều.
Hàng Mã vẫn còn đó, trở nên xanh xanh đỏ đỏ nhiều hơn trong những ngày này. Bố mẹ của bọn trẻ, những người bằng tuổi chúng ngày xưa đã từng đón Tết Trung thu, vẫn đưa chúng đến đó để mua đồ chơi và cố gắng truyền cho chúng những cảm nhận mà ngày xưa họ đã từng có. Nhưng chắc chắn, cảm nhận của bọn trẻ bây giờ rất khác. Chúng có những lựa chọn rất khác và cũng chơi những thứ rất khác. Chúng có game, có tivi, có Facebook, có các quán bar và cà phê, tóm lại là có tất cả những thứ chúng tôi không thể có ngày xưa.