img

Trong khi ngành dệt may gặp khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản, Sông Hồng vẫn có lãi, doanh thu vượt 15% so với kế hoạch đầu năm, toàn bộ nhân viên  hầu như chỉ phải giảm thời gian làm việc trong thời gian ngắn, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều được duy trì ổn định.  

Thành tích nổi bật đó khiến không ít người thắc mắc, rốt cuộc thì "một trong những gương mặt tiêu biểu" của ngành dệt may Việt Nam với gần 11.000 lao động đã xoay sở như thế nào để vượt "bão Covid-19"? 

Tổng giám đốc Sông Hồng hé lộ chuyện vượt thoát cú sốc kép, đứng vững top 5 dệt may Việt Nam - Ảnh 1.

Quý I năm 2020, ngành dệt may trong nước "tê liệt" vì dịch bệnh. Sông Hồng lúc đó cũng phải đối mặt với cú sốc chưa từng có: liên tiếp bị gãy cầu. 

"Đơn hàng "đóng băng" đột ngột vì khách yêu cầu: chưa sản xuất thì dừng sản xuất, có thành phẩm rồi thì dừng xuất khẩu và họ cũng xin dừng, hoãn tất cả đơn đặt hàng mới", ông Bùi Việt Quang – Tổng GĐ Sông Hồng chia sẻ. 

Trước đó, dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc khiến nguồn cung cấp nguyên phụ liệu chính của ngành dệt may trong nước gặp khó. Xoay sở đến khi có đủ nguyên liệu, nguồn cầu lại đột ngột đứt gãy đồng bộ vì khủng hoảng do Covid-19 gây ra có quy mô toàn cầu, khiến người dân ở các nước đều phải thắt chặt chi tiêu. 

Sản phẩm làm ra không bán được. Dòng tiền nằm "chết" ở nguyên phụ liệu và hàng tồn kho. Các đơn hàng cũ, khách dù đã nhận đủ cũng vẫn chậm thanh toán vì chính họ cũng đang lao đao. 

Tổng giám đốc Sông Hồng hé lộ chuyện vượt thoát cú sốc kép, đứng vững top 5 dệt may Việt Nam - Ảnh 2.

Khó khăn càng chồng chất hơn khi doanh nghiệp vừa lo sản xuất, vừa phải đảm bảo thực hiện các công tác phòng dịch. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, thời điểm Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội, Sông Hồng buộc phải cho công nhân luân phiên giảm giờ làm để đảm bảo giãn cách. Thu nhập của người lao động vì thế cũng phải giảm nhẹ.  

Tuy nhiên, nhờ sự chuyển mình nhanh nhạy, khó khăn đã nhanh chóng qua đi, chỉ sang đến quý II, Sông Hồng đã có thể tự tin tuyên bố "thoát hiểm" trong đại dịch.

Tổng giám đốc Sông Hồng hé lộ chuyện vượt thoát cú sốc kép, đứng vững top 5 dệt may Việt Nam - Ảnh 3.

Trong lúc gặp khó, hầu hết doanh nghiệp dệt may đều tìm hướng chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Tuy nhiên, với năng lực sản xuất gồm 6 nhà máy, 155 chuyền may, hơn 6 triệu sản phẩm/tháng và hàng nghìn công nhân, việc chuyển đổi toàn bộ sang mặt hàng mới với Sông Hồng là không dễ dàng và có thể gây lãng phí rất lớn về nguồn "tài nguyên" sẵn có. 

Nhận định tình hình mới vẫn "có cửa" cho nhiều mặt hàng truyền thống, lãnh đạo Sông Hồng đã cố gắng đàm phán với các đối tác để giữ được một số đơn hàng may mặc lớn, phần còn lại chuyển sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. 

Đây là cú ngược dòng xu thế chung rất đáng ấn tượng. Vì trong lúc nhiều doanh nghiệp phải hướng tới 70-80% năng lực sản xuất sang mặt hàng mới, Sông Hồng vẫn trụ vững, và chỉ chuyển đổi 40%. 

"Sản xuất khẩu trang cũng có nhiều thách thức vì đây chỉ là mặt hàng nóng trong thời gian không dài. Mặt khác, sản xuất khẩu trang chỉ tiêu tốn ít máy móc và sẽ làm thừa ra rất nhiều lao động trong chuyền", Ông Quang nói. 

Tháng đầu tiên bắt tay vào làm khẩu trang, Sông Hồng cũng không tránh khỏi những khó khăn vì thiếu kinh nghiệm như: nguồn nguyên liệu hạn chế, giá tăng từng ngày, dây chuyền sản xuất chưa phù hợp, năng suất thấp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết mình, mọi khó khăn đều được giải quyết chỉ sau một tháng.  

Tổng giám đốc Sông Hồng hé lộ chuyện vượt thoát cú sốc kép, đứng vững top 5 dệt may Việt Nam - Ảnh 4.

"Tốc độ chuyển đổi như thế là điều rất đáng tự hào. Đấy là nỗ lực của cả tập thể. Nhưng điều khiến chúng tôi tự hào hơn là công ty vẫn duy trì được 60% năng lực sản xuất hàng dệt may trong thời điểm dịch bùng phát, giúp người lao động không ai bị mất việc làm".  

Theo TGĐ Sông Hồng, để thoát khỏi tình huống nguy ngập trong những lúc rủi ro vì yếu tố khách quan, doanh nghiệp dù đang thuận lợi tới đâu, cũng luôn cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. "Khi gặp khó thì phải thích nghi nhanh chóng và linh hoạt với sự thay đổi trên thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng thị trường nhằm giảm rủi ro". 

Nhờ luôn thực hiện đúng phương châm này, dù gặp phải cú sốc lớn, nhưng Sông Hồng vẫn tìm ra "con đường sáng" thoát khỏi tình thế nguy nan. Doanh thu năm 2020 chỉ giảm 20% so với năm 2019, dự kiến vượt 15% so với kế hoạch đề ra đầu năm trong đại hội cổ đông. 

"Điều khiến chúng tôi tự hào nhất là toàn bộ người lao động giữ được việc làm, chỉ giảm nhẹ giờ làm và một phần thu nhập. Hàng nghìn con người ở Sông Hồng vẫn khỏe mạnh trong đại dịch, không ai phải nghỉ việc vì lây nhiễm Covid-19, và mọi người luôn phát huy tình đoàn kết để cùng nhau vượt khó".

Tổng giám đốc Sông Hồng hé lộ chuyện vượt thoát cú sốc kép, đứng vững top 5 dệt may Việt Nam - Ảnh 5.

Nói về những bước đi tiếp theo trong năm 2021, ông Quang nhận định, dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra nhiều khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, cùng với việc ổn định sản xuất, Sông Hồng cũng luôn song song thực hiện kế hoạch mới. 

"Hiện tại, chúng tôi đang tập trung đào tạo đội ngũ nhân sự trẻ kế cận; Xây dựng nhà máy mới, mở rộng năng lực sản xuất; Tăng cường phát triển các khách hàng lớn và thị trường mới; Tập trung hoàn thiện hệ thống phần mềm quản trị công ty.  

Các giải pháp này nhằm giúp doanh nghiệp sẵn sàng chuyển mình trong giai đoạn mới. Vì thực tế, Covid-19 xảy đến cũng là cơ hội để chúng tôi nhìn lại và tự hoàn thiện nhiều hơn. Chúng tôi vẫn tin, dù thời cuộc biến động, nhưng nếu công ty đủ vững vàng, chúng tôi vẫn đủ sức vươn lên". 

TGĐ Sông Hồng cũng chia sẻ, bão Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước bộc lộ điểm yếu cốt tử của việc nằm ở giữa chuỗi cung ứng toàn cầu, phụ thuộc hoàn toàn về nguyên liệu đầu vào và đầu ra xuất khẩu ở nước ngoài. Điều này khiến họ rất khó xoay sở khi tình hình thế giới có nhiều biến động. 

"Sông Hồng luôn xác định phải có cách làm khác. Đã từ lâu, chúng tôi luôn ttự chủ về đơn hàng và khách hàng, hầu như không còn phụ thuộc vào vai trò gia công thuần túy. Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động của công ty luôn ở trong top những công ty tốt nhất trên thị trường chứng khoán". 

Ông Quang cũng cho hay, kỳ vọng lớn nhất của Sông Hồng là giúp định vị Việt Nam trở thành nơi cung cấp hàng dệt may quan trọng và ổn định hàng đầu trên thế giới. 

"Tôi rất mong, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng với Sông Hồng, ngày càng nâng cao sức mạnh cạnh tranh và khát vọng vươn lên làm chủ số phận của minh, trở thành các tập đoàn đa quốc gia chứ không bó hẹp trong phạm vi thị trường nội địa", ông Quang nói thêm.

Tổng giám đốc Sông Hồng hé lộ chuyện vượt thoát cú sốc kép, đứng vững top 5 dệt may Việt Nam - Ảnh 6.
Thu Hường
Minh
J.
Theo Trí Thức Trẻ