Trong suốt 27 năm cầm quyền tại Old Trafford, một trong những "lệnh cấm" mà Sir Alex Ferguson đặt ra cho các thành viên của Man United là không ai được đem chuyện "thâm cung bí sử" của đội bóng nói với báo giới.
Đặc biệt, ông chưa bao giờ công khai chỉ trích học trò mình và rất không vui nếu cầu thủ của Quỷ đỏ nói điều không hay về đồng đội. Đó là một trong những yếu tố làm nên một triều đại thành công bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Hơn ai hết, Sir Alex hiểu rằng một đội bóng thành công phải có sự đoàn kết của tất cả các thành viên từ HLV đến cầu thủ. HLV là thủ lĩnh tối cao nhưng phải biết dũng cảm nhận trách nhiệm và bảo vệ học trò của mình. Các cầu thủ, dù là bình thường hay ngôi sao, đều phải phục tùng đội bóng, không có cái tôi nào được đặt cao hơn lợi ích chung của toàn đội.
Sir Alex thống trị tuyệt đối phòng thay đồ Quỷ đỏ và đó là một trong những bí quyết giúp ông thành công.
Sau khi Sir Alex rời đi, David Moyes và Louis Van Gaal đến rồi thất bại gần như cùng một cách: Họ không kiểm soát được phòng thay đồ, không thể hiện được cái uy của một chủ soái và thiếu bản lĩnh cần có của một người lãnh đạo. Tiếc thay, đến Mourinho, điều ấy đang có dấu hiệu bị tái hiện, ngay khi người ta có niềm tin vào sự hồi sinh của Man United nhất sau 3 mùa giải đáng quên.
Tính luôn trận hòa với Everton, Man United đã có 20 trận không thua tại Ngoại hạng Anh. Nhưng họ không thua thôi không có nghĩa họ đều thắng. Trong 20 trận bất bại ấy, thầy trò Mourinho đã hòa tới 12 trận, đáng nói có đến 9 trận ở sân nhà. Giờ đây, người ta gọi Man United là Vua hòa và Old Trafford là Nhà hát của những …trận hòa.
Khi mùa giải đang đến hồi sống còn, dễ hiểu vì sao một HLV lão làng như Mourinho cũng phải nổi nóng. Từ việc lên án FA, chỉ trích trọng tài, mắng thẳng mặt phóng viên, giờ đây, ông cũng chỉ trích không quanh co các học trò của mình. Nào là Mkhitaryan, Rashford, Martial, Lingard đến cả Pogba.
Đáng nói hơn là những lời lẽ khá nặng dành cho Luke Shaw. Dẫu biết rằng Mourinho là người hay "chơi chiêu" với những kiểu khích tướng học trò mà ông thường làm trong quá khứ nhưng ở một thời điểm nhạy cảm thế này, việc làm ấy dường như có hại hơn là lợi.
Ra sân là các cầu thủ đá, nhưng Mourinho nên hiểu rằng họ đá theo chỉ đạo của ông mà thôi. Mourinho có thể trách Mkhitaryan không sáng tạo, Rashford, Martial… ghi ít bàn hay Shaw thiếu ý tưởng nhưng bản thân ông có được bao nhiêu ý tưởng lúc này?
Bởi nhìn cái cách mà các cầu thủ Man United cứ tạt cánh đánh đầu trong những trận bế tắc gặp West Brom thì Mourinho chẳng khác gì David Moyes hay Van Gaal đâu. Và việc Man United ghi chỉ được 43 bàn sau 29 trận (chưa tới 1.5 bàn/trận), kém xa 66 bàn của Liverpool, thậm chí ít hơn cả AFC Bournemouth thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Mourinho.
Sau Mourinho, chính Ibra phải chịu trách nhiệm về màn trình diễn kém cỏi của Quỷ đỏ?
Vậy trách nhiệm kế đến thuộc về ai? Rooney, Pogba, Martial, Rashford, Mata, Mkhitaryan? Đều không phải, mà đó phải là Zlatan Ibrahimovic.
Nghe có vẻ hơi lạ bởi cho đến lúc này, ngôi sao người Thụy Điển đang là người ghi bàn nhiều nhất cho Man United. Tính đến bàn thắng từ chấm 11m trong trận gặp Everton, Ibrahimovic đã có 16 bàn ở Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, sẽ không quá khi cho rằng việc Man United cứ lận đận ở vị trí thứ 6 và có được ít bàn như vậy, lỗi lớn là ở Ibra.
Từ đầu mùa giải đến giờ, Ibrahimovic được Mourinho ưu ái có vị trí bất khả xâm phạm trên hàng công. 16 bàn là con số vô cùng ấn tượng với một tiền đạo đã 35 tuổi. Nhưng nếu nếu biết rằng Ibrahimovic đã phung phí hơn 50% cơ hội mà đồng đội tạo ra cho mình thì các Manucians có vui được không?
Có Ibrahimovic trên sân, mọi đường bóng đều ưu tiên chuyền cho anh bởi Mourinho và đồng đội quá hiểu cá tính của cựu ngôi PSG: Anh muốn mình là nhất.
Mourinho và Ibrahimovic đang không hài lòng với phần còn lại ở Man United.
Chính vì lẽ đó Ibrahimovic đã có những lời lẽ chỉ trích khéo đồng đội và CLB sau trận hòa như thua trước Everton. Trong sự thất vọng cho trận hòa thứ 12, Thánh Ibra cho rằng mình đến đây không phải để phí thời gian.
Nhưng cũng như Ibra, chẳng thành viên nào của Man United muốn hòa liên tục như vậy để rồi không leo vào tốp 4 được. Trước khi chỉ trích đồng đội Ibra nên nhớ lại mình đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội?
Như trong trận hòa Burnley, anh đã sút bao nhiêu lần? Hơn tất cả, Ibrahimovic nên hiểu rằng một mình anh không thể tạo nên trận đấu. Giống trong trận gặp Everton, nếu không có cú sút của Luke Shaw thì làm sao Ibrahimovic có cơ hội ghi bàn trên chấm 11m?
Jose Mourinho từng hai lần bị học trò phản ở Chelsea, ông không nên để điều đó lặp lại tại Man United. Dù hiện tại sóng gió vẫn khá yên lặng, nhưng nếu Người đặc biệt cứ chỉ trích học trò thì sẽ rất nguy hiểm.
Và Ibra, dù anh là siêu tiền đạo nhưng vẫn cần đồng đội ở bên cạnh hỗ trợ cho mình. Một đội bóng mạnh trước hết phải là tập thể mạnh. Suy cho cùng, Mourinho và Ibrahimovic dù là đại thụ đi chăng nữa cũng không thể tạo nên ngọn núi cao nếu thiếu đi những người khác tại Old Trafford.