David Cameron, người tiền nhiệm của May và các đồng minh của ông vừa nể vừa sợ bà, người phụ nữ quyền lực nhất của Đảng Bảo thủ kể từ Margaret Thatcher.
Trong bộ máy lãnh đạo chính phủ của David Cameron trước đây, bà là nhân vật đầy kích thích: Không thể trù dập bà vì bà quá nổi, nhưng cũng không thể đề bạt vì bà quá nguy hiểm.
Môt minh chứng cho nhận định này: Khi May đối đầu công khai với Bộ trưởng Giáo dục Michael Grove hồi tháng 6/2014 xung quanh sự xâm nhập của Hồi giáo cực đoan vào các trường học ở Birmingham, Cameron nổi điên với cả hai bộ trưởng. Nhưng như một người nằm trong phố Downing khi ấy thú nhận, “Theresa là bất khả xâm phạm.” Sau đó một tháng, chính Gove – một trong số bạn bè thân nhất của Cameron – mới là người mất ghế trong cuộc cải tổ nội các.
Một bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ gần với Cameron gói gọn quan điểm có phần khinh miệt nhưng dè chừng của một vài vị lãnh đạo về May trong ba từ: “Nhạt, tẻ, tham vọng”.
Nhưng Theresa May không chỉ đơn giản như thế.
Theresa Mary May, tên khai sinh là Brasier, sinh năm 1956 và là một trong hai phụ nữ duy nhất của đảng Bảo thủ tiến xa được như thế trên chính trường Anh. Margaret Thatcher là người còn lại.
Nhưng so sánh May và thủ tướng Đức Angela Merkel thì hợp lý hơn: Cũng là chính trị gia không có một ý thức hệ nhất định nào, không khoan nhượng và kiên quyết thực hiện công việc của mình. “Nếu cô nghĩ về thành tựu của bà ấy, cô biết đấy, vẫn có những người không đánh giá cao bà ấy và nghĩ bà ấy có phần tuỳ tiện, có lẽ là vì cách ăn mặc của bà ấy” - May nói về Merkel trong một bài phỏng vấn riêng tư hiếm hoi trên tờ Daily Telegraph năm 2012 - “Điều quan trọng là bà ấy đã thật sự làm được những gì?”
Cũng như Merkel, May là con gái một vị linh mục Tin lành. Khi bà theo học ở Oxford, bạn bè bà nói cô gái Theresa May không khác mấy so với người phụ nữ mà ta thấy hôm nay. “Chẳng có gì phá cách cả” - một người bạn nói một cách tiếc rẻ.
Bà được Benazir Bhutto - người bạn đồng niên mà sau này trở thành thủ tướng Pakistan -giới thiệu làm quen với người chồng tương lai, Philip May, tại một sàn nhảy của sinh viên đảng Bảo thủ. Khi Theresa May liên tục trải qua nhiều vị trí nhân viên khác nhau ở Ngân hàng Anh, Philip đã trở thành nhà đầu tư ngân hàng thành công và hiện làm việc tại Capital International. Ông vẫn luôn ở hậu trường nhưng hai người họ không thể tách rời nhau, cùng chung hứng thú với đồ ăn và, cũng như Angela Merkel, cùng đam mê đi bộ dã ngoại ở vùng núi Alps.
Cũng như với thủ tướng Đức, Theresa May không có con cái. “Chuyện ấy không xảy ra” - bà nói năm 2012, hé lộ một chút hiếm hoi về nỗi buồn sâu kín - ‘Nhìn quanh lúc nào chả thấy các gia đình và ta nhận ra họ có cái gì đó mà ta không có.”
May trở thành nghị sĩ năm 1997, đại diện cho Maidenhead, lãnh địa của đảng Bảo thủ ở Berkshire trong đó có làng Sonning bên bờ sông Thames, nơi bà sống và thường xuyên đi nhà thờ. Trong vòng 5 năm, bà nổi lên thành chủ tịch nữ đầu tiên của đảng, nơi bà thu hút sự chú ý toàn quốc nhờ một bài phát biểu đầy kịch tính. Tại hội nghị đảng Bảo thủ trong những ngày đen tối khi đảng này còn là đối lập năm 2002, trước cử tọa hầu hết là cánh hữu và người cao tuổi, bà thẳng toẹt rằng nhiều cử tri coi họ là “đảng bẩn thỉu”.
“Cả hai lần chúng ta ra mắt cả nước vẫn theo cách cũ, không chút xấu hổ, tóm lại là không hề hấp dẫn”, bà nói. “Cả hai lần chúng ta đều bị làm thịt”, bà bổ sung.
Đó là nét phác hoạ đầu tiên về quyết tâm thực hiện các bước đi chính trị táo bạo của bà. Nhưng các đồng nghiệp cho biết bà không bao giờ hành động mà không đánh giá rủi ro đầy đủ, xem hết các kết quả có thể xảy ra và đảm bảo bà sẽ đứng hàng đầu. “Bà ấy rất giỏi trong việc nắm bắt thời cơ” - một người thân với bà cho biết.
Bài diễn văn “đảng bẩn thỉu” cũng cho thấy bà có khả năng kết nối với các cử tri. Andrew Cooper của Populus-công ty chuyên thăm dò ý kiến cho biết: “Khi ấy chúng tôi đang tổ chức khảo sát nhóm và những người đang xem diễn văn được tua nhanh của Theresa May bỗng nói, ‘Dừng phim lại’. Họ hoàn toàn bị bài diễn văn lôi cuốn.”
Đồng nghiệp của May nói bà có “luật sáu tháng”, tức là bà làm việc thầm lặng thật lâu rồi cứ khoảng hai lần một năm, bà đưa ra những can thiệp mang tính quyết định. Nhưng suốt nhiều năm ở thế đối lập từ 1997 đến 2010, bà không mấy ghi dấu ấn trong nhận thức của công chúng ngoại trừ bài phát biểu “đảng bẩn thỉu” và những đôi giầy của bà.
Những ai từng làm việc với May trước thời bà làm chính trị không nhớ bà có sở thích gì đặc biệt về giầy dép không nhưng kể từ bài diễn văn trước hội nghị 2002 đó, nơi bà diện một đôi giầy cao gót hoạ tiết da báo đốm thì giầy dép của bà trở thành một trong những dấu hiệu cho thấy trong bà đang có một phần sặc sỡ đang chờ được giải phóng. Theo phần hồ sơ về sở thích ở Hạ viện, chuỗi giầy dép Russell & Bromley đã cảm ơn bà vì đã thu hút lượng người mua khủng đối với kiểu giày cao gót da báo năm 2002 bằng cách tặng bà “ba đôi giầy Hot2Trot” từ dòng hàng mới của hàng; hồ sơ cũng cho thấy kể từ khi trở thành bộ trưởng nội vụ, bà đã nhận được nhiều thẻ giảm giá từ các nhãn hiệu cấp cao LK Bennett, Amanda Wakeley và Hobbs. Giầy dép của bà là một đề tài giúp khơi thông trò chuyện – và là chuyện phiếm duy nhất mà May khơi ra.
Khi ở Bộ Nội vụ, May tránh thể hiện công khai (chiến lược truyền thông của bà căn bản là không có chiến lược truyền thông gì ngoại trừ một vài buổi tóm lược thông tin quan trọng cho báo chí cánh hữu). Không như Cameron và Osborne, bà coi Twitter là phí phạm thời gian.
May thích tự mình giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của nhóm quan chức và cố vấn thân cận, tự lọc toàn bộ tài liệu cho đến tận những giờ phút gần ra quyết định. Theo một đồng nghiệp thân thiết của bà, “nghi ngại không hẳn là từ chuẩn nhưng bà rất chi là thận trọng với người khác, bà lo là người ta sẽ áp đặt quan điểm của họ lên bà.... Bà hơi có kiểu người độc hành. Bà tin rằng bà đang kiểm soát địa phận của mình và đây là việc của riêng bà.” Philip Auger, người từng làm môi giới vốn sở hữu và nguyên là giám đốc không điều hành của Bộ Nội vụ nói: “Bà phản ứng rất nhanh với thách thức, bà không nhảy vào họng người ta. Bà thích được nghe sự thật nhưng cũng nên lưu ý rằng bạn phải biết mình đang nói về điều gì.”Các cuộc họp với May bắt đầu nhanh chóng, bỏ qua phần rào đón. “Bà có thể ngồi lặng im một hồi và cái dở là bạn cứ thế mà lải nhải” – một vị quan chức cho biết. Bà không nổi nóng mà thích sức mạnh của cái nhìn băng giá. Một quan chức nói: “Bà ấy sẽ nói ‘Điều này không được lặp lại lần nữa… Rồi bà để sự tĩnh lặng tràn ngập căn phòng.”
Theo một đồng nghiệp thân cận, việc May trụ lại ở Bộ Nội vụ một thời gian kỷ lục như vậy có phần nhờ “may mắn”, nhất là khi bà đang phải tăng cường an ninh, xử lý tội phạm và kiểm soát nhập cư trong khi ngân sách giảm 20%... Nhưng thành tích của bà cũng in dấu lòng quyết tâm không lùi và một số can thiệp táo bạo. Bà đã thành công trong việc trục xuất Abu Qatada - nhà truyền giáo cực đoan sau nhiều năm kiện tụng, từ chối dẫn độ Gary McKinnon, người đã đột nhập trái phép vào máy tính của Lầu Năm Góc sang Mỹ, với lý lẽ là ông bị hội chứng Asperger. Sự kiện này từng khiến Nhà Trắng nổi giận còn tờ Daily Mail lại reo hò. Suy thoái kinh tế không đi kèm với làn sóng tội phạm; vấn đề nhập cư được kiểm soát tốt và chưa xảy ra vụ khủng bố nội địa nào lớn dưới sự nắm quyền của bà.
Mặc dù được coi là cái tên đáng gờm trong đảng Bảo thủ suốt nhiều năm, nhưng 2 năm trước, ít người nghĩ đến khả năng một ngày nào đó, bà nhận lại số 10 phố Downing từ ông Cameron. Đối thủ chính của May trong đảng, cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne kiểm soát bộ máy của đảng, trong khi May gần như không có “quân”, ngoài một nhúm các cựu bộ trưởng nữ.
Ngay cả khi con đường đến chiếc ghế Thủ tướng của bà mở ra thênh thang khi đối thủ duy nhất là Andrea Leadsom tự rút lui, người ta vẫn nhìn May một cách ngần ngại. Tờ New Republic bình luận, người kế vị David Cameron sẽ phải nhận công việc “tệ nhất nước Anh, thậm chí là tệ nhất thế giới”, với một núi các cuộc đàm phán “xương xẩu” hậu Brexit, đồng thời phải xây dựng một nội các đủ mạnh và đủ kết nối trên nền tảng chính trị đang chia rẽ mạnh mẽ của nước Anh sau cuộc bỏ phiếu rời EU. Một đồng nghiệp cũ của Theresa May nhận xét: “Bà ấy làm chủ Bộ Nội vụ bằng sự kiểm soát tuyệt đối: Đọc mọi thứ, phê duyệt mọi thứ. Điều đó đã có tác dụng, nhưng tôi không nghĩ sức người có thể làm vậy ở số 10 phố Downing”.
Trong 1 tháng sau khi nhậm chức, May đã khiến giới quan sát quốc tế đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bà bổ nhiệm ông Boris Johnson, người được mệnh danh là “Donald Trump của nước Anh” vào chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao. Boris Johnson là người đã từng mỉa mai rằng Tổng thống Mỹ Obama ghét nước Anh vì có gốc gác Kenya (thuộc địa cũ của Anh); chê bai Hillary Clinton “giống một mụ y tá ác nghiệt trong viện tâm thần”… Bà thẳng tay gạt dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 23 tỷ USD khỏi tiến trình phê duyệt, khiến cho Trung Quốc, một trong hai nhà đầu tư đứng sau dự án này tức điên. Bà lên kế hoạch gặp chính thức Putin tại thượng đỉnh G20, sẵn sàng phá băng quan hệ song phương, vốn rơi vào khủng hoảng từ sau cái chết của cựu gián điệp Nga Alexander Litvinenko, người mà Anh cho rằng bị Moscow ra lệnh ám sát.
Kết quả khảo sát 1 tháng đầu tiên làm Thủ tướng của Theresa May cũng là một ngạc nhiên. Con số do Ipsos MORI (công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ hai nước Anh) công bố cho thấy, ngay cả những người ủng hộ Công đảng cũng cảm thấy có ấn tượng tốt với Theresa May hơn chính lãnh đạo của họ, Jeremy Corbyn. 45% người được hỏi hài lòng với những gì bà May đã làm được trên cương vị mới, trong khi chỉ có 39% có thái độ tương tự với “thành tích” của ông Corbyn. Nếu bầu cử được tiến hành ngay ở thời điểm đó, 45% người được hỏi sẽ ủng hộ đảng Bảo thủ, tăng 9 điểm chỉ sau 1 tháng nắm quyền của Theresa May. Đây cũng là tỷ lệ ủng hộ cao nhất mà đảng này giành được từ năm 2009.