Ngày 1.6.2017, Trần Đặng Đăng Khoa lên đường trên chiếc xe Wave đã 10 năm tuổi của mình, bắt đầu hành trình tuổi 30 đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. "Điên rồ", "Không tưởng" là những từ mà người ta nghĩ đến khi biết về hành trình của Khoa khi ấy.
Trước khi lên đường thực hiện chuyến đi chưa hẹn trước ngày kết này, Khoa cũng chỉ là một nhân viên văn phòng với những nỗi lo thường trực về cuộc sống như bao người khác. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong chàng nhân viên trầm tính ấy còn là một khát khao khám phá thế giới, đến những chân trời mình chưa từng đặt chân tới.
Để rồi, bứt phá khỏi những định kiến, âu lo hay so sánh hàng ngày, Khoa lên đường, quyết tâm thực hiện ước mơ đã ấp ủ 30 năm qua và đi tìm lấy giá trị cho tuổi trẻ của chính mình. Trên từng chặng đường, những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những nền văn hóa đa dạng mở ra trước mắt anh, cùng với đó là những người bạn mới, những câu chuyện mới. Như Khoa chia sẻ, đây không phải hành trình của những "cái nhất" mà tất cả mọi trải nghiệm đã cùng thêm màu sắc, hương vị mới cho cuộc sống và tâm hồn của chàng trai bình dị này.
Cùng trò chuyện với Khoa về hành trình "bứt phá lẽ thường" của anh và hiểu hơn về câu ngạn ngữ mà anh yêu thích "Hạnh phúc không phải đích đến mà chính là con đường ta đang đi" ("There is no way to happiness. Happiness is the way").
Từ một nhân viên văn phòng "nine-to-five" điển hình, bước ngoặt nào đã khiến bạn quyết định bắt đầu hành trình của mình và trở thành người Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới chỉ trên một chiếc xe máy?
Vốn dĩ đây là ước mơ mà mình đã ấp ủ từ lâu. Từ nhỏ, mình đã luôn ngưỡng mộ hình ảnh hay câu chuyện về những người du mục, viễn chinh đi vòng quanh thế giới như thủy thủ Sinbad. Niềm yêu thích đó vẫn luôn theo mình trong từng việc mình làm. Có mấy lần đi du lịch cùng gia đình, mình cũng hay tách đoàn ra để tự đi khám phá một mình, vì thế nên cũng bị la nhiều.
Lớn lên thì cuối tuần mình hay xách xe chạy đi đây đi đó. Chạy ra Long An hay lên Lâm Đồng, Tây Nguyên, ra Đà Nẵng - Huế rồi chạy luôn ra Hà Nội. Dịp nghỉ dài thì mình đi Xuyên Việt, chạy qua đủ 64 tỉnh thành. Cảm thấy chưa đủ, thì mình đi qua Lào, Campuchia, rồi Thái hay Singapore. Đó là hồi năm 2015 khi mình thực hiện chuyến đi qua 7 nước Đông Nam Á bằng xe máy.
Càng đi mình càng thấy là mình có thể đi nhiều hơn, xa hơn. Sau chuyến đi năm 2015 đó, mình cũng nghĩ tại sao lại không đi vòng quanh thế giới. Rất nhiều người đã làm được thì tại sao mình không thể. Quan trọng là nếu muốn thì sẽ tìm được cách để đi thôi.
Rồi cột mốc 30 đến. Mình nghĩ rằng cũng nên làm điều gì đó xứng đáng với cuộc đời, và đây cũng là cơ hội để mình hiện thực hóa giấc mơ từ nhỏ. Lúc này mình còn trẻ, còn khỏe, còn tự do vì chưa có gia đình. Thế giới rất rộng lớn và nếu cứ chần chừ thì sẽ đến lúc mình không thể đi được nữa. Vậy là mình "chiến" thôi.
Vậy từ khi đặt mục tiêu tới khi thực sự bắt đầu hành trình của mình, bạn đã chuẩn bị những gì cho chuyến đi đặc biệt này, nhất là khi bản thân bạn lúc đó còn đang làm công việc văn phòng bận rộn?
Tất nhiên là có rất nhiều thứ phải cân nhắc như vấn đề sức khỏe, an toàn, lịch trình đi, phương tiện đi, chi phí. Như chuẩn bị visa chẳng hạn – nó là một câu chuyện rất dài, rất phức tạp và đau đầu vì mỗi nước yêu cầu một loại visa khác nhau. Ngoài ra, mình còn phải chuẩn bị tài chính nữa. Có rất nhiều thứ phải chuẩn bị và cũng nhiều điều lo lắng, nhưng thực ra, "Kế hoạch là không có kế hoạch gì cả" ("plan is there is no plan"). Mình biết kể cả có chuẩn bị kỹ càng đến thế nào đi chăng nữa, sẽ luôn có những điều mình cần sẵn sàng tâm thế để đón nhận và thực sự trải nghiệm.
Rồi cả tâm lý nữa, rời xa cuộc sống ổn định với công việc quen thuộc và gia đình, bạn bè, mình cũng lo lắng nhiều. Tuần trước khi đi cũng mất ngủ miết. Nhưng rồi đam mê và khát khao được lên đường, khám phá những giới hạn của bản thân đã giúp mình vượt qua những nỗi lo này.
Trong một chuyến đi dài và biết trước sẽ nhiều khó khăn như vậy, tại sao bạn lại chọn xe máy làm phương tiện di chuyển chính? Có lý do gì đặc biệt đằng sau lựa chọn ấy không?
Đây là chiếc xe đầu tiên và duy nhất của mình cho đến thời điểm hiện tại. Mình mua nó khi mới ra trường. Rồi nó đồng hành với mình trên mọi nẻo đường. Đi làm, đi thiện nguyện, đi phượt, chở cô người yêu đi chơi. Tụi mình giống như những người bạn đồng hành. Mỗi chuyến đi mình và nó lại để cho nhau những kỉ niệm đáng nhớ và cả những vết sẹo.
Chiếc xe này cũng rất nhỏ, nhẹ, thân thiện với môi trường và tốn ít nhiên liệu nữa. Đi bằng xe máy giúp mình thực sự hòa mình vào từng cung đường, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và đôi lúc sẽ bắt được nhiều khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống. Thế giới của riêng mình từ đó cũng được mở rộng hơn.
Một điểm thú vị là chiếc xe này mang biển số Việt Nam, là một chiếc xe thông dụng với đa số người Việt, nên những ai từng tới Việt Nam đều nhận ra nó ngay. Chiếc xe trở thành khởi đầu của những câu chuyện của mình với những người bạn mới.
Cùng với chiếc xe thân thuộc đồng hành, bạn đã đặt chân tới 65 quốc gia trong suốt 1111 ngày vừa qua. Vậy trải nghiệm tại vùng đất nào đã để lại cho Khoa nhiều cảm xúc khó quên nhất?
Nhiều người hỏi mình câu này và thật sự đây là một câu hỏi rất khó để trả lời. Mỗi quốc gia mỗi nền văn hoá, mỗi vùng đất lại có sự hấp dẫn, thú vị riêng mà mình nghĩ không thể mang ra so sánh được.
Ví dụ như Châu Á huyền bí là cái nôi của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, châu Âu có bề dày lịch sử lâu đời, châu Phi lại có sự hoang dã, mộc mạc và cả những bất ổn, châu Mỹ luôn hối hả, vội vã trong khi ở châu Úc, mọi thứ đều chậm rãi và bình yên.
Nếu phải chọn thì mình mến Nam Mỹ và mong muốn quay trở lại nơi đây, có lẽ là do mình ở lại đây khá lâu khám phá nhiều đất nước nhỏ trong khu vực. Ở đây các chi phí đều rẻ, người dân vô cùng thân thiện và văn hóa thì rất đa sắc. Mối quan hệ giữa người với người ở các quốc gia này cũng rất thân thiết, gắn bó. Chính vì lên đường với tinh thần sẵn sàng trải nghiệm nên đến mỗi nơi mình đều được nghe những câu chuyện thú vị, và khám phá ra nhiều điều chẳng hề có trong sách vở.
Chuyến hành trình dài như vậy chắc chắn đã đặt ra cho bạn rất nhiều những khó khăn và thử thách. Khi đối diện với những thách thức trong chuyến đi, có những mối lo hay nỗi sợ thường trực nào trong Khoa? Và bạn đã vượt qua điều đó như thế nào?
Mình nghĩ thử thách lớn nhất là tai nạn, bệnh tật và vi phạm luật. Rất may mình không bị những cái đó. Không tai nạn, không bệnh, không đi trái luật mà bị bắt giam.
Ngoài ra, cũng có nhiều nỗi lo lắm, chẳng hạn điều thường trực thì vẫn là xin visa vì giấy tờ rất phức tạp trong khi mình chỉ có bấy nhiêu giấy tờ trong người thôi. Có những nơi vì không xin được visa mà mình phải ở 1 chỗ 3 tháng thậm chí là 6 tháng. Rồi còn hư xe sửa xe, lỗi phức tạp có khi phải đợi 1 tháng phụ tùng xe mang qua rồi mới lắp đi tiếp được. Trong thời gian đó mình làm những việc khác, tiếp tục khám phá những nơi xung quanh. Lúc này, rất cần sự kiên nhẫn và tinh thần lạc quan. Nếu là người khác thì chắc đã bỏ cuộc rồi nhưng mình cứ kiên trì để có thể đi tiếp.
Tuy nhiên, có lẽ nỗi sợ lớn nhất đối với mình có lẽ là lúc… không còn sợ gì nữa. Khi người ta biết sợ thì họ mới biết cẩn thận. Còn Khoa, đi một thời gian, mình cảm thấy không còn sợ gì nữa, không sợ mưa nắng, không sợ cướp. Đi qua vùng Trung Đông có thể bị bắt cóc, tống tiền, chặt đầu, tai nạn, bom mìn, nhưng mà mình chẳng thấy sợ gì cả. Hay tại Úc đi qua sa mạc rộng lớn, mình cứ lao đại đi mải miết. Nhiều khi cũng giật mình nhìn lại sao lại liều thế. Những lúc vậy mình phải bình tâm lại để xem xét mọi việc cho thấu đáo hơn.
Trong suốt 3 năm, bạn đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người khác nhau, từ mọi quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo với vô số tư tưởng, quan điểm khác nhau. Điều đó có giúp Khoa có thêm các góc nhìn mới về con người, về xã hội hay về chính bản thân mình?
Có thể nói, sau chuyến đi là một version mới của Trần Đặng Đăng Khoa, đẹp trai hơn, mặn mà hơn này (cười).
Sự thay đổi lớn nhất chắc nằm ở tính kiên nhẫn. Chuyến đi rèn cho mình tính kiên nhẫn cao và biết chấp nhận sự thật. Ngày trước mình khá nóng tính, có những chuyện không đúng ý cũng bực bội nhiều nhưng giờ thì thấy ổn, biết tự tìm thấy niềm vui riêng trong những thứ mình làm. Có lần, mình bị mắc kẹt ở Canada một tháng do tuyết, điều này ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch ban đầu của mình. Nhưng mình nghĩ, đây là cơ hội được sống giữa những thành phố như Montreal, Toronto, nên dù suốt 1, 2 tuần đó chỉ ở trong nhà nhưng mình vẫn thấy vui, được quan sát xem mọi người mặc áo gió, áo lạnh màu gì, tại sao họ lại mặc thương hiệu đó, lại kết hợp quần áo như vậy. Rồi mình lên mạng học những thứ rất là tào lao nhưng biết thêm điều mới thì mình lại thấy rất vui. "Điều gì xảy ra sẽ xảy ra", miễn là mình mở lòng đón nhận và trải nghiệm nó để bản thân mình ngày một tốt hơn.
Rồi nhiều bài học cũng bao la lắm, phải biết mềm mỏng lại, cũng phải dịu dàng hơn, cảm thấy yêu trẻ con hơn. Gặp nhiều cảnh đời như thế mới thấy mình lớn lên, trưởng thành hơn. Nói là sau chuyến đi mình hiểu rõ hơn về bản thân cũng đúng, nhưng mình cũng biết là ngay cả bản thân mình, trong tâm trí còn nhiều ngóc ngách mình không thể hiểu được hết.
Cuộc đời con người sẽ không bao giờ là đủ để biết được mọi thứ về thế giới, về con người và về chính mình. Câu chuyện là mình nên không ngừng trải nghiệm, không ngừng khám phá theo nhiều cách khác nhau để tiếp tục học hỏi và thay đổi bản thân mỗi ngày. Khi đến một đất nước mới mình chỉ chuẩn bị những thông tin vừa đủ, rồi khi tới đó sẽ tự do trải nghiệm và thực sự tìm hiểu những thứ hay ho ngay tại đó.
Khi kết thúc chuyến đi hơn 1 nghìn ngày, hẳn bạn có rất nhiều cảm xúc đặc biệt khi trở về?
Lúc về Việt Nam cũng thấy hơi hụt hẫng, đầu óc trống rỗng. Nó vừa vui, vừa buồn vừa tiếc nuối chuyến đi, vừa thỏa mãn vì mình đi đủ 7 châu rồi trở về lành lặn. Nói chung có rất nhiều cảm xúc.
Mình thấy vui vì đã trở về nhưng tiếc là không thể chạy đúng chiếc xe về đúng chỗ mình bắt đầu đi thì câu chuyện nó sẽ đẹp hơn. Mình đã rất mong chờ ngày đó. Khi lấy được chiếc xe thì mình sẽ chạy ra đúng nơi bắt đầu để chụp 1 tấm hình check-in thì mới chính thức là kết thúc cuộc hành trình.
Nói chung, mình cũng thấy thỏa mãn giấc mơ. Đã một lần dám bước đi không ngại ngần như chuyến đi này, thì sau này cũng không còn gì hối tiếc.
Điều bạn cảm thấy tâm đắc nhất sau chuyến đi này là gì?
Mình đã mở lòng ra với thế giới, đã thực hiện được những giấc mơ của mình. "Open to more" mà – càng đi mình càng nhận được tình cảm của mọi người, có những trải nghiệm mới, thử thách bản thân ra khỏi vùng an toàn.
Chuyến đi lần này nó mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới. Nhiều khi trong chuyến đi này hoặc chuyến đi sau nữa chẳng hạn, rẽ trái rẽ phải lại gặp được người vợ tương lai của mình thì sao. Định mệnh nó chờ phía trước nên mình cứ đi thôi. Đứng có quay lại, cứ ngỡ quay đầu là bờ, ai ngờ là biển (Cười).
Hiện nay, xu hướng tích cực trải nghiệm, khám phá và sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, bất ngờ trong cuộc sống đang trở thành một lối sống được nhiều bạn trẻ theo đuổi; đồng thời cũng được rất nhiều các tổ chức hay doanh nghiệp ủng hộ, điển hình là thương hiệu Tuborg khi lan tỏa thông điệp "Open to more" trong những năm trở lại đây. Bạn nghĩ sao về lối sống mới này?
Mình ủng hộ lối sống này. Làm sao biết được con đường sẽ dẫn về đâu nếu không thử đi? Làm sao biết được bản thân mình có những tiềm năng gì nếu chỉ ở mãi trong vùng an toàn?
Dĩ nhiên lên đường, ra khỏi vùng an toàn không đồng nghĩa với việc chấp nhận những khó khăn thử thách, nhưng không đi thì sao biết có những cơ hội nào mới, niềm vui nào mới đang chờ đón mình. Mình cứ cố gắng hết sức làm những cái mình thích và không ngần ngại đón nhận khó khăn, thử thách để có thêm hiểu biết về nhiều khía cạnh của cuộc sống và khám phá tiềm năng của chính bản thân mình.
Chuyến chu du qua 65 quốc gia trong hơn 3 năm của bạn đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ - những người đang trên con đường tìm kiếm giá trị thực sự trong cuộc sống của mình. Bạn có lời khuyên gì cho những người đang muốn "bứt phá lẽ thường", bắt đầu một hành trình mới để theo đuổi ước mơ và khám phá bản thân không?
Mình không thử thì làm sao biết được mình có muốn hay không. Tuổi trẻ bây giờ cứ dấn thân, cứ làm những điều mình thích. Đừng ngại những thay đổi và cũng đừng quá lo lắng thiệt hơn vì đôi khi chính những trải nghiệm bất ngờ sẽ giúp mình nhận ra những bài học vô giá. Dĩ nhiên là cũng tùy vào khả năng và mong muốn của mỗi người. Hãy xem mỗi ngày, mỗi việc mình làm là một chuyến phiêu lưu chứ không cần phải cứ đi như mình mới là phiêu lưu. Vì cuộc đời này ấn chứa rất nhiều điều bất ngờ nên hãy cứ thoải mái đón nhận nó.
"Hạnh phúc không phải đích đến mà chính là con đường mà ta đang đi". Hãy tìm niềm vui trong mọi thứ mình làm, dù đi đâu về đâu thì vẫn tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong đó thì mình sẽ sống tốt. Sau khi nhìn lại hành trình mình đã đi thì mình có thể cười, có thể khóc, nhưng chặng đường đó đều ý nghĩa vì đó là sự dấn thân và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Sau chuyến đi "để đời" này, bạn có còn dự định nào cho những cuộc phiêu lưu như vậy trong tương lai không?
Trước mắt, mình cũng có một số kế hoạch trong tương lai, như mở một quán cafe nhỏ, cưới vợ, du lịch thì đi thăm Nhật Bản hay Luân Đôn, Anh một lần. Thậm chí, mình mong sau này có thể mua một chiếc tàu Catamaran để căng buồm làm một chuyến chu du bằng thuyền quanh thế giới. Nhưng để làm được thế, mình sẽ cần phải chuẩn bị nhiều nữa, về tài chính cũng như nhiều thứ nữa.
Sau chuyến đi tuổi 30, mình cũng nghĩ tới chuyến đi tuổi 50 - 60 cùng vợ con hoặc một mình nếu lúc đó còn độc thân (cười). Có thể đó sẽ là chuyến đi ngắn thôi hay có thể là vòng quanh thế giới để ôn lại kỉ niệm chuyến đi thời trai trẻ. Đam mê thì chắc chắn vẫn còn đó. Quan trọng là phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ, tinh thần thoải mái, thỉnh thoảng giật nắp uống bia Tuborg cho sảng khoái. Nhưng nhìn chung, mình luôn "Open to more" với những thử thách cũng như những chuyến phiêu lưu mới.
Cảm ơn Khoa về buổi trò chuyện!