Đã 6 trận đấu trôi qua tại vòng loại 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa có được điểm số nào. Đành rằng ngay từ khi kết thúc vòng loại thứ 2 và có lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào đến vòng đấu này, đã chẳng có nhiều kỳ vọng cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo.
Không gây được bất ngờ thì cũng chẳng vấn đề gì, nhưng những trận thua liên tiếp này đang "cài số lùi" cho thứ bậc của đội tuyển Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA. Từ vị trí thứ 92 thế giới, giờ đây đội gần như đã bật ra khỏi top 100 thế giới sau 1084 ngày sau trận thua trước ĐT Saudi Arabia.
"Thứ hạng là những con số", có những ý kiến như thế, hơn nữa thứ hạng FIFA lại không có ảnh hưởng nhãn tiền đến kết quả của các giải đấu hay các trận đấu - những thứ mà người hâm mộ muốn thấy. Nhưng nếu đó chỉ là những con số vô thưởng, vô phạt thì ngay từ đầu, tại sao FIFA lại thiết lập ra hệ thống xếp hạng FIFA Ranking? Nó có ích gì cho các đội tuyển?
Thất bại trước đội tuyển Saudi Arabia ảnh hưởng lớn đến xếp hạng của đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Hiếu Lương)
Lợi thế trong các giải đấu lớn
Tháng 12/1992, FIFA ra mắt phiên bản đầu tiên của 1 hệ thống xếp hạng các đội tuyển bóng đá nam thế giới. Sau nhiều lần điều chỉnh (lần gần nhất là vào tháng 6/2018), bóng đá thế giới có 1 bảng xếp hạng 210 đội tuyển quốc gia theo từng tháng. Điểm số của từng đội tuyển sẽ thay đổi tăng, giảm tuỳ theo kết quả thắng, hoà hay thua sau mỗi trận đấu trong 1 tháng và sẽ được dùng để xếp hạng các đội sau tháng đó.
BXH này sẽ là thang đo trực quan nhất về sự tiến bộ và tương quan sức mạnh của các đội tuyển. Thứ hạng của các đội tuyển sẽ được dùng để phân loại hạt giống ở các giải đấu như vòng bảng và vòng loại World Cup, các giải đấu vô địch châu lục (trừ Euro). Như vậy, đội càng có thứ hạng cao sẽ càng được hưởng lợi.
Ở vòng loại Asian Cup 2023, với việc đứng ở vị trí thứ 98 trên BXH FIFA tháng 4/2019 (thứ 16 châu Á), đội tuyển Việt Nam đã không phải thi đấu vòng đầu tiên và vào thẳng vòng 2, cũng chính là vòng loại 2 World Cup.
Hãy thử tưởng tượng đội tuyển Việt Nam chỉ nằm ở vị trí dưới 161 thế giới (khi đó của Nepal) - tức dưới hạng 34 châu Á, đội sẽ thuộc nhóm 12 đội bóng phải chơi từ vòng 1. Thêm trận đấu tức là tốn thêm sức lực và kinh tế. Lúc ấy, có lẽ đội tuyển Việt Nam đã khó khăn hơn để đạt được kết quả tốt như chúng ta đã chứng kiến.
Nâng cao vị thế cho đội tuyển Việt Nam
Thứ hạng FIFA cũng cho thấy (dù không chính xác 100%) năng lực của 1 đội tuyển. Khi lựa chọn các đối thủ giao hữu, bỏ qua các yếu tố ngoại giao, kinh tế và điều kiện nhất thời (như ảnh hưởng của dịch bệnh), các đội tuyển thường chọn những đối thủ không quá chênh lệch về thứ hạng, tiện lợi về mặt địa lý hoặc có lối chơi tương đồng với các đối thủ trong giải chính thức.
Việc đội tuyển Việt Nam được các đội bóng tên tuổi cân nhắc "bắt đối", hay quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những đội bóng tầm trung và kém phụ thuộc vào điều này. Thi đấu với các đối thủ mạnh sẽ giúp các cầu thủ Việt Nam học hỏi được nhiều hơn. Hơn nữa, với người hâm mộ, việc được xem các trận đấu giữa đội tuyển và các đội bóng lớn chắc chắn sẽ thú vị hơn là những Đài Bắc Trung Hoa hay Jordan.
Khán giả muốn thấy đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với tuyển Jordan hay tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc? (Ảnh: Hiếu Lương)
Vị thế của đội tuyển cũng là vị thế của các cầu thủ. Việc là tuyển thủ của 1 đội tuyển xếp hạng cao sẽ là điểm cộng trong mắt các tuyển trạch viên nước ngoài. Để cầu thủ Việt Nam xuất ngoại nhiều hơn, đến các nền bóng đá chất lượng hơn, cho các đội bóng lớn hơn cũng sẽ cần đến nỗ lực cải thiện thứ bậc đội tuyển.
Một mục tiêu rõ ràng
Hãy xem bóng đá thế giới là 1 lớp học, khi đó bảng xếp hạng FIFA chính là xếp hạng thi đua. Đồng ý rằng quá sa đà vào thành tích mà bỏ qua nỗ lực, để rồi quay lưng với các cầu thủ khi mọi chuyện không như ý là điều không nên. Nhưng để bóng đá Việt Nam phát triển, mục tiêu phấn đấu là rất quan trọng. Một mục tiêu rõ ràng sẽ kéo tất cả đi theo cùng 1 hướng, tối ưu các tiềm lực và dễ dàng để phân chia nhỏ công việc theo từng cột mốc.
Huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói gì vào ngày nhậm chức? Có phải là bức tranh mơ hồ nào đó, hay ông đã khoanh tròn 1 cách rõ ràng "top 100 thế giới". Từng cột mốc nhỏ mà ông đã cùng U23 Việt Nam, rồi ĐTQG Việt Nam gặt hái được, đều là để hiện thực hoá lời hứa đó, và ông đã làm được vào tháng 11/2018.
"Hiện tại thứ hạng của đội tuyển Việt Nam là 130 thế giới. Tôi kỳ vọng đưa đội bóng này đến top 100", chiến lược gia người Hàn Quốc đã nói.
Dù chỉ là những con số, thứ bậc trên BXH FIFA mang đến nhiều lợi thế cho bóng đá Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Vậy nên, nếu có thể, tốt nhất là đừng mất.