Tô Văn Vũ: Gần 10 năm đi bán báo, đánh giày và giấc mơ lên tuyển Việt Nam

Văn Nhân |

Cuộc đời tiền vệ Tô Văn Vũ đến với bóng đá như một cuốn phim, từ cậu bé bán báo, đánh giày, đá phủi đến tuổi 20 thì bóng đá chuyên nghiệp bất ngờ "gõ trúng đầu" để mở ra cánh cửa lên chơi V.League.


Nếu người hâm mộ từng có cái nhìn khắt khe với tiền vệ Tô Văn Vũ (CLB Bình Dương) thì sau câu chuyện nghị lực về chàng tiền vệ này, có lẽ sẽ có một cái nhìn khác, ít nhất là khía cạnh cuộc sống của một cậu bé đi bán sách, đánh giày, đá phủi sau đó được chơi bóng chuyên nghiệp. Và điều đáng quý là Tô Văn Vũ chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ bóng đá để xuất hiện ở sân chơi V.League như một câu chuyện cổ tích của bóng đá Việt Nam.

Từ cậu bé đánh giày, bán sách đến sân phủi

- Xin chào Tô Văn Vũ, chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện anh đến với bóng đá như thế nào?

Tô Văn Vũ: Tôi ngày xưa không phải là cầu thủ được ăn tập từ nhỏ đâu. Tôi đến với bóng đá rất tình cờ từ sân chơi phủi. Hồi đó, tôi đi đánh giày và đá phủi ở Đồng Nai. Sau đó, các anh thấy tôi chơi bóng cũng được và có đam mê, nhất là cuộc sống khó khăn nên mọi người muốn tạo điều kiện cho tôi thay đổi cuộc đời.

Mọi thứ khởi đầu như giấc mơ khi tôi bất ngờ được cho vào đội U20 Đồng Nai để chơi bóng. Tôi nhớ thời điểm đó là năm 2013. Ba năm sau (năm 2016), tôi được đá ở giải hạng Nhất cho CLB Đồng Nai và một năm sau về Bình Dương. Cuộc đời của tôi đến với bóng đá có thể gọi là mối nhân duyên kỳ lạ. Nhiều khi nghĩ lại thì tôi cũng không tin được mình đã được chơi ở V.League, một giấc mơ mà thật sự tôi không bao giờ dám nghĩ đến vì 20 tuổi vẫn đang đi đánh giày và đá phủi để mưu sinh.

Tô Văn Vũ: Gần 10 năm đi bán báo, đánh giày và giấc mơ lên tuyển Việt Nam - Ảnh 2.

Tô Văn Vũ, chàng tiền vệ đến với bóng đá chuyên nghiệp bằng từ một hành trình gian khổ.

- Văn Vũ có thể nói rõ hơn về tuổi thơ để người hâm mộ hiểu hơn về cuộc đời của anh đến với bóng đá?

Từ thuở nhỏ, tôi đã bắt đầu công việc kiếm tiền phụ gia đình bằng cách theo bà nội đi bán sách, bán báo, đánh giày. Tôi làm những công việc đó từ năm học lớp 7. Tôi xem điều đó là một công việc cần phải làm để giúp đỡ gia đình.

Nhà tôi ở Thanh Hóa. Bố tôi đi làm nghề biển. Mẹ làm nông. Nhà tôi có 3 anh em. Ngày đó, tôi nhớ mái nhà của mình có thể nói giống như một túp lều tranh thôi, gió thổi là bay. Tôi nghĩ phải làm những gì có thể nhằm giúp đỡ bố mẹ đỡ vất vả hơn và bản thân có tiền ăn học.

Tôi nhớ cứ vào dịp hè là theo chân nội đi khắp năm, kể cả vào Nam để làm nhiều thứ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nên tôi luôn nhìn quá khứ để có thêm động lực cố gắng trên sân cỏ.

- Ngay từ năm lớp 7 phải mưu sinh bằng những công việc như bán báo, đánh giày thì Văn Vũ rút ra cho bản thân được những điều gì?

Người ta vẫn nói một trong những ngôi trường quan trọng nhất của mỗi người là trường đời. Tôi sớm phải trải qua điều đó từ thuở nhỏ. Tôi nhớ ngày mình đi bán sách mời mọi người, với một số người thì túi trước ngực có cây viết, nhưng mời xong thì họ “ném lại” bằng câu nói: “Đi đi, tao không đọc sách đâu, làm gì biết chữ mà mời tao mua”.

Tôi đi đánh giày cũng thế. Tôi mời họ đánh giày khi thấy giày bẩn thì nhận lại câu nói: “Sáng còn chưa đánh răng, đánh giày làm gì”…

Tôi nghĩ từ những câu chuyện, từ con người mình được tiếp xúc trong cộc sống mang đến cho bản thân nhiều trải nghiệm. Tôi xem đó là bài học. Tôi phải cố gắng vươn lên, khi có cơ hội đổi đời thì phải biết nắm bắt, không chỉ cho chính mình mà còn vì bố mẹ.

Bây giờ, tôi được đá ở V.League nhưng bản thân vẫn luôn nhìn về mọi thứ trong quá khứ. Mình phải nhớ mình đã bắt đầu như thế nào để cố gắng hết mình cho hiện tại, trân trọng mọi thứ và phải phấn đấu thật nhiều hơn nữa.

- Với một niềm đam mê bóng đá mãnh liệt và chứng tỏ được tài năng dù không ăn tập bài bản, Văn Vũ lẽ ra phải theo một lớp năng khiếu từ nhỏ, sao đến tận 20 tuổi mới bắt đầu mọi thứ?

Thuở nhỏ, tôi rất mê bóng đá và bố là người truyền cảm hứng cho tôi. Bố tôi rất mê bóng đá nên tôi cũng bắt đầu thích. Tôi chơi bóng ở bãi biển cùng các bạn. Bóng đá với tôi chỉ có thế thôi.

Còn chuyện vì sao không bắt đầu từ năng khiếu, thực sự tôi cũng rất muốn chứ nhưng nhà tôi ở quê, không có bất kỳ thông tin gì cả. Tôi và gia đình cũng không biết thế nào là sự khởi đầu cho một cậu bé đam mê bóng đá, hay phải đi thi tuyển đâu. Nói đúng hơn, gia đình tôi gần như không tiếp cận được gì về các thông tin liên quan đến chuyện bóng đá.

Mãi đến năm 20 tuổi, tôi được trao cơ hội vào đội trẻ Đồng Nai thì bố mẹ nói: “Con cứ thử xem, biết đâu lại được chơi bóng như giấc mơ của con”.

Tôi nghe lời cha mẹ nên cứ thử thôi, vì không đá được thì mình lại về với công việc bán sách, đánh giày và đá phủi kiếm tiền. Ai ngờ là tôi có thể chơi được và có cơ hội thi đấu ở V.League.

- Với những công việc kể trên, Văn Vũ có thu nhập như thế nào trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp?

Chuyện đi đánh giày, bán sách, báo thì thất thường lắm. Có ngày đắt và may mắn thì tôi kiếm được 200 nghìn, ngày nào ế thì có vài chục nghìn. Những hôm được đá phủi thì tôi có thêm thu nhập với thù lao 200 - 300 nghìn.

Cám ơn cuộc đời và giấc mơ lên tuyển Việt Nam

- Từ sân phủi đến với V.League, Văn Vũ đã mở ra cánh cửa đó như thế nào?

Sau năm 2016, tôi rời đội Đồng Nai để tìm kiếm một cơ hội khác chơi bóng. Tôi tìm đến Hải Phòng để thử việc. Sau đó, tôi nghe tin bố Sự (HLV Trần Bình Sự) vào Bình Dương thì theo chân bố vào lại miền Nam. Tôi cũng không tin được là mình đã được chơi bóng chuyên nghiệp, đó lại là CLB Bình Dương - đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam ở sân chơi chuyên nghiệp.

Tô Văn Vũ: Gần 10 năm đi bán báo, đánh giày và giấc mơ lên tuyển Việt Nam - Ảnh 3.

Tô Văn Vũ và HLV Trần Bình Sự. Ảnh: NVCC

- Hãy nói về cảm xúc của Văn Vũ khi được chơi chuyên nghiệp?

Cảm xúc thật sự khó nói hết thành lời. Từ một cầu thủ đá phủi kiếm tiền được chơi hạng Nhất đã rất hạnh phúc, sau đó tiếp tục đến với V.League thì mọi thứ quá tuyệt vời. Tôi nhớ mãi cảm giác lần được đá V.League, sau đó có bàn thắng. Mọi thứ nói thế nào nhỉ, đúng thật là một giấc mơ với riêng cá nhân tôi. Vì cuộc đời có thể nói không học được chữ ngờ, không ngờ ngày nào còn đi đá phủi để kiếm tiền phụ bố mẹ và nuôi bản thân thì một cánh cửa mới mở ra, đó lại là sân chơi V.League.

- Năm thứ ba đá ở V.League, Tô Văn Vũ có những đổi thay gì so với chính mình trong quá khứ?

Tất nhiên, điều đầu tiên chính là cuộc sống được cải thiện hơn nhiều so với ngày xưa. Tôi có thu nhập ổn định hàng tháng để gửi về phụ cho bố mẹ. Sau đó, tôi có vợ và một đứa con. Tôi cưới vợ vào đầu năm ngoái.

Tôi nghĩ phải cố gắng hơn để lo tốt cho gia đình và bố mẹ. Tôi muốn những người thân yêu của mình được sống tốt hơn, sau đó có tiền xây một ngôi nhà để bố mẹ, vợ con không còn vất vả.

- Một cầu thủ trưởng thành từ sân phủi, trải qua nhiều công việc khác nhau trong cuộc sống, Văn Vũ có nghĩ cá tính trên sân bóng bị ảnh hưởng từ chính những điều ấy?

Thật sự, mỗi con người đều có một tính cánh và cuộc sống cũng góp phần ảnh hưởng. Tôi vào sân luôn chơi hết 100% khả năng, vì không phải đơn thuần là đá bóng mà trân trọng hiện tại.

Tôi đâu có được ăn tập bài bản, mọi thứ chỉ bắt đầu từ sân phủi. Thế nên, tôi cứ chơi theo cảm xúc của mình - cảm xúc của một người được thi đấu chuyên nghiệp và ra sân cố gắng giành chiến thắng. Tôi quan niệm cuộc sống cũng như bóng đá, bản thân mình phải cố gắng hết mình. Còn chuyện chơi quyết liệt thì tôi nghĩ đó là sự cố gắng chứ không phải đá xấu với ai, vì tôi phải chơi 100% để trân trọng mọi thứ, cố gắng cho hiện tại.

- Thế chính cách chơi đó bị một số người nhận xét không hay, Văn Vũ nghĩ thế nào về chuyện này?

Thực ra, tôi không thích phải phân giải đâu. Tôi đá quyết liệt vì bóng đá với tôi vốn dĩ phải như thế, sân bóng là cuộc chơi của những người đàn ông. Tôi chơi hết mình vì đội bóng, còn chưa hề mang tư tưởng đá xấu hay đá láo để ảnh hưởng đến các đồng nghiệp. Sự thật là thế.

Tôi nói thế này: Bản thân tôi từ khó khăn đi lên, từ sân phủi đến V.League thì phải biết trân trọng, giữ gìn cho chính mình. Khi tôi xác định phải nỗi lực cho bản thân thì hiểu được các đồng nghiệp cũng vậy, đá không để ảnh hưởng đến nhau. Họ cũng đá vì chính họ, vì gia đình, vì đam mê thì sao chúng ta có thể vì một pha bóng làm ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người.

Ai đánh giá thế nào thì tôi lắng nghe nhưng tôi biết mình phải làm gì. Tôi nghĩ khi đánh giá về ai đó, hay bất kỳ điều gì thì phải biết họ như thế nào, không phải chỉ vì một pha bóng rồi tạo nên sự ác cảm cho nhau, bởi cảm xúc trên sân cỏ có thể chi phối chúng ta trong những thời khắc quan trọng, nhất là những trận đấu có tính chất đặc biệt, liên quan trực tiếp đến số phận đội bóng.

Đúng hơn, tôi xem bóng đá là cuộc chơi có thắng thua nên không thể thiếu sự quyết liệt, còn chưa bao giờ tôi có một suy nghĩ nào về chuyện chơi xấu, đá để ảnh hưởng đến ai đó. Vì tôi biết bản thân đã đến với bóng đá chuyên nghiệp phải trải qua vô vàn khó khăn như thế nào…

Tất nhiên, ai rồi cũng cần có những thay đổi. Tôi cũng thế. Tôi cần học cách tiết chế cảm xúc, đúng hơn là bản năng của một cầu thủ từng chơi ở sân phủi, vì bóng đá chuyên nghiệp có những sự khác biệt rất lớn. Tôi nghĩ bản thân mình sẽ làm được, vì mỗi ngày sẽ tự đúc kết kinh nghiệm và cầu tiến.

- Trải qua một hành trình dài để đến với bóng đá chuyên nghiệp theo cách rất đặc biệt, Văn Vũ đúc kết điều gì cho chính mình?

Tôi nghĩ cuộc sống luôn có những cánh cửa khép hờ. Nếu có cơ hội thì cần phải cố gắng nắm bắt và sống hết mình với hiện tại. Tôi cám ơn bố mẹ, cám ơn cuộc đời, cám ơn những người thầy, anh em từng giúp đỡ mình. Tôi sẽ chơi bóng và sống đúng với tính cách của mình như ngày nào.

Tô Văn Vũ: Gần 10 năm đi bán báo, đánh giày và giấc mơ lên tuyển Việt Nam - Ảnh 4.

Tô Văn Vũ, một tấm gương nghị lực và hành trình đẹp của cầu thủ theo đuổi giấc mơ bóng đá. Ảnh: NVCC

- Đời cầu thủ có những giấc mơ, trong đó có chuyện được lên Tuyển, Văn Vũ có mong được HLV Park Hang Seo trao cơ hội đó?

Như anh đã nói, cuộc đời cầu thủ thì ai cũng mong được lên tuyển để cống hiến. Tôi cũng mong ước điều đó chứ. Nếu được trao cơ hội thì tôi sẽ làm những gì tốt nhất có thể để cống hiến cho đội tuyển.

Cám ơn Tô Văn Vũ về cuộc trò chuyện!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại