HLV Gong Oh-kyun thích U23 Việt Nam chơi bóng đá đẹp. Ảnh: Anh Ðoàn
Rất khó để định nghĩa chính xác thế nào là bóng đá đẹp.
Theo Socrates, nhà triết học Hy Lạp cổ đại, cái đẹp phải có mối liên hệ cái có ích. Để đánh giá cái đẹp cần xem xét ở các góc độ hoạt động thực tiễn, hành vi và phẩm hạnh. Nếu áp dụng với bóng đá, rõ ràng bóng đá được coi là đẹp phải là sự tổng hòa giữa phong cách và sự hiệu quả. Một đội bóng chơi thứ bóng đá quyến rũ không chắc sẽ được coi là đẹp nếu không giành chiến thắng. Cách hiểu này tạo nên khái niệm “bóng đá tốt”, hay “bóng đá chiến thắng”.
Một Socrates khác, tức huyền thoại bóng đá Brazil, lại có quan niệm trái ngược. “Với tôi, phong cách là trên hết, chiến thắng chỉ là thứ yếu”, ông nói, “bóng đá phải mang đến niềm vui”. Cho đến nay Brazil ở World Cup 1982 với Socrates là đội trưởng vẫn được coi là một trong những đội vĩ đại nhất không vô địch thế giới. Họ là hiện thân của thứ bóng đá tuyệt mỹ mà người Brazil gọi là Joga Bonito, trực chỉ tấn công với kỹ thuật siêu phàm, trí sáng tạo vô song, sự ngẫu hứng và tính biểu diễn.
Ngày nay, bóng đá đẹp thường gắn với các đội bóng của Pep Guardiola, người chứng minh có thể chiến thắng, thậm chí chiến thắng liên tục bằng triết lý kiểm soát bóng, sự thống trị toàn diện và ham muốn tấn công. Chúng ta biết rằng nền tảng triết lý bóng đá của Pep được hình thành từ Johan Cruyff. Và tầm nhìn về bóng đá của Thánh Johan được khái quát bằng câu nói, “chất lượng mà không đạt kết quả là vô nghĩa, có kết quả mà không có chất lượng thì thật nhàm chán”.
Để cái đẹp và sự hiệu quả song hành, theo Cruyff, “tất cả phải bắt đầu từ các cầu thủ trẻ”. “Xã hội thay đổi nhưng bóng đá thì vẫn vậy. Đó phải là niềm vui”, ông nói, “Khi các cầu thủ trẻ chơi bóng với niềm vui, đi theo lộ trình mà bạn đưa ra, họ luôn có khả năng cạnh tranh và thích ra sân để chiến thắng”.
Đây chính là con đường mà HLV Gong Oh-kyun lựa chọn. Nhiều năm làm việc với bóng đá trẻ, ông biết “nếu đặt nặng chiến thắng thì cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến thái độ sống, nhân cách, đạo đức”. Vì vậy ông chọn “bóng đá đẹp”. “Một khi chúng ta chơi đẹp thì kiểu gì cũng chiến thắng”, chiến lược gia người Hàn Quốc nói, và trong lúc chờ đợi danh hiệu, đội của ông đã có chiến thắng lớn nhất, “chiến thắng trong nhân cách”.
Vấn đề là chúng ta, những người chỉ thích thứ bóng đá chiến thắng như HLV Park Hang-seo từng nhận định, có sẵn sàng đồng hành với HLV Gong Oh-kyun, bỏ qua gánh nặng thành tích và tận hưởng bóng đá?