Thương vụ kỳ lạ của người Trung Quốc và hiểm họa với CLB 7 lần vô địch Champions League

Thừa Phong |

Những ngày giữa tháng 4/2017 chứng kiến một sự kiện lớn trong làng bóng đá. AC Milan chính thức thuộc về tay Rossoneri Sport Investment Lux (tên một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc).

Cuộc chinh phục của người Trung Quốc

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chuyển giao từ khá lâu, các Milanista vẫn không khỏi cảm thấy hụt hẫng. Triều đại của Berlusconi ngập tràn vinh quang đã chính thức khép lại.

Trên thực tế, cựu Thủ tướng Italia cùng gia đình đã manh nha ý định bán Milan từ lâu. Sau chức vô địch Champions League 2006/07, Rossoneri dần chia tay các trụ cột. Cùng lúc, tập đoàn Finivest của nhà Berlusconi - đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần AC Milan - liên tục thua lỗ.

Thương vụ kỳ lạ của người Trung Quốc và hiểm họa với CLB 7 lần vô địch Champions League - Ảnh 1.

5/7 danh hiệu vô địch Champions League/C1 của Milan đến ở kỷ nguyên Berlusconi.

Năm 2009, các CĐV bàng hoàng khi biết tin ngôi sao sáng nhất Kaka dứt áo ra đi. Mọi chuyện được cải thiện đôi chút vào mùa giải 2010/11. Milan đưa về Ibrahimovic, Robinho, Cassano và Boateng.

Thương vụ kỳ lạ của người Trung Quốc và hiểm họa với CLB 7 lần vô địch Champions League - Ảnh 2.

Galliani, cựu giám đốc điều hành của Milan, từng đi khắp nơi tìm cầu thủ trong tình trạng "không một xu dính túi".

Nhưng chức vô địch Serie A năm ấy là điểm sáng cuối cùng trước khi Rossoneri rơi xuống vực thẳm. Mùa hè 2012, Milan bán 2 trụ cột Ibra - Thiago Silva cho PSG. Giấc mơ phục sinh chấm dứt, sân San Siro liên tục phải đón nhận những tin tức buồn.

Năm này qua năm khác, các thông tin chuyển nhượng liên quan đến Milan hầu hết là miễn phí, hỏi mượn, mượn kèm điều khoản mua đứt hoặc mua trả chậm trong thời gian dài. Đến mức có thời điểm, người ta còn xây được cả một đội hình giá 0 đồng cho Rossoneri.

Berlusconi không thể vung tiền như xưa. Ông chọn cách tìm cho CLB một chủ sở hữu mới. Trước khi người Trung Quốc xuất hiện, suýt nữa Milan đã thuộc về nhà tài phiệt đến từ Thái Lan Bee Taechaubol.

Tháng 8/2016, một nhóm các nhà đầu tư từ quốc gia đông dân nhất thế giới chính thức đặt vấn đề với Berlusconi. 15 triệu euro đầu tiên được chuyển vào tài khoản Finivest, cuộc mua bán bắt đầu.

Rất nhiều điều khoản chằng chịt về số tiền đầu tư, các khoản nợ được bàn đi tính lại. Những vụ rút lui bất ngờ của một số nhà đầu tư có lúc khiến thương vụ gần như đổ bể. Ngày đàm phán liên tục bị dời lại.

Doanh nhân Yonghong Li - thủ lĩnh của Rossoneri Sport Investment Lux - chạy đôn chạy đáo khắp nơi để huy động cho đủ số tiền đặt cọc. 100 triệu, 200 triệu, 220 triệu, 250 triệu rồi 610 triệu, sau gần một năm người Trung Quốc cuối cùng đã đáp ứng yêu cầu từ Berlusconi.

Cái giá cuối cùng cho thương vụ mua lại Milan là 786 triệu euro, cộng thêm khoản nợ 234 triệu euro nữa. Hình ảnh Yonghong Li cầm chiếc áo sọc đỏ-đen mang số 1 giống như lời thông báo với toàn thế giới: Milan đã đổi chủ.

Thương vụ kỳ lạ của người Trung Quốc và hiểm họa với CLB 7 lần vô địch Champions League - Ảnh 3.

Ông Yonghong Li (giữa) là tân chủ tịch AC Milan.

Hiểm họa với AC Milan

Người Trung Quốc từ lâu đã đầu tư vào bóng đá châu Âu. Nhưng có vẻ như, họ chưa thực sự "mát tay" lắm.

Tại Anh, China Media Capital và CITIC Capital nắm 13% cổ phần City Football Group, tập đoàn mẹ của Man City. Tuy nhiên, dấu ấn họ để lại không thật sự ấn tượng. Man City hầu như vẫn là "đồ chơi" của tỉ phú người UAE Sheikh Mansour.

Một số đội bóng khác như West Brom, Aston Villa, Wolves, Birmingham cũng chưa hưởng lợi nhiều dù nhận được nhiều lời hứa hẹn từ các ông chủ Trung Quốc.

Tình hình ở Pháp cũng không khá hơn nhiều. Sau khi bán cổ phẩn, Sochaux, Auxerre, Lyon vẫn đang mỏi mắt chờ các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc. Chỉ có Nice là "tốt số" nhất. CLB này hiện vẫn trong cuộc đua giành chức vô địch Ligue 1 và chiếc vé dự Champions League.

Trên đất TBN, Espanyol và Granada đều đang khủng hoảng trầm trọng dưới triều đại của các ông chủ Trung Quốc. Atletico Madrid cũng có liên hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới. 20% của đội bóng nửa đỏ thành Madrid nằm trong tay tập đoàn Wanda.

Thương vụ kỳ lạ của người Trung Quốc và hiểm họa với CLB 7 lần vô địch Champions League - Ảnh 4.

Thông qua Wanda, Atletico Madrid hướng tới thị trường Trung Quốc.

Dù vậy, xét về mặt tiền bạc, Atletico không chỉ thua Barca, Real mà còn kém hấp dẫn hơn một số CLB tại Premier League. Vậy nên, các ngôi sao của họ có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Inter Milan là trường hợp được người Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ nhất. Tập đoàn Suning Commerce Group Ltd đã ném 154 triệu euro ở 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất nhằm giúp Nerazzurri "lột xác".

Tuy vậy, Inter vẫn chưa thực sự ổn định. Họ cần phải thêm một vài mùa giải nữa trước khi trở lại là một trong các CLB hàng đầu Serie A và châu lục.

Thương vụ kỳ lạ của người Trung Quốc và hiểm họa với CLB 7 lần vô địch Champions League - Ảnh 5.

Inter Milan hiện thuộc về người Trung Quốc.

Chứng kiến những tấm gương trên, các CĐV Milan tỏ ra khá dè dặt. Họ sợ rằng những lời hứa sẽ bị bỏ quên, những khoản đầu tư khổng lồ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện và đội bóng không thể trở lại thời kỳ vinh quang.

Tất nhiên, mọi chuyện diễn biến ra sao, tương lai mới có câu trả lời. Chỉ biết rằng lúc này, Milan - kẻ từng khiến Real, Bayern, Barca phải rên xiết - đang thực sự chơi vơi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại