1. Khi nói về mối quan hệ United - City, nửa đỏ hay dùng từ "trọc phú" để trêu chọc gã hàng xóm. Nhưng xét về tư cách, chỉ dưới thời Sir Alex thì người hâm mộ đội bóng này mới có quyền nói thế. Bởi đó là giai đoạn sơ khai trong cuộc lột xác của City nhưng là thời kỳ thống trị nước Anh tuyệt đối của United.
Sir Alex là người đi đầu và cũng thành công nhất với mô hình "Người quản lý" (Manager) chứ không đơn thuần là HLV (Coach) ở Ngoại hạng Anh. Với tầm tư duy của mình, chiến lược gia người Scotland quy tất cả đầu việc về một mối và thành công với cách thức "độc đoán" của mình.
Chỉ có biến United thành một phần của bản thân, Sir Alex mới có thể thành công đến thế suốt 27 năm trị vì. Arsene Wenger cùng Arsenal đã cố học theo nhưng không thể bắt kịp. Trên thực tế, không một đội bóng nào của thời hiện đại có thể bắt chước được Man United.
Đó là lý do Quỷ đỏ luôn tự hào về Sir Alex và mô hình độc nhất vô nhị này. Đương nhiên, từ trên cao nhìn sang Man City với những loay hoay trong việc dùng tiền mua đẳng cấp, Man United nhẹ nhàng cười mỉa cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng mấu chốt của mô hình trên chính là tầm vóc của người đứng đầu. Không một ai có đủ tố chất như Sir Alex, chí ít thì nhiều người tin như thế. Thế nên khi "Máy sấy tóc" nghỉ hưu, người ta mới nhận ra Man United thiếu sót nhiều như thế nào.
Quỷ đỏ không có nổi một GĐKT, người phụ trách mua sắm hiện tại lại là GĐĐH Ed Woodward - một doanh nhân đúng nghĩa. Cơ sở vật chất của sân tập Carrington thuộc tốp đầu thế giới, nhưng vẫn chẳng là gì so với tổ hợp thể thao trị giá cả trăm triệu bảng của City.
Tư duy của City thống nhất, khép kín từ trên xuống dưới, từ cách họ chọn GĐĐH, GĐKT đến HLV. Trong khi Man United cứ mải miết đi tìm một "Sir Alex thứ hai" - như cách mà họ kỳ vọng vào chất United của Ole Gunnar Solskjaer.
Solskjaer không thể là Sir Alex Ferguson thứ hai.
Thật vậy, người United đã sống quá lâu trong những ảo vọng kiểu như một đội hình có 8 hậu vệ vẫn có thể giành chiến thắng trước Arsenal. Quỷ đỏ mạnh tuyệt đối như vậy là vì hào quang của Sir Alex. Nhưng hãy tỉnh lại đi, Sir Alex đã nghỉ hưu và thời đại đó qua rồi.
Chính sự vĩ đại của Sir Alex khiến những người khác - những người kế vị, dù cố gắng đến đâu cũng trở nên tầm thường. Jose Mourinho là một ví dụ như vậy. Trong thời kỳ tái thiết sau đống đổ nát của Louis van Gaal, Mourinho đem về cho Man United 3 danh hiệu. Vậy nhưng ông vẫn bị coi là kẻ thất bại và bị buộc ra đi sau màn tranh đấu quyền lực không lại Paul Pogba.
2. Người ta hay nói về giá trị nhân văn tại Old Trafford, coi Sir Alex và "thế hệ 92" là biểu tượng sống cho lòng trung thành. Nhưng hãy nhìn Man United hiện tại đi, những cái tôi xấc láo, những thái độ kệch cỡm, những kẻ chỉ đá cho có lệ... nhiều vô kể. Tất cả là do cơ chế còn đầy lỗ hổng mà ra.
Không được như Pogba...
Trong khi đó, nhìn sang Man City, Pep Guardiola không nắm toàn bộ quyền lực trong tay nhưng là người có tiếng nói trực tiếp tới các cầu thủ. Chỉ cần Pep hắt hơi một cái, đến Sergio Aguero hay Benjamin Mendy cũng lên ghế dự bị mà ngồi. So về mặt kỷ luật, Man United không bì lại City một chút nào.
Và đó chính là kỹ năng quản trị nhân sự - điều mà Sir Alex đã làm quá tốt trong thời gian tại vị của mình. Cũng trong lúc Man United ôm đồm mọi đầu việc vào một cá nhân, City đã đổi mới. Họ có thất bại, có ê chề nhưng có tương lai. The Citizens chưa bao giờ ngừng làm mới mình và giờ là lúc thu về thành quả.
Trong buổi nhậm chức cách đây 3 năm, Guardiola chia sẻ chưa bao giờ nghĩ đến có ngày sẽ làm việc ở City. Đương nhiên, một siêu HLV như Pep chẳng đời nào để mắt tới City của quá khứ. Nhưng chính những dự án đầy hào hứng của nửa xanh thành Manchester đã thu hút được sự hiếu kỳ của Guardiola và mối lương duyên đã hình thành như vậy.
...Riyad Mahrez - cầu thủ đắt nhất của Man City chỉ có giá 60 triệu bảng Anh.
Man City có tiền và biết cách tiêu tiền đúng đắn, đó là thành quả của nhiều năm thử nghiệm. Người ta cứ mặc định City là gã "trọc phú" nhưng hãy nhìn xem, cầu thủ đắt giá nhất của họ là Riyad Mahrez chỉ có giá 60 triệu bảng, đãi ngộ lớn nhất của họ chỉ là Aguero với 250.000 bảng/tuần. Trong khi với United, các con số này lần lượt là 93 triệu bảng (Pogba) và 500.000 bảng/tuần (Alexis Sanchez).
Hiệu quả thì sao? Man City vượt trội, vẫn vững bước với mục tiêu "cú ăn 4" mùa này, trong khi United thậm chí còn chằng tự quyết định được một vị trí trong top 4. Ngẫm lại tất cả mọi chuyện, trách Sir Alex là sai nhưng trách Quỷ đỏ chậm tư duy thì hoàn toàn chính xác.
Đêm nay, khi cả nước Anh hướng về Old Trafford, sẽ là cuộc đấu của một nhà đương kim vô địch với một kẻ lắm tiền nhưng ngu ngốc. Và lần này, màu đỏ sẽ thay màu xanh đóng vai "trọc phú".