Giai đoạn 2006-2008 là thời điểm sơ khai khái niệm thị trường chuyển nhượng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, với giá trị của cầu thủ được ý thức một cách tương đối rõ ràng và... được giá. Tất nhiên từ vài năm trước đó, Trần Trường Giang (Tiền Giang), thủ thành Thế Anh (SLNA) cũng có giá cả tỷ đồng khi chuyển về chơi cho B.Bình Dương hay Ngân hàng Đông Á (cũ), nhưng cầu thủ không cầm trọn số tiền, mà phần lớn được trả cho CLB chủ quản.
Trường hợp tương tự là Minh Phương (Cảng Sài Gòn về Long An), Trường Giang (Hải Phòng vào B.Bình Dương) hay Hữu Thắng (Quân khu 7 - B.Bình Dương), Huỳnh Đức (Ngân hàng Đông Á - Đà Nẵng), Trung Kiên (Nam Định - TMN.CSG) và cả dải thiên hà cập bến HAGL đầu thế kỷ 21...
Cho đến thời điểm này, cầu thủ giữ giá trị cao nhất trên thị trường chuyển nhượng Việt Nam là Lê Phước Tứ, với 12 tỷ trọn gói khi chuyển vào XMXT Sài Gòn, thông qua bàn tay của "siêu cò" Trần Tiến Đại, năm 2012. Trước và sau Phước Tứ, Quang Hải (9 tỷ đồng ký với Navibank Sài Gòn), Công Vinh (12 tỷ đồng khi bắt tay với bầu Kiên của Hà Nội ACB) hay Như Thành thậm chí không đá một trận nào cho XMXT Sài Gòn vẫn cầm 7 tỷ (chỉ ký hợp đồng ghi nhớ), Đình Luật..., được cho là những chữ ký triệu đô khác.
Tổng số tiền chuyển nhượng (chưa tính lương thưởng), xếp vị trí số 1 không phải Công Vinh (trên dưới 30 tỷ đồng) mà là Như Thành. Việt Thắng cũng hưởng trọn hơn 20 tỷ đồng mua đi bán lại và ký mới qua các CLB.
Bóng đá Việt Nam từng lên cơn sốt ảo như thế, dù giá trị cầu thủ và sản phẩm mà V-League mang lại, chưa từng xứng với số tiền mà các đội bóng bỏ ra. Ngay bản thân các siêu cầu thủ cũng thừa nhận, họ được hưởng lợi nhiều từ thú vui mua sắm của các ông bầu, thông qua các tay cò, những nhà môi giới không chính thức và đương nhiên không có chứng chỉ hành nghề FIFA Agents.
Lứa cầu thủ giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, không một ai có giá thấp hơn 6 tỷ đồng/3 năm khi ký mới hoặc chuyển nhượng, lương - thưởng cũng thuộc hàng "Top Ten". Đấy là câu chuyện của thời thế.
Trở lại với câu chuyện của thì hiện tại, cơn sốt chuyển nhượng đã hạ đến mức thấp nhất khi còn quá ít ông bầu có máu mặt. Không phải tài năng của các thế hệ cầu thủ sau này kém hơn trước, mà bởi, thị trường chuyển nhượng Việt Nam vốn dĩ đã không tuân thủ theo một nguyên tắc chuyên nghiệp, nên giá cầu thủ lao dốc là tất yếu.
Trang transfermarkt không đơn thuần chỉ để tham khảo, mà nó là một ba-rem chuẩn mực tương đối, không có bất kỳ cái tên Việt Nam nào, trước khi U23 Việt Nam trở về từ VCK U23 châu Á 2018. Tất cả (kể cả lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...), chỉ là chúng ta... tự sướng!
Hôm qua, “siêu cò” Đại (giờ là Chủ tịch CLB Sài Gòn) nói muốn đưa cầu thủ trở về với giá trị thật. Tất nhiên, chúng ta khó chịu thuyết phục bởi lý lẽ của một người từng làm công việc của một "con buôn" hay nhà môi giới, hoặc tệ hơn là "cò" - cái gì được giá là bán, nhưng bóng đá Việt Nam cần phải hành động có kiểm soát.
Nền bóng đá và các giải đấu bao năm qua chưa thể tự nuôi sống cơ thể mình, cần phải đưa ra một bộ quy tắc ứng xử chung hợp thời, ít nhất là trong việc định giá cầu thủ.
Việc đè giá (nếu có) cũng là chuyện cần thiết, để tránh gây ảo giác, đưa bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam trở lại với đúng quỹ đạo. Giờ bầu Đại lại đi tiên phong trả lại giá trị thực cho cầu thủ Việt, cũng nên dành cho ông một tràng vỗ tay.