Quảng Ninh là tỉnh ở vị trí địa đầu Đông Bắc của Việt Nam với diện tích 6.102 km2, dân số 1,4 triệu người (số liệu năm 2019). Đây là tỉnh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài 132,8 km.
Không chỉ sở hữu nhiều mỏ than lớn cùng vịnh Hạ Long xinh đẹp, Quảng Ninh gây ấn tượng bởi việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng 2 chữ số trong 6 năm liên tục. Đây là mức tăng trưởng cao, ổn định nhất Việt Nam và cũng là con số mà cả thế giới ao ước. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vẫn tăng 10,285%, gấp gần 4 lần so với mức tăng chung của cả nước.
Tỷ trọng các ngành kinh tế cũng có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng phát triển ngành dịch vụ (tăng từ 39,8% năm 2010 lên 47% năm 2020). Ngành dịch vụ vốn được coi là thế mạnh của tỉnh nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Về công nghiệp dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh có định hướng rõ rệt "chuyển từ nâu sang xanh", thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên thì chuyển sang tăng cường công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Trong ảnh là trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với sự phát triển kinh tế, nguồn thu ngân sách của Quảng Ninh cũng tăng trưởng mạnh và thường xuyên đứng trong top 10 tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhất cả nước. Năm 2021, Quảng Ninh thu 51.000 tỷ và đặt mục tiêu thu 52.600 tỷ trong năm 2022. Trong ảnh là cầu Bãi Cháy dài 903 m, tổng mức đầu tư 2.140 tỷ đồng, nối liền 2 trung tâm kinh tế, văn hoá của Quảng Ninh là Hòn Gai và Bãi Cháy.
Với lợi thế đó, Quảng Ninh mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương. Trong ảnh là tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn ở thành phố Hạ Long. Tuyến đường dài 4,7 km, 6 làn xe, có giá trị 1.300 tỷ đồng.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong việc sử dụng ngân sách tỉnh để làm các dự án đường cao tốc thay vì phải chờ đợi ngân sách Trung Ương. Sắp tới, khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành, Quảng Ninh sẽ có tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 200km. Trong ảnh là đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đã được khánh thành ngày 30/12/ 2018.
Một công trình trọng điểm khác được khánh thành cùng ngày là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Đây là Cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam do Sun Group xây dựng với công suất 2,5 triệu khách và 10.000 tấn hàng hoá mỗi năm. Sân bay có đường băng dài 3,6 km, rộng 45 m, đủ tiêu chuẩn đón những máy bay tiên tiến nhất thế giới.
Với chủ trương "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", Nhà nước không trực tiếp làm những việc mà nhân dân, doanh nghiệp làm tốt hơn, Quảng Ninh đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Trong ảnh là Khu đô thị Vinhomes Dragon Hạ Long do Vingroup đầu tư bên đường bao biển do tỉnh Quảng Ninh xây dựng.
Với việc tham gia của các "đại bàng", bộ mặt thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đã thay đổi đáng kể với nhiều dự án tỷ đô. Trong ảnh là du thuyền năm sao đang cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam với khả năng đón các tàu lớn, du thuyền quốc tế siêu sang.
Các Khu đô thị với biệt thự ven biển đang dần tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố Hạ Long. Tháng 10/2021, "siêu dự án" Hạ Long xanh" của Vingroup đã được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 230.000 tỷ đồng, trên diện tích 4.000 ha. Trong ảnh là khu đô thị Sund Grand city Feria với 479 căn biệt thự trên diện tích hơn 20 ha.
Tháp đồng hồ 35 tỷ nằm tại ngã 5 giữa các đường lớn Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, 25/4 được xây dựng năm 2017 dần trở thành một biểu tượng của thành phố Hạ Long. Tháp đồng hồ cao 28 m, phần khung được làm từ 18 tấn thép, bên ngoài được bọc bằng kính cường lực màu vàng.
Cùng với sự phát triển của thành phố, dân cư dần đông đúc, việc hình thành các chung cư cao tầng trở thành điều tất yếu. Trong ảnh là chung cư Sapphire cao 31 tầng, nằm bên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn.
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh với ngoại thất màu đen cùng diện tích lên tới 24.000 m2 nổi bật giữa trung tâm Quảng trường 30/10. Bảo tàng được khánh thành năm 2013 với 3 tầng, trưng bày 20.000 hiện vật gốc, tiêu biểu gắn với lịch sử tỉnh Quảng Ninh từ thời tiền sử đến ngày nay.
Là tỉnh duy nhất của cả nước có 4 thành phố trực thuộc tỉnh. Bên cạnh Hạ Long là đô thị loại 1, tỉnh này còn có thành phố Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí là đô thị loại 2. Trong đó, Quảng Ninh đang tập trung phát triển Móng Cái. Đây là thành phố biên giới, cửa ngõ giao thương với Trung Quốc.
Sau khi thông xe cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thời gian đi từ Hà Nội đến thành phố vùng biên này chỉ còn 3 giờ thay vì 6 giờ như trước đây. Bên cạnh đó, dự án cảng Vạn Ninh cũng đang được xây dựng. Sau khi hoàn thành, giá thành vận chuyển hàng hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu khu vực cửa khẩu Móng Cái sẽ giảm chỉ còn 1/2 so với đường bộ, giúp tăng sức hút cho hàng hóa xuất nhập đối với cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng.
Tận dụng lợi thế có các bãi biển đẹp ở Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Trà Cổ..., năm 2019, tỉnh Quảng Ninh thu hút tới 14 triệu lượt khách du lịch, gấp hơn 10 lần dân số toàn tỉnh, thu hơn 29.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các bãi biển, Hạ Long còn có nhiều điểm đến thú vị. Tổ hợp giải trí Sun World Hạ Long Complex với hệ thống cáp treo vượt biển, công viên Dragon Park và công viên nước lớn nhất Đông Nam Á không chỉ là điểm đến vui chơi của người dân Hạ Long mà con thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Quảng Ninh còn tận dụng nguồn suối nước nóng sẵn có để xây dựng nên một khu tắm suối nước nóng chuẩn Nhật Bản tại Quang Hanh (Cẩm Phả), giúp du khách thư giãn, phục hồi sức khoẻ, đặc biệt là trong mùa đông.
Quảng Ninh còn có nhiều đền, chùa, cơ sở tôn giáo nổi tiếng như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, đình Trà Cổ... Trong ảnh là chùa Cái Bầu (Vân Đồn) rộng hơn 6.000m2 nằm bên bờ biển.
Không những thế, Quảng Ninh còn phát triển các lễ hội truyền thống thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn như lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội hoa Sở Bình Liêu, lễ hội Bạch Đằng...
Quảng Ninh cũng tổ chức thêm các lễ hội, carnaval sôi động giúp du lịch biến Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung thành cục nam châm thu hút khách du lịch. Hiện ngành du lịch của Quảng Ninh đang bị ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 nhưng với tiềm năng và sức mạnh sẵn có, ngành "công nghiệp không khói" này có thể nhanh chóng hồi phục sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Về công nghiệp và xây dựng, ngành khai khoáng trong đó chủ lực là khai thác than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh (chiến 17,8%). Năm 2021, ngành khai khoáng tăng trưởng 6%, thấp hơn năm 2020 do nhu cầu than giảm và sự khó khăn trong việc huy động nhân công.
Sản lượng than sạch đạt 47,6 triệu tấn và đóng góp tới 36% vào nguồn thu ngân sách nội địa. Đời sống công nhân được đảm bảo với thu nhập trung bình 13 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh là công nhân khai thác tại mỏ than Thống Nhất (Cẩm Phả).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng nhất của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2021 khi tăng trưởng gần 32%, đóng góp tới 3,3 % vào tốc độ tăng GRDP với hàng loạt nhà máy sản xuất sản phẩm mới như tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp. Trong ảnh là công nhân đang sản xuất tại công ty Texhong Ngân Long (Móng Cái - Quảng Ninh).
Tận dụng lợi thế có vùng biển rộng, ngư dân Quảng Ninh đã thành lập đội tàu lên đến hơn 8.000 chiếc, khai thác hơn 74.550 tấn thuỷ hải sản trong năm 2021; trong đó có nhiều món ngon như mực, tôm, cua, ghẹ, bề bề, sá sùng...
Ngư dân tỉnh Quảng Ninh nuôi trồng trên 21.000 ha mặt nước, thu 80.000 tấn hải sản mỗi năm. Nhiều làng chài, lồng bè còn trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Trong ảnh là một làng chài ở Vân Đồn.
Với những thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh đạt 172,95 triệu đồng/năm (cao thứ 2 cả nước), đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Thành quả này chứng minh sự thành công của Quảng Ninh khi hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh. Trong ảnh là một cô gái tạo dáng ở vườn cúc hoạ my bên hồ Yên Trung (thành phố Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh).
Ngành giáo dục của Quảng Ninh cũng có bước phát triển mạnh khi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm tốt nghiệp trung bình là 6,314, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 14 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, học sinh Nguyễn Hoàng Khánh của trường THPT Bạch Đằng đã giành giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21.
Bài: Việt Hùng - Hoàng Tùng. Thiết kế: Nhật Tuệ