Khởi đầu từ những hoài nghi
HLV Park Hang-seo khởi đầu cùng bóng đá Việt Nam bắt đầu từ VCK U.23 Châu Á 2018. Trước khi ông cùng U.23 Việt Nam lên đường tham dự giải, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông thầy người Hàn Quốc tại trụ sở VFF. Đó là thời điểm mà ông Park chưa phải là nhân vật được báo chí, người hâm mộ săn đón và thậm chí còn bị nghi ngờ bởi "hết thời".
HLV Park Hang-seo đến Việt Nam trong bối cảnh nền bóng đá đang rơi vào khủng hoảng, thất bại ở AFF Cup 2016 và bị loại cay đắng ở vòng bảng SEA Games 2017. Tất cả những gì mà người ta biết về Park Hang-seo chỉ với một thông số tin cậy là từng làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002, giúp Hàn Quốc vào đến bán kết.
Kể từ đó, ông không có được thành tích đáng chú ý nào và ông nhận lời dẫn dắt ĐT Việt Nam trong tâm thế là người đang thất nghiệp, đi tìm kiếm cơ hội mới ở những năm cuối sự nghiệp.
Ngày VFF chính thức ra mắt ông được tổ chức khá đơn giản ngay tại trụ sở VFF thay vì tại các khách sạn 5 sao như các đời HLV ngoại trước đây. Ông Park tuyên bố sẽ đưa bóng đá Việt Nam lọt Top 100 FIFA, còn U.23 Việt Nam sẽ tạo kỳ tích ở giải U.23 Châu Á.
Không có nhiều niềm tin dành cho những tuyên bố của ông Park thời điểm đó. Ngay cả một lãnh đạo VFF cũng từng chia sẻ dưới góc độ cá nhân rằng, ông Park khó thành công. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ sau khi U.23 Việt Nam tạo cơn địa chấn ở Thường Châu.
Sau giải đấu đó, người viết được Đài Truyền hình KBS (Hàn Quốc) mời phỏng vấn cho bộ phim tài liệu đặc biệt về HLV Park Hang-seo. Điều khiến tôi chú ý nhất là cách đặt vấn đề của KBS khi nói về hành trình của ông Park, đó là: "Vì sao ngay từ đầu người hâm mộ Việt Nam không tin tưởng vào thành công của ông Park?".
Đó không chỉ là bóng đá mà là câu chuyện về cuộc khởi nghiệp của một người từ hết thời ở Hàn Quốc đến việc gặp "thiên thời" ở Việt Nam. HLV Park Hang-seo tiếp tục đặt dấu ấn ở những giải sau đó là: Hạng Tư ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018, Tứ kết Asian Cup 2019.
Kể từ sau thời HLV Calisto (2008-2010), bóng đá Việt Nam mới lại có một HLV trụ được hơn 2 năm hợp đồng và sẽ gia hạn như Park Hang-seo. Giai đoạn đó, cùng với những thất bại liên tiếp ở các giải đấu khu vực, chúng ta đã thay đến 3 HLV nội, 3 HLV ngoại trong vòng 11 năm.
HLV Park Hang-seo sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 1.2020. Trong phát biểu mới nhất về tương lai của mình trước truyền thông Việt Nam, ông đã nói rằng "tiền không phải tất cả", gần như chắc chắn sẽ gia hạn hợp đồng với VFF. Thế nhưng điều khiến tất cả chú ý hơn ở những phát biểu của ông trên tờ Sports Seoul (Hàn Quốc).
Ông nói: "Nhiều người bảo tôi hãy rời Việt Nam khi còn tiếng vỗ tay. Tôi biết điều đó nghĩa là họ lo lắng cho tôi. Nhưng tôi không nghĩ rằng mình chẳng còn gì để làm ở đây. Tôi cũng không nghĩ rằng tuyển Việt Nam đã thành công ở mọi đấu trường. Tôi không biết mình sẽ ở đây bao lâu nhưng tôi nghĩ sẽ là thiếu trách nhiệm, nếu ra đi vào lúc này.
Tôi biết ơn Việt Nam và có một dự cảm mạnh mẽ về những mục tiêu kế tiếp".
Park Hang-seo và tầm nhìn bóng đá Việt Nam
HLV Park Hang-seo không chỉ mang đến những thành tích cho bóng đá Việt Nam ở các giải đấu cụ thể, điều lớn lao hơn chính là ông đã thay đổi tư duy và tầm nhìn của cả nền bóng đá qua từng giải đấu.
Đầu tiên là câu chuyện "phá dớp" Thái Lan, HLV Park Hang-seo đã làm công tác tâm lý cho chính các cầu thủ của mình trước, trong và sau những cuộc đối đầu với người Thái. Ông muốn cả truyền thông, dư luận cũng luôn ý thức được rằng "không việc gì phải sợ Thái Lan".
Sau mỗi giải đấu mà bóng đá Việt Nam có được thành công, điều ông muốn tất cả nghĩ đến là những đối thủ tầm cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… thay vì Thái Lan. Bởi theo quan điểm của ông, người Thái cũng chỉ nên được xếp bằng phân ở khu vực, chúng ta cần chọn đối thủ đẳng cấp hơn làm động lực phấn đấu, phát triển.
Cũng vì thế mà cho đến thời điểm này, HLV Park Hang-seo bất bại trước Thái Lan ở mọi giải đấu, mọi cấp độ. Đó cũng là tư duy cần thay đổi từ chính những người quản lý trong định hướng mục tiêu.
Chúng ta nhắc đến World Cup như một mục tiêu lớn. Thế nhưng ông Park lại nhìn vào thực tế hơn, đó là Việt Nam chưa sẵn sàng cho mục tiêu này. Ông chỉ ra những vấn đề cụ thể từ những hạn chế của cả hệ thống bóng đá Việt Nam. Câu chuyện World Cup không chỉ còn là mục tiêu của riêng VFF mà của cả ngành thể thao và xã hội. Vấn đề này chính là ở câu chuyện tầm nhìn và chiến lược mà chúng ta dành cho bóng đá chưa đủ để sẵn sàng cho mục tiêu World Cup.
Chúng ta cần hành động với những chiến lược, kế hoạch cụ thể thay vì chỉ giương cao khẩu hiệu. Sau những phân tích, ông Park chốt vấn đề: "Hãy quan tâm tới lứa U.10, U.12, U.15, bởi họ sẽ quyết định tương lai chúng ta có được dự Olympic hay World Cup hay không".
Khi HLV Park Hang-seo đàm phán, gia hạn hợp đồng với VFF, ông không trực tiếp tham gia mà uỷ quyền cho người đại diện. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp, việc của ông là làm chuyên môn thay vì đi thương lượng. Khi tất cả nói đến chuyện tiền bạc, lương bổng thì ông đã tuyên bố "tiền không phải tất cả". HLV người Hàn Quốc nói rằng, điều mà ông mong muốn chính là bản hợp đồng mới sẽ đưa ra được cam kết về một kế hoạch tương lai cụ thể của ông với bóng đá Việt Nam.
Giá trị cốt lõi chính là chiến lược của VFF có phù hợp với tư tưởng, tham vọng của ông. Bởi với HLV Park Hang-seo, những gì ông đã làm được trong 2 năm qua, giá trị hơn nhiều tiền bạc. Và với một người chuyên nghiệp, có tham vọng như ông Park, điều mà ông muốn nhìn thấy là cơ hội phát triển nghề để nâng tầm bản thân.
Đấy cũng chính là những bài học lớn, những hệ tư tư tưởng mới từ Park Hang-seo sẽ làm thay đổi bóng đá Việt Nam.