img

ất những cầu thủ mà Chủ tịch Florentino Perez yêu thích lên ghế dự bị, không tin vào chính sách "galactico" thông qua việc xoay vòng cầu thủ liên tục, dám động đến ngôi sao số một Cristiano Ronaldo, Zinedine Zidane ra toàn những quyết định khó khăn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với chúng. Bởi vì ông biết sử dụng tối đa những quyền lực mà mình có trong tay. Và chỉ có dưới thời Zidane, người ta mới thấy quyền lực lại... đẹp đến dường ấy!  

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 2.

Trước khi trở thành huyền thoại của bóng đá Pháp nói riêng và thế giới nói chung, Zinedine Zidane cũng từng là một đứa trẻ, đá bóng trên đường phố cùng các bạn. Cậu bé không có giày để đá bóng, và ước mơ của Zidane trong suốt một thời gian dài là có một đôi giày tươm tất.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 3.

Đấy là khởi đầu cho một câu nói nổi tiếng sau này của ông: "Tôi từng nghĩ mình rất nghèo khi gia đình không thể mua nổi một đôi giày mới. Nhưng khi thấy một người đàn ông cụt chân, tôi mới biết mình giàu xiết bao".

Trong những năm tháng thơ ấu ấy, Zidane còn chưa thần tượng Enzo Francescoli, huyền thoại bóng đá người Uruguay. Người hùng số một của cậu bé gầy gò Zidane khi đó là Michel Platini. "Tôi luôn để cho lũ bạn chọn thần tượng của chúng trước, phần mình luôn chọn Platini",  Zidane trả lời phỏng vấn tờ Esquire cách đây ít lâu.

Zidane đâu có biết là thiên tài của mình còn lớn hơn cả ước mơ. Platini từng vô địch Champions League, nhưng chưa bao giờ vào đến nổi chung kết World Cup. Còn Zidane thì ghi bàn để định đoạt số phận của cả hai giải đấu ấy. World Cup 1998 và Champions League 2002. Hai cú đánh đầu và một quả volley, tất cả đều là những khoảnh khắc bất tử.

Sau khi giải nghệ, Zidane ngỡ như sẽ theo bước chân của Platini, tức là đi theo con đường chính trị - bóng đá. Những năm đầu tiên, người ta thấy Zizou trên vai trò là một đại sứ hình ảnh của Real Madrid. Một cuộc đời quan chức, với những chiếc du thuyền và những phong bì bí ẩn ngỡ như đang chờ đợi Zizou. Nhưng rồi ông bất ngờ đưa ra quyết định mạo hiểm: trở thành một HLV trưởng.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 5.

Từ lúc Zidane giải nghệ cho đến khi ông chính thức trở thành HLV trưởng đội B của Real Madrid là 8 năm. Trong 8 năm ấy, Zidane chưa từng bộc lộ ý thích lẫn năng khiếu cầm quân. Đấy là lý do khi đang huấn luyện đội trẻ Real, ông bị FIFA buộc phải ngưng giữa chừng vì... thiếu bằng.

Khi Zidane được bổ nhiệm thay Rafa Benitez làm HLV trưởng Real, người ta đã thật sự lo ngại. Zidane đâu phải suôn sẻ thành công như Pep Guardiola ở đội trẻ Barcelona ngày trước. Ông bầm dập, tơi tả với hàng loạt những trận đấu kém thuyết phục.

Đâu đó còn có những lời ra tiếng vào về việc ông ưu ái cho cậu cả Enzo Zidane, vốn là một trong số bốn đứa con trai đã được Zidane gửi vào học viên của Real từ trước.

Hơn một năm qua, nhiều lần năng lực của Zidane bị đặt dấu hỏi. Có nhiều trận đấu Real chiến thắng mà những nhà chuyên môn không hiểu tại sao. Những cầu thủ vĩ đại không phải lúc nào cũng trở thành những HLV vĩ đại.

Diego Maradona là một thảm họa. Pele thì thậm chí còn không dám thử. Những galactico cùng thời với Zidane - Luis Figo, Ronaldo, David Beckham, Michael Owen, Raul - đều không có ai manh nha ý định trở thành HLV cả.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 6.

Bên cạnh đó còn là một câu hỏi lớn: Zidane có đủ lạnh lùng để trở thành một nhà cầm quân? Ông kết thúc sự nghiệp của mình với một cú húc đầu vào giữa ngực Marco Materazzi, nhận thẻ đỏ ngay giữa một trận chung kết World Cup. Đấy là thẻ đỏ thứ... 14 của Zidane trong sự nghiệp, đa số là do những lỗi đánh nguội. "Chính xác là 12 lần tôi phải nhận thẻ đỏ vì lỗi trả đũa", Zidane nhớ lại trên tờ Esquire.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 7.

Zidane chưa tạo ra một điều gì đó mới mẻ cho bóng đá thế giới. Ông, như lời Isaac Newton từng nói, chỉ nhìn xa hơn nhờ "đứng trên vai những người khổng lồ". Gần hai thập kỷ sống tại Madrid đã cho Zidane những bài học thật sự bổ ích. Với thất bại của Carlos Queiroz và Carlo Ancelotti, Zidane biết mình phải xoay vòng cầu thủ thật tốt, để không bị sụp đổ vì kiệt sức trong giai đoạn nước rút.

Với Jose Mourinho, Zidane học cách tổ chức hàng phòng ngự và tổ chức phản công. Với Vicente del Bosque, Zidane học cách làm bạn với các cầu thủ thông qua đối thoại. Đấy là một thứ quyền lực mềm, hữu dụng với các ngôi sao hơn là kỷ luật thép của Jose Mourinho.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 8.

Với Rafa Benitez, Zidane nhận ra mình đang có một tiền vệ phòng ngự thật tài năng, có thể tái hiện công việc "dọn dẹp" của Claude Makelele ngày trước. Và người ấy chính là Casemiro. Để có chỗ cho Casemiro, Zidane chấp nhận giam "cục cưng" James Rodriguez của Florentino Perez lên ghế dự bị. Đấy là vì Zidane cũng đã hiểu Perez đủ nhiều để biết thành công là "kim bài miễn tử" trước vị Chủ tịch uy quyền này.

Kết quả là vượt qua những hoài nghi, Zidane đang thành công. Với chức vô địch La Liga đầu tiên sau 5 năm, Zidane đã có 4 danh hiệu trong vòng chưa đầy 2 năm cầm quân.

Ông đã là HLV thành công nhất kể từ sau Del Bosque. Ông giúp Real sở hữu mạch trận bất bại dài nhất lịch sử CLB và mạch trận ghi bàn liên tiếp dài nhất châu Âu. Tỷ lệ thắng trận của Zidane giờ đã cao hơn Benitez, Ancelotti, Mourinho và cả Manuel Pellegrini.

Và ông đã vươn đến tất cả những thành tựu ấy mà không cần có một triết lý bóng đá thật sự rõ ràng nào. Nhưng ở một môi trường như Real, một HLV đôi khi cần giỏi chính trị hơn là chuyên môn. Và Zizou, một con người ít nói nhưng lại toát ra sự uy quyền khó cưỡng, đã thành công nhờ việc khiến cho các cầu thủ triệu phú trong đội tuân phục mình.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 9.

Ông buộc những cầu thủ tấn công cũng phải lùi về hỗ trợ phòng ngự, ông giúp mọi thành viên đều cảm thấy mình hữu dụng. Và khi Cristiano Ronaldo phải ngồi ngoài suốt 5 vòng đấu La Liga trong tháng 4, người ta thấy rất rõ ở Real, không ai là không thể thay thế.

Đấy hóa ra lại là một cách làm việc rất phù hợp. Vì những cầu thủ được Real mang về đều đã là ngôi sao hay  nhất nhì ở vị trí của mình. Họ không cần một người thầy, họ cần một "đại ca", một người khiến họ cảm thấy khâm phục, một người mà họ có thể trò chuyện được. Zidane chính là một nhân vật như thế.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 10.

Khi được hỏi về cú húc đầu vào ngực Materazzi, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Canal+, Zidane đã xin lỗi, nhưng một lần nữa thừa nhận là mình chưa từng hối hận.

Ông xin lỗi những đứa trẻ xem truyền hình và phải nhìn thấy hành động bạo lực ấy. Nhưng hối hận không có nghĩa là tha thứ cho Materazzi. Những hành vi miệt thị người khác như của Materazzi cần một sự trừng phạt thích đáng. Và nếu luật không thể làm gì Materazzi, Zidane sẽ làm thay.

Nhũng lời miệt thị của Materazzi dành cho Zidane là một huyền thoại. Năm ngoái, Materazzi lần đầu tiên thừa nhận với truyền thông là anh đã dùng "những từ ngữ khủng khiếp" dành cho Zizou. Người ta thậm chí còn xuất bản một quyển sách, để đưa ra các phương án cho câu hỏi "Materazzi chính xác đã nói gì?".

Trung vệ người Ý, cũng đang ở vào giai đoạn cuối sự nghiệp như Zidane, là một bậc thầy về tiểu xảo. Với Materazzi, không một thủ đoạn nào là quá đê hèn, không một pha chuồi bóng nào là quá bạo lực và không một người phụ nữ nào của đối thủ là không thể sỉ nhục.

Trận chung kết World Cup 2006 chứng kiến hai cuộc đối đầu. Pháp đấu với Italia, và Zidane đấu với Materazzi trong suốt trận đấu. Materazzi đã làm tất cả những gì có thể, trong trận chung kết World Cup cuối cùng của đời anh.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 12.

Và anh đã thành công trong việc buộc một người anh hùng nước Pháp - nổi danh với hai cú đánh đầu vào lưới Brazil - kết thúc sự nghiệp cũng bởi cái đầu. Và đấy cũng là cú húc đầu nổi tiếng nhất qua mọi thời đại.

Cái cách Zidane kết thúc sự nghiệp cũng rất bi tráng. Trên đường rời khỏi sân, anh không liếc nhìn chiếc Cúp vàng lấy một lần. Hãy xem lại những chiếc thẻ đỏ trước đó của Zidane. Anh không van lơn trọng tài, không hề tỏ ra oan ức. Anh rời khỏi sân, trên đôi chân của một người biết rõ mình phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 13.

Phản kháng là bản năng của Zidane. Là con của một gia đình nhập cư từ Algeria, lớn lên tại thành phố cảng Marseille trong những khu phố nghèo, cuộc sống không cho Zidane thứ gì. Anh phải tự giành lấy chúng.

Từ trong phòng thay quần áo, Zidane chứng kiến đội nhà thất bại trước Italia sau loạt sút luân lưu. Điều kỳ lạ là sau khi các đồng đội bước vào, tuyệt không một ai trách cứ Zidane, mãi cho đến tận sau này. Tất cả đều biết khi Zidane đã làm gì, anh ta có một lý do không gì lay chuyển được.

Ngày đội tuyển Pháp trở lại quê hương, đám đông đã chào đón họ như những anh hùng và hét lên "Zizou! Zizou!". Tổng thống Pháp Jacques Chirac thậm chí còn khen Zidane "có cá tính mạnh mẽ".

Năm ngoái, tức 10 năm sau trận chung kết World Cup 2006, người ta không viết về Fabio Cannavaro và màn trình diễn góp phần giúp anh giành Quả bóng vàng, không viết về Gianluigi Buffon hay Andrea Pirlo, mà viết nhiều nhất về cú húc đầu huyền thoại. Đấy là lần hiếm hoi trong lịch sử: một con người đứng cao hơn một trận đấu, hay thậm chí, một giải đấu!

Bởi vì anh đã dùng đến quyền phản kháng của một con người!

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 14.

Zidane rất biết cách sử dụng quyền lực của mình, đúng nơi, đúng lúc. Khi Perez bán đi Claude Makelele để mang về David Beckham, các cầu thủ ai cũng thấy bất bình. Nhưng chỉ có Zidane dám lên chất vất ngài Chủ tịch uy quyền: "Ngài dát vàng chiếc Bentley làm gì khi nó đã mất đi động cơ".

Khi Perez bổ nhiệm Zidane, ông rất có niềm tin là uy quyền của Zidane với các cầu thủ sẽ cứu vãn mùa bóng của Real. Và ông đã đúng. Chỉ có điều Perez không ngờ là Zidane đã sử dụng chính quyền lực của một kẻ đương thời để đi ngược lại những ý muốn chủ quan của chính ông.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 15.

Perez muốn mua thêm những cầu thủ mùa hè năm ngoái, Zidane bảo đội hình hiện tại đã đủ mạnh. Perez muốn Zidane sử dụng James Rodriguez trong mọi trận đấu, Zidane cho tiền vệ người Colombia ngồi dự bị trong hầu như mọi trận đấu quan trọng.

Zidane thừa biết mình có thể bị sa thải, nhưng ông cũng rất biết Perez là tù nhân của thành công. Và chừng nào Zidane còn thành công, chừng ấy Perez không thể động đến ông được. 

Ngược lại, dù truyền thông và cầu thủ có ủng hộ một HLV đến đâu, Perez vẫn xuống tay dứt khoát ngay sau một mùa giải không danh hiệu.

Với Perez, ông sử dụng cái quyền làm chuyên môn để phủ định mong muốn ngài chủ tịch. Với các cầu thủ, ông dùng quyền làm HLV để chọn đội hình mà ông tin là tốt nhất cho từng trận đấu.

Khi đến cả Ronaldo cũng lùi về hỗ trợ phòng ngự, cũng chịu ngồi dự bị mà không dám hé răng gì, người ta biết Zidane đã biến quyền lực hành một thứ nghệ thuật. Real chưa bao giờ thiếu những quái kiệt trên sân cỏ. Nhưng với Zidane, họ đang có một HLV thú vị nhất xưa nay.

Trong tay Zinedine Zidane, quyền lực trở nên lung linh đến khó cưỡng - Ảnh 16.

Quế Nam
 Nguyễn Mạnh Quân
Theo Trí Thức Trẻ30/05/2017