ế Dung ơiiii! Bế con!". Tiếng bé Thu Uyên lảnh lót trong veo giữa một trưa đầy nắng tháng Ba. Tóc lúc lắc buộc hai bên, nụ cười sun sún, cô bé ngồi chơi giữa nhà, gặp người lạ đến liền chạy đi tìm mẹ. Tôi hơi ngẩn ra vì nhìn cô bé giống hệt mẹ lúc chưa xảy ra biến cố.
Thu Uyên là con gái của bà mẹ trẻ 23 tuổi Nguyễn Thùy Dung - người phụ nữ bất hạnh trong vụ án bị chồng tạt xăng đốt suýt chết cách đây hơn một năm tại Thạch Thất, Hà Nội. Tất cả những gì còn lại là một cơ thể méo mó, chằng chịt sẹo, thậm chí không còn tai và mũi, đầy tổn thương ám ảnh cả trong tâm hồn lẫn diện mạo. Nhưng Dung đã chiến đấu kiên cường, tự mình giành lại sự sống sau 17 ngày hôn mê tưởng chừng vĩnh viễn không còn mở mắt trên giường cấp cứu, bị bác sĩ trả về 3 lần với 1% hi vọng. 1% ấy đã mang Dung tới một cuộc sống hoàn toàn khác, với những ca phẫu thuật liên tiếp, đau đớn, nước mắt, buông xuôi, tiếc nuối khắc khoải, và cả khát vọng tái sinh mãnh liệt.
Nguyễn Thuỳ Dung
Nhà Dung nằm ở huyện ngoại thành nên đường khá xa và ngoắt ngoéo. Đi dọc đường tỉnh lộ 419, tới gần chùa Tây Phương có một lối nhỏ xuyên qua làng dẫn tới nhà Dung, nằm sâu trong con ngõ bé tí giữa xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất. Tôi rất ấn tượng với con đường ấy, bởi mọi thứ đều cổ xưa, thanh bình, với những căn nhà, giếng nước cũ xây toàn bằng đá ong. Đâu đâu cũng đá ong, lấp lánh trong nắng.
Rẽ vào con ngõ gập ghềnh nằm giữa hai cái ao be bé, tôi hỏi nhà Dung, quả nhiên dân làng ai cũng biết.
- À, "Dung bỏng" phải không. Theo cô qua thăm nó luôn, mấy nay nó ở nhà suốt.
- Từ ngày nó lên báo, làng này toàn khách đến hỏi Dung thôi!
Căn nhà nghiêng nghiêng cuối ngõ, hơi lúp xúp cũ kỹ, khói bếp len lỏi từng sợi trắng đục xuyên qua cái mái gạch đầy rêu, chắc mẹ Dung đang nấu cơm trưa. Trong nhà vắng vẻ, im lìm. Chỉ có bé Uyên ngồi chơi một mình dưới sàn. Vài chiếc ghế nhựa bạc màu, cái tủ gỗ từ thời nào chẳng biết, căn nhà đơn sơ tuềnh toàng có mỗi một phòng, đứng ở cửa nhìn vào là thấy hết mọi thứ.
Tôi cất tiếng gọi, Dung lật đật chạy ra đón, em cười gượng gạo sau lớp sẹo dày chi chít trên mặt, dù vậy tôi vẫn thấy nét vui mừng hạnh phúc trong mắt em. Đôi mắt là bộ phận duy nhất trên khuôn mặt Dung được che chắn khi ngọn lửa bùng lên biến cô thành ngọn đuốc sống, còn lại, đều bị hủy hoại ít nhiều.
"Bọn trẻ hàng xóm từng rất sợ, khóc ré lên khi trông thấy em. Em cũng không dám ra ngoài, bởi che chắn cẩn thận rồi thì vẫn không che hết được phần tay co quắp đầy sẹo. Trước khi phẫu thuật mặt, mắt em còn bị kéo xuống, ngủ không khép được mi, khổ lắm, muốn khóc cũng không thể".
Hơn một năm qua đi nhưng nỗi đau và sự kinh hoàng vẫn còn nguyên trên thân thể Dung, bằng chứng sống cho sự u mê dại dột của con người khi ghen tuông phi lý. Người mẹ trẻ bị tước đoạt cuộc đời một cách nhẫn tâm, khi tỉnh dậy với hàng chục cân vải băng trên người, Dung đã nghĩ đến cái chết đầu tiên. Thà chết đi để không phải chịu đựng đau đớn giày vò, thà nhắm mắt mãi mãi để người thân không phải chứng kiến mình tật nguyền xấu xí, rồi khóc thương.
Nhưng cuối cùng, sau những tháng ngày cô đơn buồn tủi trong bệnh viện, ăn ngủ cùng nhiều bệnh nhân khác, được các nhà hảo tâm ủng hộ động viên, Dung đã dần lạc quan hơn và nghĩ đến chuyện xây dựng lại cuộc sống mới. Từ việc không thể cầm nắm thứ gì, rửa mặt, tắm giặt, thay quần áo đều phải có người giúp, giờ đây Dung đã tự xúc cơm ăn, cầm khăn lau mặt, nhắn tin điện thoại với mọi người, cười nhiều hơn và chơi đùa với con cả ngày, dạy con học chữ, kể chuyện cho con nghe.
Bé Uyên rất hiếu động, nhưng cũng khá ngoan, quấn quýt mẹ. Đó là điều khiến Dung hạnh phúc nhất, may mắn là con gái lớn nhận ra mẹ, dù gương mặt của cô đã biến dạng hoàn toàn. Có người lạ, Uyên cười rất nhiều nhưng không nói chữ nào, đến tối chỉ có hai mẹ con ngủ cùng nhau, bé mới líu lo không ngừng nghỉ, hỏi đủ thứ trên đời, hoặc lấy đồ bác sĩ ra giả bộ khám cho mẹ. Đôi khi ôm con ngủ ngon lành trong tay, Dung vẫn chưa tin là mình được con gái chấp nhận ngoại hình xấu xí, còn được bé yêu thương hơn trước rất nhiều. Êm đềm, bình yên, ấm áp. Có lẽ cô bé 4 tuổi sâu sắc hơn những gì chúng ta tưởng. Chỉ tiếc rằng, con gái út Ngọc Anh lại không nhận ra Dung. Có nỗi đau nào lớn bằng việc nhìn thấy con mình khóc thét khi thấy mẹ...
Bà Phí Thị Duyên - mẹ đẻ của Dung đã phải nghỉ hết công việc đồng áng để chăm sóc con gái trong bệnh viện suốt hơn một năm qua. Bố mất từ khi Dung mới 9 tuổi, trong nhà còn một người bác và cụ bà, quanh ra quanh vào giờ chỉ có 4 người phụ nữ với nhau, những góc tường ẩm mốc đã chứng kiến hết tất cả khó khăn cực nhọc mà họ đã trải qua suốt bao tháng năm. Tới khi Dung lấy chồng, sinh được hai mụn con gái, ngôi nhà cuối ngõ mới thỉnh thoảng có thêm tiếng cười trẻ thơ. Dù bất hạnh cứ nối tiếp nhau ập xuống, họ vẫn dìu dắt nhau qua hết chông gai, tự biến mình thành những người phụ nữ kiên cường đến lạ.
Cái ngày định mệnh Dung gặp nạn, bác ruột của cô vẫn chưa quên cảm giác sợ hãi rằng sẽ mất đứa cháu gái mãi mãi. "Lúc cháu bị nạn, tôi đang ở trong miền Nam, mãi mới ra ngoài này được. Lúc tôi đi cháu còn tươi tắn khỏe mạnh, trở về đã thấy bất động hôn mê. Thương cháu trào nước mắt, chỉ biết cầu nguyện bình an. May mắn là cháu đã sống lại".
Chú hàng xóm sát vách cũng gật đầu: "Ngày trước con mế Duyên là xinh gái nhất xóm, từ đầu làng đến cuối ngõ ai cũng biết. Xảy ra chuyện đột ngột ai cũng bất ngờ, nhìn thấy cháu thành ra như vậy ai cũng thương, nhưng chỉ có thể thăm hỏi động viên, giúp được gì thì giúp, chứ cũng biết là khó chữa lại lành lặn như xưa. Thử hỏi làm gì có ai chịu đựng được nỗi đau lớn như thế?".
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, có vài người dân hiếu kỳ đã kéo đến vây kín quanh cửa chính cửa sổ. Họ chỉ trỏ xì xào gì đó tôi nghe không rõ, nhưng tôi quan sát Dung rất kỹ, nhận ra nét bình thản trong mắt em, mọi cử chỉ đều bình tĩnh nhẹ nhàng, không hề bộc lộ tâm trạng hoang mang khó chịu. Có lẽ cô biết rằng hàng xóm láng giềng đều yêu thương mình, họ ái ngại cho tình cảnh của cô, có ai hơi đâu mà chê bai nói xấu.
Có lẽ quá khứ đã trôi mất rồi, thì nên thuận theo tự nhiên, điều quan trọng chính là hiện tại. Tôi không gợi nhắc nhiều đến nỗi buồn Dung đã từng trải qua, bởi chính cô gái này cũng rất hào hứng kể cho tôi nghe những chuyện rất khác, đầy màu sắc vui vẻ, về cuộc sống mà cô đang tự mình xây lại.
Được người quen giúp đỡ bán hàng online, từ chiếc áo mưa đến đồ dùng gia đình, Dung rất cố gắng để có thể tự mình kiếm thêm tiền, bởi với hoàn cảnh hiện tại, sinh hoạt cá nhân còn khó khăn và các ca phẫu thuật vẫn chờ đợi trước mắt, cô không thể làm việc như xưa nữa. Khoản ngân quỹ ủng hộ cũng đang dần cạn, tất cả đều dùng để chi trả cho các ca mổ tái tạo khuôn mặt, tay trong năm 2016, nên mẹ con Dung luôn trăn trở nghĩ cách kiếm sống.
Tôi rất thương Dung, và tôi biết cô ấy đang chiến đấu với số phận bằng chính cơ thể tật nguyền của mình một cách đáng ngưỡng mộ. Mẹ Dung rơi nước mắt tâm sự với tôi rằng: "Làm mẹ, đau thương nhất là khi con gái nói với mình là ‘Mẹ ơi, con không thể làm người được nữa rồi!’ Tôi chỉ có duy nhất đứa con này, tài sản lớn nhất cuộc đời tôi, nếu một mai tôi không còn trên đời nữa, cháu nó sẽ ra sao?". Đáp lại câu hỏi ấy là nụ cười méo mó đầy tình cảm ấm áp của Dung, cô hứa với mẹ sẽ sống thật tốt, chuyện xảy ra không ai biết trước, nhưng cô đã thấu hiểu nhiều điều, cô sẽ tìm mọi cách để trở lại được như xưa, ít nhiều gì cũng khôi phục lại gương mặt cho bớt sẹo, rồi làm việc chăm chỉ để nuôi bé Uyên và bé Ngọc Anh.
Đã có những vị khách đầu tiên ủng hộ Dung bán hàng, dù người mẹ trẻ đã quay lại bệnh viện để tiếp tục chữa trị di chứng trên cơ thể. Trời giao mùa vẫn còn hơi lành lạnh, nhưng cả ngày cả tuần cô gái trẻ chỉ mặc quần đùi áo phông cộc, vì mặc đồ dày, dài sẽ rất ngứa. Trận thiêu sống đã khiến em mất đi cảm giác mang tên "lạnh", lúc nào cũng thấy nóng hơn người bình thường. Lần gần nhất, bác sĩ đã lấy da đùi, bẹn để vi phẫu mặt, che sẹo cho Dung, nên cô đi lại hơi khó khăn, còng cả lưng vì đau đớn, đêm mất ngủ vì quá đau. Nhưng Dung không hề khóc, cũng không than vãn với mẹ hay bất kỳ ai.
Mỗi lúc lên mạng đọc tin tức, xem linh tinh, Dung rất thích những cô gái xinh đẹp, nhìn họ thật tươi tắn, đầy sức sống. Cách đây không lâu, em cũng từng được như vậy, ít ra, em có thân thể lành lặn giống họ và dung nhan xinh đẹp nức tiếng một vùng. Nhìn lại mình của hiện tại, so với bức ảnh cưới trước đây, Dung thở dài.
Chặng đường tìm lại hình hài cũ còn rất dài và mông lung, nhưng cô sẽ không bỏ cuộc. Người chồng tàn ác đã phải trả giá bằng bản án đã tuyên vừa mới đây, cũng xoa dịu phần nào giúp Dung tin tưởng hơn vào cuộc sống.
Những vết sẹo trên người Dung cứ bong ra liên tục, trắng lốm đốm như nấm mọc trên gỗ ẩm. Cả người cô bây giờ là những mảng màu chắp vá, trắng, nâu đen, đỏ, hồng… và cả những vết xước, vì lúc nào cô cũng thấy ngứa như kiến bò khắp cơ thể, gãi đến bật cả máu. Bàn tay xù xì, cứng ngắc, móng tay dày cộm nâu xỉn vì bị đốt cháy, không thể mọc lại. Một bên tai "biến mất" khiến Dung không thể đeo khẩu trang, phải nuôi tóc dài che đi.
Thật khó khăn để một người phụ nữ trẻ đang xinh đẹp lại trông thấy mình thay đổi hoàn toàn như thế, song Dung đã mạnh mẽ vượt qua mặc cảm chính mình, truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ, nhất là những người phải chịu đựng cảnh bị chồng bạo hành, tệ bạc.
Những vết sẹo lằn trên cơ thể vốn trắng trẻo mịn màng ấy là thứ chưa bao giờ Dung muốn, nhưng cô đã học cách chấp nhận chúng. Bởi sau tất cả những biến cố bên ngoài và trong tâm can, Dung đã hiểu mình phải sống mạnh mẽ. Phải như thế thì mới chiến thắng được số phận nghiệt ngã. Vì còn 2 đứa con gái bé bỏng, còn mẹ già, còn cả tương lai phía trước. Cô mới 23 tuổi thôi...