"Vết đen" tại Asiad 2018
Ngay sau khi trận tranh hạng ba Asiad 2018 giữa U23 Việt Nam và U23 UAE kết thúc (Việt Nam thua trên chấm 11m), trọng tài Kim Dae-yong đã phải nhận cơn mưa chỉ trích. Vị "vua áo đen" người Hàn Quốc bị cho là đã xử ép U23 Việt Nam, bỏ qua nhiều tình huống phạm lỗi rõ ràng của U23 UAE.
Tại Hàn Quốc, một chiến dịch ký tên trên trang web của chính phủ được phát động. Mục tiêu của chiến dịch này là thu thập đủ số chữ ký để yêu cầu xem xét treo còi vĩnh viễn trọng tài Kim Dae-yong. Chỉ trong hơn một ngày, hàng chục nghìn người đã tham gia ký tên.
Trọng tài Kim Dae-yong bị cho là xử ép U23 Việt Nam.
Ngoài trận đấu ở Asiad, ông Kim Dae-yong còn bị "bóc phốt" với tai tiếng ở một trận khác cũng có mặt ĐT Việt Nam. Vào năm 2015, vị trọng tài này cho trận đấu giữa Việt Nam và Đài Bắc Trung Hoa bù giờ tới 11 phút dù trọng tài bàn chỉ thông báo 4 phút.
Tuy nhiên, chiến dịch ký tên nhanh chóng hạ nhiệt vào những ngày tiếp theo. Và trọng tài Kim Dae-yong, sau những ngày chịu sức ép khủng khiếp, lại tiếp tục công việc cầm còi.
Cuộc sống của một trọng tài
Sau Asiad 2018, trọng tài Kim Dae-yong vẫn tiếp tục được AFC tin tưởng giao nhiệm vụ trong các trận đấu quốc tế. Ông cầm còi từ AFC Cup, AFC Champions League đến vòng loại World Cup.
Vào năm 2019, vị "vua áo đen" này tái ngộ tiền đạo Anh Đức khi ông bắt chính trận đấu giữa Ceres và Bình Dương. Trọng tài Kim Dae-yong có thổi một quả penalty cho Bình Dương, tiếc là Anh Đức lại thực hiện không thành công.
Yêu bóng đá, không ngại ngần khi phải đối mặt với sức ép khủng khiếp từ các khán đài, nhưng ông Kim Dae-yong lại không thể trở thành cầu thủ. Chính vì vậy, dù đã có bằng kiến trúc sư, ông vẫn quyết định thi làm trọng tài.
Ông Kim Dae-yong làm nhiệm vụ tại K-League.
Theo tiết lộ của ông, thu nhập từ nghề trọng tài khá ổn tại K-League. Mỗi trận bắt chính trọng tài Kim Dae-yong có thể kiếm được 2 triệu won (gần 40 triệu đồng). Nếu làm trọng tài biên thì ông cũng kiếm được chừng 550.000 won (gần 11 triệu đồng). Khác với nhiều vị "vua áo đen" có nghề tay trái, ông Kim Dae-yong dành thời gian rảnh rỗi giữa các trận đấu để tập luyện, học hỏi theo chương trình của FIFA.
Bất chấp việc bị CĐV K-League chê trách vì thái độ không đúng mực trong một số trận đấu, trọng tài Kim Dae-yong vẫn khá thường xuyên được mời bắt chính ở giải đấu cấp độ đội tuyển. Mỗi chuyến đi công tác, ngoài chi phí cơ bản, các trọng tài còn được bồi dưỡng 330.000 won (khoảng 6,4 triệu đồng) mỗi ngày.
Ông Kim Dae-yong cũng nằm trong số các trọng tài ở châu Á tiếp cận sớm với hệ thống VAR. Đã có giai đoạn ông được mời sang Trung Quốc để hỗ trợ giải VĐQG nước này về vận hành và xử lý tình huống với VAR.
Thu nhập của nghề trọng tài ở Hàn Quốc khá tốt
Tranh cãi luôn là một phần của bóng đá, chia sẻ vấn đề này, ông Kim Dae-yong nói: "Chuyện các cầu thủ nổi giận với trọng tài là rất phổ biến. Nếu một trọng tài làm sai, anh ta sẽ bị LĐBĐ cảnh cáo hoặc trừng phạt, đôi khi là treo còi một thời gian. Với tôi mà nói, cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu bị treo còi, vì thu nhập từ nghề trọng tài là khá tốt.
Chính vì thế, mỗi khi có thời gian, tôi thường xem lại băng hình các trận đấu của mình trong quá khứ, phân tích lại những chỗ đúng sai. Điều đó giúp tôi tránh mắc sai sót khi cầm còi".
Cú thoát hiểm kỳ lạ
Trọng tài Kim Dae-yong từng thoát hiểm ngoạn mục vào năm 2013 khi làm nhiệm vụ tại AFC Cup. Tổ trọng tài hôm ấy bao gồm ông và 3 trọng tài người Lebanon. 3 đồng nghiệp của ông Kim bị cảnh sát bắt gọn khi đang tham gia cuộc vui cùng gái làng chơi. Còn vị "vua áo đen" người Hàn Quốc thoát hiểm nhờ không dính vào vụ ăn chơi này.
Trận đấu hôm sau suýt nữa bị hủy bỏ khi tổ trọng tài chỉ còn 1 người. May mắn là BTC đã kịp mời 3 trọng tài người Thái Lan đến để lấp chỗ trống.
Tranh hạng 3 Asiad 2018: U23 Việt Nam 1-1 U23 UAE (pen 3-4). Tư liệu: Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.