Trong 5 năm tới, cần hơn 4 nghìn tỷ để phát triển thể thao thành tích cao, cạnh tranh huy chương ở Asiad và Olympic

Thanh Hải |

Ngày 21/12, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 nhằm định hướng, đưa ra các giải pháp lớn đóng vai trò kim chỉ nam giúp thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới.

Trong 5 năm tới, cần hơn 4 nghìn tỷ để phát triển thể thao thành tích cao, cạnh tranh huy chương ở Asiad và Olympic- Ảnh 1.

Trong năm 2023, thể thao Việt Nam chưa kịp vui mừng về thành tích nhất toàn đoàn ở SEA Games 32 với 136 HCV, lần đầu tiên đứng đầu bảng tổng sắp ở một kỳ Đại hội diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì không lâu sau, tại Asiad 19 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), chúng ta chỉ giành 3 HCV, đứng thứ 6 Đông Nam Á và 21 châu Á.

Việc tụt lại quá xa so với các nước trong khu vực ở đấu trường châu lục không chỉ khiến người hâm mộ thất vọng. Những người đứng đầu ngành thể thao cũng phải nhìn nhận lại, tìm kiếm sự đổi mới trong xây dựng kế hoạch, định hướng mục tiêu và cách thức đầu tư để thể thao thành tích cao phát triển.

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã diễn ra chiều 21/12, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã chỉ ra nhiều hạn chế, từ nguồn lực VĐV, tính ổn định, thiếu HLV trình độ cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại không đầy đủ, không nhiều giải thi đấu quốc tế đỉnh cao, các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp, nguồn kinh phí để tập huấn nước ngoài hoặc thuê chuyên gia cũng hạn hẹp.

Vì vậy, để tạo ra bước đột phá về thành tích tại Asiad và Olympic trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, đồng thời ở SEA Games, giữ vững vị trí trong tốp 3 toàn đoàn và tốp 2 với các môn Olympic, Cục TDTT đề ra 6 nhiệm vụ chính.

Đầu tiên, quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, nội dung thế mạnh. Tiếp đến, hiện đại hóa, nâng cao cao hiệu quả huấn luyện ở các trung tâm huấn luyện thể thao. Thứ ba, cải thiện chế độ, chính sách đặc thù với HLV, VĐV. Thứ tư, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện. Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy năng lực của các tổ chức xã hội. Cuối cùng, bảo đảm nguồn lực về tài chính và phát triển kinh tế thể thao.

Về ngân sách tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nâng tầm thể thao Việt Nam, tham chiếu năm 2022 (686 tỷ) và 2023 (710 tỷ), Cục TDTT ước tính kinh phí cho giai đoạn một 2024 - 2026 cần 800 - 850 tỷ đồng mỗi năm, nhằm tuyển chọn, huấn luyện VĐV bên cạnh nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất.

Trong giai đoạn hai từ 2027 - 2030, cần 850 - 900 tỷ mỗi năm cho nhiệm vụ tập huấn, thi đấu trong nước và quốc tế. Ngân sách sẽ đến từ trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa. Căn cứ con số này, tổng kinh phí cho giai đoạn từ 2024 - 2030 từ 5.800 đến 6.150 tỷ đồng. Riêng 5 năm tới, thể thao Việt Nam cần từ 4.100 - 4.350 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại