Tiền đâu nuôi V.League 2018?

Đình Thảo |

Toyota khép lại gói tài trợ 3 năm cho V.League, VPF giờ đang phải chạy đua với thời gian để có được các gói tài trợ cho mùa giải mới. Dĩ nhiên, áp lực và gánh nặng đang dồn lên vai nhiệm kỳ khóa 3 của tân Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú...

Nhiệm kỳ 2: Chi nhiều hơn thu

Nhìn vào những con số thực tế từ bản báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2 của VPF trong vòng 4 năm từ 2014 tới 2017 dễ dàng nhận ra việc VPF đã bỏ ra chi phí nhiều hơn con số thu về.

Doanh thu đặt ra của VPF trong thời gian từ 2014 tới 2017 là 429 tỉ đồng và chi phí là 421 tỉ đồng. Đây là con số tiêu chuẩn được đặt ra ở nhiệm kỳ 2. Dĩ nhiên con số thu về sẽ lớn hơn chi phí. Tuy vậy, khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 3.12.2017 thì con số thu về nhỏ hơn doanh thu đề ra khá nhiều. Sau 4 năm VPF chỉ thu được 395,8 tỉ đồng, đạt 92% kế hoạch đề ra nhưng chi phí lại là 397 tỉ đồng, cao hơn con số thu về.

Như vậy đồng nghĩa với việc VPF nhiệm kỳ 2 thua lỗ về tài chính, dù rằng con số là không đáng kể, chỉ hơn 1 tỉ đồng. Nhưng điều này cho thấy VPF đang không có được chiến lược đúng đắn trong việc kêu gọi tài trợ cũng như sử dụng nguồn tài trợ hợp lý nhất, để dẫn tới việc chi phí tổ chức giải lại cao hơn con số thu về, nhất là với một đơn vị đã có 5 năm tổ chức, quản lý các giải chuyên nghiệp.

Một điều đáng nói nữa là số tiền trên VPF vẫn chưa thể thu về đúng với con số 395,8 tỉ đồng mà thực tế số tiền thu về mới chỉ đạt 58,9 % khi nhiệm kỳ 2 đã kết thúc và năm 2017 cũng sắp khép lại. Thậm chí số tiền thu về trong năm 2017 là 112 tỉ đồng, con số này còn giảm hơn 65 tỉ so với 177 tỉ của năm 2016.

Nhìn vào nguồn tài chính của VPF thời gian qua cho thấy đơn vị này phụ thuộc rất nhiều vào nhà tài trợ Toyota (Toyota tài trợ cho V.League 120 tỉ trong 3 mùa, mỗi mùa 40 tỉ đồng), chiếm gần 30% số tiền thu về của VPF ở nhiệm kỳ 2.

Nặng gánh lo kiếm tiền

Ông Trần Anh Tú đã chính thức thay ông Võ Quốc Thắng đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 3 từ năm 2017-2020. Tất nhiên, nhiệm vụ đầu tiên và cũng là thách thức lớn nhất của Tân chủ tịch VPF là kiếm tiền tài trợ để V.League 2018 khởi tranh đúng kế hoạch.

"Khó khăn ban đầu, đó là nhà tài trợ Toyota đã rút lui sau khi hết 3 năm hợp đồng, vậy nên kiếm tìm tài trợ đang là vấn đề phải được quan tâm nhất. Trong thời điểm V.League 2018 chỉ còn ít tháng nữa là khởi tranh, tôi ưu tiên hàng đầu cho việc tìm các nhà tài trợ. 

Trước mắt đã có một số đối tác cũng đã đánh tiếng để đồng hành cho giải đấu ở mùa giải tới và tôi sẽ làm việc trong thời gian sớm nhất để giải quyết bài toán tài chính. Giờ thì chúng tôi phải chạy đua với thời gian" - ông Trần Anh Tú chia sẻ.

Áp lực tìm tiền cho VPF cũng như lo cho các giải đấu chuyên nghiệp gần như khiến ông Tú phải "hy sinh" mọi việc để tập trung cho mục tiêu tài chính. "Trước mắt tôi sẽ toàn tâm toàn lực để đảm bảo làm tốt nhiệm vụ ở VPF. 

Hầu hết công việc khác tại LĐBĐ Việt Nam, LĐBĐ TPHCM hay futsal đều đã vận hành trơn tru rồi nên cũng không cần bận tâm nhiều. Ưu tiên số 1 là nhiệm vụ mới ở VPF" - tân Chủ tịch VPF khẳng định.

Dẫu vậy, ông Tú cũng cho rằng, việc tìm kiếm một nhà tài trợ xứng tầm với giải đấu là một điều không hề dễ dàng. Ông Tú cho hay, các công ty của doanh nhân này cũng nhiều năm đứng ra làm nhà tài trợ cho các giải trẻ, bóng đá nữ Việt Nam và futsal nhưng "V.League ở một đẳng cấp và cái tầm khác nên tìm kiếm tài trợ không hề dễ dàng một chút nào".

Rõ ràng, người cầm lái của VPF cũng đang cảm thấy áp lực cũng như thách thức khi tiếp nhận vị trí này mà bài toán khó nhất là tài chính.

VPF ở tuổi lên 5 đã làm được nhiều khi đứng ra quản lý, điều hành V.League, hạng Nhất và Cúp QG, nhưng nhìn lại thì phải thấy buồn, khi vẫn vật vã với "bài toán… đầu tiên".

Theo ông Trần Anh Tú: Thời gian tới VPF sẽ có văn bản đề xuất với VFF chuyển Ban kỷ luật và Ban trọng tài sang VPF. Đây cũng là xu thế chung của bóng đá quốc tế khi các ban chuyên môn này thường nằm trong BTC để thuận lợi cho công việc điều hành và tổ chức giải đấu.

Về những con số trong báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2, ông Trần Anh Tú cho rằng, những con số đó là hoàn toàn hợp lý chứ không có chuyện VPF nhiệm kỳ trước "tiêu hoang": "Việc chi phí tổ chức giải cao hơn chi phí giải thưởng là điều bình thường, không có gì phải lấn cấn…"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại