Không dễ để tìm những cái tên tài năng, tâm huyết, có ảnh hưởng lớn trong xã hội vào VFF - Ảnh: MINH HOÀNG
Nhiệm kỳ VFF khóa 8 (2018 - 2022) đã giúp bóng đá Việt Nam gặt hái được rất nhiều thành công. Làm sao để có thể tìm kiếm được nhân tài, đưa bóng đá Việt Nam tiếp tục "cất cánh", thực hiện được nhiều mục tiêu cao hơn là điều không đơn giản.
Ứng viên phải được ít nhất 2 tổ chức thành viên giới thiệu
VFF có 81 tổ chức thành viên, mới đây nhất đơn vị này đã tạm đình chỉ tư cách với 7 thành viên bởi không hoàn thành nghĩa vụ là Liên đoàn Bóng đá tỉnh Kon Tum, CLB Than Quảng Ninh, CLB An Giang, CLB Bến Tre, CLB Cà Mau, CLB Ximăng Fico Tây Ninh, CLB futsal Sanna Khánh Hòa. Trong thời gian tạm đình chỉ, 7 thành viên này không được tham gia đề cử, bầu cử, biểu quyết...
Như vậy 74 thành viên còn lại đủ tư cách để tham gia đề cử, bầu cử tại Đại hội VFF khóa 9 tới đây. Ngày 6-8 vừa qua, VFF đã gửi đề án nhân sự Đại hội VFF khóa 9 đến các tổ chức thành viên. Đồng thời yêu cầu các tổ chức thành viên giới thiệu ứng viên tham gia vào ban chấp hành, nắm giữ các vị trí chủ chốt của VFF khóa 9.
Cụ thể, theo đề án nhân sự Đại hội VFF khóa 9, đại hội sẽ bầu ra 17 ủy viên ban chấp hành, trong đó có: 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch (phụ trách tài chính, chuyên môn, truyền thông - đối ngoại) và 13 ủy viên. Mỗi tổ chức thành viên có quyền đề cử tối đa 17 ứng viên tham gia ban chấp hành VFF khóa 9.
Mỗi ứng viên tham gia ứng cử phải được ít nhất 2 tổ chức thành viên giới thiệu bằng văn bản. Sau khi đề cử, tổ chức thành viên phải liên hệ và nhận được sự đồng ý tham gia ứng cử của người được đề cử thì mới gửi danh sách đến VFF. Ngày 6-9-2022 là hạn cuối cùng để các tổ chức thành viên gửi danh sách đề cử đến VFF.
Cần một êkip mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-8, nhiều tổ chức thành viên của VFF cho biết đang bàn bạc để đi đến quyết định giới thiệu ứng viên nào tham gia ứng cử vào ban chấp hành và các vị trí chủ chốt của VFF khóa 9.
Ông Cao Tiến Đoan - chủ tịch CLB Thanh Hóa, ông Bùi Xuân Hòa - giám đốc điều hành CLB SHB Đà Nẵng, ông Văn Trần Hoàn - chủ tịch CLB Hải Phòng, lãnh đạo CLB Becamex Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai... cho biết đang cân nhắc và sẽ có những bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đưa ra danh sách đề cử gửi VFF.
Chủ tịch một CLB tại V-League cho biết nhìn vào nhiệm kỳ 8 thì thấy mọi thứ "êm xuôi" nhưng giới thiệu nhân sự cho khóa 9 lại không dễ dàng gì. Nếu không có một êkip mạnh, đoàn kết thì bóng đá Việt Nam khó duy trì được thành tích hiện tại chứ chưa nói đến các mục tiêu cao hơn. Khi bóng đá không có thành tích, tiền không có và lúc đó lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
Chờ những ứng viên "bom tấn" ở vị trí phó chủ tịch tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên ban chấp hành VFF khóa 8 nói: "Qua thăm dò tôi được biết sẽ có nhiều tổ chức thành viên đề cử ông Trần Quốc Tuấn (quyền chủ tịch VFF khóa 8) vào ban chấp hành và giữ chức danh chủ tịch VFF khóa 9. Ông Tuấn là người có năng lực, kinh nghiệm quản lý VFF và cả khả năng quan hệ quốc tế. Dù vậy cái tôi quan tâm nhất chính là ứng viên vị trí phó chủ tịch tài chính là ai.
Chúng tôi rất muốn VFF khóa 9 phải mời được những doanh nhân lẫy lừng cỡ như ông Lê Hùng Dũng (cố chủ tịch VFF khóa 7, từng giữ chức vụ chủ tịch Eximbank, SJC), ông Đoàn Nguyên Đức (phó chủ tịch tài chính VFF khóa 7, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai)... Những năm qua vì thành tích tốt của đội tuyển quốc gia và U23 mà tiền của xã hội đổ vào tài trợ cho VFF rất nhiều. Thế nhưng 4 năm tới, làm sao để duy trì được thành tích hiện tại và nhất là thực hiện mục tiêu giành vé đến World Cup 2026. Nếu không có những doanh nhân tầm cỡ, đam mê và quyết liệt với bóng đá thì lúc khó khăn, cần sự đầu tư và quyết định táo bạo rất khó".