Thư EURO 2020: Điều kỳ diệu của 'Những chú lính chì' có tái hiện?

Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest |

Trong số 4 đội vào vòng bán kết EURO 2020, ngoài Anh, Tây Ban Nha và Ý vẫn được xem là các “ông lớn” trong bóng đá thế giới bất luận phong độ nhất thời của họ ra sao, Đan Mạch là một cái tên “nhỏ” hơn, và việc họ vào sâu tới đây đương nhiên được coi là chuyện thần kỳ.

EURO 2020 đã mở đầu khó có thể tồi tệ hơn với đội bóng Bắc Âu này, nhưng với nỗ lực vượt quá sức người, "những chú lính chì quả cảm" như trong câu chuyện cổ tích của văn hào Hans Christian Andersen đã có những trận xuất thần để đi tiếp.

Ngay trong trận khai màn, Đan Mạch đã đánh mất một trong những cầu thủ trụ cột, Christian Eriksen, và cảnh anh nằm vật bất tỉnh ngay tại sân cỏ đã là điều khiến khán giả được chứng kiến không bao giờ quên. Đan Mạch đánh mất 2 trận đầu với Phần Lan (0-1) và Bỉ (1-2), và vì thế số phận của họ đặt vào trận cuối cùng của vòng bảng.

Thư EURO 2020: Điều kỳ diệu của Những chú lính chì có tái hiện? - Ảnh 1.

Các cầu thủ Đan Mạch tạo thành vòng bảo vệ, che chắn cho Eriksen trong lúc anh được các nhân viên y tế cấp cứu

Tuy nhiên, một kết cục hết sức có hậu đã diễn ra: các chàng trai Bắc Âu tưng bừng chiến thắng Liên bang Nga 4-1 và qua cánh cửa hẹp lọt vào vòng đấu loại trực tiếp. Trong khi đó, Eriksen, người được cả thế giới cầu nguyện cho qua khỏi, đã hồi phục và trở thành chỗ dựa tinh thần, điểm tựa cho tinh thần đồng đội và cố gắng của toàn đội tuyển.

Tiếp đó, Đan Mạch dễ dàng "tăng tốc" trước Wales (4-0), và trong vòng tứ kết, cũng vẫn với lối chơi tự trái tim trước một đối thủ ngang sức là Cộng hòa Séc, rốt cục họ lọt vào bán kết và có thể chuẩn bị cho cuộc đại chiến với tuyển Anh. Thủ quân Simon Kjær, người được cả đội nể vì do hành động quyết đoán giúp Eriksen thoát hiểm, nói rằng tất cả có được, là bởi họ đã chơi "vì Eriksen".

"Từ khi Eriksen lâm nguy, một điều gì đó đã diễn ra với đội. Chúng tôi tiến bộ nhiều, và biết rằng nếu đoàn kết, chúng tôi sẽ làm được nhiều việc. Chúng tôi có thể tin tưởng vào nhau, vào những người xung quanh, và nếu ai có vấn đề gì thì đều có thể dựa vào người còn lại, vào cả đội. Chúng tôi ở đây là để hỗ trợ lẫn nhau, cảm giác an toàn ấy tốt cho mọi người, và cho cả Eriksen", Kjær phát biểu sau chiến thắng trước Cộng hòa Séc.

Thư EURO 2020: Điều kỳ diệu của Những chú lính chì có tái hiện? - Ảnh 2.

Sau sự cố với Eriksen, Đan Mạch trở thành một tập thể cực kỳ đoàn kết

Tiền vệ 32 tuổi này vui mừng khi đội lọt vào vòng 4, nhưng anh cho rằng Đan Mạch chưa hề làm xong nhiệm vụ của mình, bởi lẽ họ đang chuẩn bị cho một bất ngờ lớn trước tuyển Anh, đội chưa hề nhận bàn thua nào trong giải này. Điều này không phải là bất khả, vì khái niệm "chiếu trên", "chiếu dưới" trong EURO 2020 đã bị xóa nhòa ở không chỉ một trận. Tương quan lực lượng đã trở nên rất cân bằng.

Hơn thế nữa, nhìn lại lịch sử, nền bóng đá Đan Mạch vốn có truyền thống rất lâu đời, được ghi nhận từ khi Hiệp hội Bóng đá Đan Mạch (DBU) được thành lập vào năm 1889, khiến quốc gia này trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu chơi bóng đá, và họ có những CLB thuộc hàng lâu đời nhất trên thế giới. Trận đấu chính thức đầu tiên của họ là với tuyển B của Pháp vào ngày 26/10/1908, và Đan Mạch đại thắng 9-0.

Ba ngày sau, Pháp cử tuyển A "phục thù", nhưng một lần nữa Đan Mạch thắng knock out với tỷ số 17-1, và đây là chiến thắng "đậm đà" nhất trong lịch sử túc cầu nước này. Với khởi đầu thuyết phục, đội bóng xứ Đan lập tức giành danh hiệu Á quân trong 2 kỳ Thế vận hội 1908 và 1912. Tuy nhiên, nền bóng đá Đan Mạch sau đó dậm chân tại chỗ vì muốn bảo lưu vị thế nghiệp dư của các cầu thủ, và không cho "lính đánh thuê" ngoại quốc tham dự.

Do đó, xứ Đan không cử đội tham dự các kỳ World Cup thời gian 1930-1954, mà vẫn chỉ có mặt tại các kỳ Thế vận hội với thành tích cao: HCĐ tại London (năm 1948) và HCB tại Roma (năm 1960). Trên đấu trường châu lục, Đan Mạch giành vị trí thứ 4 tại EURO 1964, tổ chức ở Tây Ban Nha. Phải chờ đến năm 1976, khi Đan Mạch chấm dứt trạng thái nghiệp dư của giới cầu thủ, nước này mới thực sự đạt những thành công trong các giải đấu.

Hình thành một lứa danh thủ nổi tiếng châu Âu, mà mở đầu là Allan Simonsen (Quả bóng vàng châu Âu năm 1977), tuyển Đan Mạch lọt vào vòng chung kết EURO 1984 sau khi chiến thắng tuyển Anh tại "thánh địa" Wembley. Khi đó, các chàng trai xứ Đan lần đầu được gọi bằng cái tên "Thùng thuốc nổ". Trong giải, họ thắng Nam Tư 5-0 và Bỉ 3-2, và rốt cục chỉ dừng ở vòng bán kết sau khi thua Tây Ban Nha trong chuỗi sút phạt đền luân lưu.

Hai năm sau, tạu kỳ World Cup 1986 ở Mexico, Đan Mạch tiếp tục tỏa sáng với cặp Michael Laudrup và Preben Elkjær Larsen ở hàng công, và thắng liền 3 trận trước Scotland (1-0), Uruguay (6–1) và đặc biệt, Tây Đức (2-0). Đáng tiếc là ở vòng loại trực tiếp, Đan Mạch phải nhường bước cho Tây Ban Nha mà người lĩnh xướng là "Kền kền" (El Buitre) Emilio Butragueño với 4 bàn thắng để đời.

Trở lại đấu trường châu Âu, "thế hệ vàng" của bóng đá Đan Mạch tiếp tục lọt vào vòng chung kết EURO 1988, nhưng kỳ tích của họ không phải là trong kỳ đó, mà là sau 4 năm, tại EURO 1992, khi là đội được gọi vào thay ở phút cuối - do UEFA khai trừ Nam Tư do cuộc chiến sắc tộc thời kỳ đó -, nhưng "Những chú lính chì" đã bất ngờ vượt qua mọi chướng ngại vật để trở thành các nhà vô địch châu Âu.

Từ đó, lưu truyền một giai thoại được lan truyền rộng rãi, rằng các cầu thủ Đan Mạch được gọi tới vòng chung kết khi họ còn đang đi nghỉ ở bãi tắm, nhưng tất nhiên điều đó không đúng. Tuyển Đan vẫn luyện tập tích cực, và họ có tính tới chuyện sẽ được mời thay thế Nam Tư vì các biến cố chính trị đương thời. Điều đó không làm giảm ý nghĩa của chiến thắng tuyệt vời này, mà 2 trụ cột là thủ môn Peter Schmeichel và tiền đạo Brian Laudrup.

Kể từ đó, Đan Mạch vẫn là một "tham dự viên" khá thường xuyên tại các kỳ World Cup và EURO. Năm 1995, họ còn giành Cúp Liên đoàn các châu lục (FIFA Confederations Cup) giữa các đội vô địch các châu lục cùng đương kim vô địch thế giới.

Thư EURO 2020: Điều kỳ diệu của Những chú lính chì có tái hiện? - Ảnh 3.

Đan Mạch hy vọng có thể lặp lại kỳ tích 29 năm trước

Tuy nhiên, vào thời điểm này, giới hâm mộ của đội cùng các bình luận viên bóng đá lại nhắc nhiều tới ngôi vị quán quân năm 1992, vì cảm thấy có những tương đồng giữa 2 đội cách nhau gần 30 năm.

Trong cả 2 đội xưa và nay, Đan Mạch không có nhiều ngôi sao theo đúng nghĩa, ngoài một vài cầu thủ có uy tín để cả đội tin cậy và hướng theo. Sức mạnh của xứ Đan trong cả 2 trường hợp, là sự đồng lòng và ý chí tập thể, với khát khao chiến thắng và sẵn sàng làm hết mình để chiến thắng. Nhưng chỉ như vậy thì còn ít: HLV trưởng Kasper Hjulmand mặc dù ít được biết đến, nhưng đã chứng tỏ bản lĩnh và tầm nhìn trong mỗi trận.

Thiếu ngôi sao lớn nhất Christian Eriksen, tuyển xứ Đan đành từ bỏ lối chơi chỉ xoay quanh anh, lấy anh làm trọng tâm, và tự nhiên cả đội được khởi sắc với những pha kiến tạo, tấn công bùng nổ và ngoạn mục, với bầu nhiệt huyết rất cao.

Phải chăn đây là điều đã khiến các đối thủ của đội gặp bất ngờ và không kịp phòng bị, khi một đội vốn không có ngôi sao nổi bật lại trở nên một tập thể mà ai cũng chơi hay một cách đồng đều.

Đan Mạch có vượt được qua "Tam sư" Anh tại trận đấu đêm 7/7, rạng sáng 8/7 hay không, đây vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, riêng việc lọt vào vòng 4 đội, với xứ Đan, đã là điều kỳ diệu.

Còn kỳ diệu hơn thế, nếu thủ môn Kasper Schmeichel tiếp nối truyền thống của cha - Peter Schmeichel, cựu thủ môn CLB Manchester United và đội tuyển quốc gia Đan Mạch - được nâng cao trên tay chiếc Cup vàng châu Âu vào ngày 11/7 tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại