Ngoại trừ Trọng Hoàng chắc suất đá chính tại ĐT Việt Nam, cả Tấn Trường, Tuấn Mạnh và Văn Việt đều tạo ra không ít thắc mắc. Nhiều sự so sánh được đặt ra giữa bộ ba cầu thủ này với nhiều cái tên khác vắng mặt trong đợt tập trung. Dù vậy, lên danh sách triệu tập ĐTQG luôn là công việc quan trọng, cần rất nhiều sự cân nhắc. Và khi điền tên những "lão tướng", thầy Park có lý của riêng mình.
Cơ hội dành cho tất cả
Năm 2014, Văn Việt gặp chấn thương nặng. Những cuộc điều trị không như ý khiến anh tính chuyện giải nghệ và đi học bằng HLV. 3 năm không được thi đấu, Văn Việt làm HLV đội trẻ Quảng Nam và thậm chí kiêm thêm cả công việc soát vé để có thu nhập.
Tới năm 2017, anh mới bắt đầu trở lại sân cỏ trong màu áo Than Quảng Ninh. Dần dần, Văn Việt chiếm được niềm tin của HLV và thường xuyên xuất hiện trong đội hình xuất phát.
Khi nhận thông tin mình được gọi lên ĐT Việt Nam, Văn Việt tỏ ra rất bất ngờ. Anh thậm chí còn phải cẩn thận kiểm tra lại trên trang web của LĐBĐ Việt Nam để chắc chắn không có gì nhầm lẫn.
Văn Việt rất bất ngờ khi được gọi lên tuyển
Dù vậy, những thông số mà đội ngũ dưới quyền HLV Park Hang-seo thu thập được cho thấy Văn Việt có thể thích ứng được với lối chơi hiện tại của đội tuyển.
Trường hợp của Tấn Trường cũng cừ khôi không kém. Đầu năm 2020, thủ thành 34 tuổi hết hợp đồng với Bình Dương và trở thành cầu thủ tự do. Không đội bóng, Trường dành thời gian cho các công việc kinh doanh. Người hâm mộ hài hước gọi anh là "ông chủ quán internet", và bản thân thủ thành này cũng từng muốn giải nghệ.
Nhưng cuộc gọi từ Hà Nội FC thay đổi tất cả. Chỉ trong vài tháng, Tấn Trường trở thành thủ môn số một trong khung thành Hà Nội FC. Phong độ ấn tượng của anh góp công giúp đội bóng thủ đô vô địch Cúp Quốc gia và giành ngôi á quân V.League với hàng thủ tốt nhất giải.
Sự xuất hiện của Văn Việt và Tấn Trường là minh chứng cho cách tuyển người của HLV Park Hang-seo. Cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở với mọi cầu thủ, bất kể tuổi tác. Cho dù sự nghiệp có gặp trắc trở và đã bước sang "sườn dốc bên kia", nỗ lực vượt bậc vẫn có thể đưa một cầu thủ trở lại ĐTQG.
Kinh nghiệm luôn quý giá, kể cả kinh nghiệm... thất bại
4 thủ môn được thầy Park gọi lên tuyển lần này chia thành 2 nhóm: Dày dặn kinh nghiệm và mới nổi. Cả Văn Toản và Văn Hoàng đều mới được thi đấu nhiều ở V.League trong 2 mùa giải gần đây. Trong khi đó, Tấn Trường và Tuấn Mạnh đã nếm trải đủ vinh quang và cay đắng tại giải đấu hàng đầu Việt Nam.
Tuấn Mạnh chính là thủ môn đầu tiên thầy Park tung vào sân khi làm việc tại Việt Nam. Và anh cũng từng đóng vai trò thay thế thời điểm Đặng Văn Lâm gặp chấn thương. Từng trải qua và chứng kiến nhiều trận đánh lớn, sự điềm tĩnh của Tuấn Mạnh là điều các thủ môn đàn em có thể học hỏi.
Tuấn Mạnh được thầy Park tin tưởng
Với Tấn Trường, trong kinh nghiệm của anh có cả những thất bại cay đắng, những sai lầm, những lần chịu sức ép khủng khiếp từ dư luận, những nghi vấn bán độ.
Bùi Tiến Dũng là thủ môn gần đây chịu nhiều chỉ trích. Nhưng nếu so với tấn bi kịch mà Tấn Trường từng trải qua tại SEA Games 2009 và AFF Cup 2010, mọi thứ với Dũng vẫn còn nhẹ nhàng hơn đáng kể. Tấn Trường còn tự nhận mình như một "vai phản diện" trong làng bóng đá. Cứ mỗi khi có thủ môn mắc sai lầm, người ta lại liên tưởng ngay đến anh.
Nhưng thủ thành người Đồng Tháp không để sức ép đánh gục. Khi gia nhập Hà Nội FC, anh nói thẳng: "Dư luận không trả lương cho tôi, đội bóng mới làm việc đó. Nhiệm vụ của tôi trên sân là cống hiến cho đội bóng, cho khán giả, còn những "lời ong tiếng ve" tôi bỏ ngoài tai". Và những gì diễn ra trên sân khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc của Tấn Trường.
Đối diện và vượt qua thất bại là cách để các cầu thủ trưởng thành. Bóng đá Việt Nam đang rất thành công trong 3 năm qua, song thầy Park chưa bao giờ quên nhắc các học trò phải sẵn sàng tâm lý trong trường hợp mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Những câu chuyện từ Tấn Trường sẽ là một gợi ý đối với các đồng đội trẻ tuổi, về cách đứng dậy sau những thất bại và trở lại đỉnh cao.