Vũ khí đặc biệt giúp Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan nổi danh

Tiểu Mã |

Thời niên thiếu, cả Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan đều từng khiến làng võ phải ngưỡng mộ với những màn múa thương vô cùng đẹp mắt.

Vốn bắt nguồn từ wushu (mà chủ yếu là taolu) nên các ngôi sao võ thuật như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan đều rất giỏi về thương thuật.

Thời trẻ, trong khi Lý Liên Kiệt liên tục giật giải quán quân trong các kỳ thi võ thuật toàn Trung Hoa với màn múa thương và kiếm rất đẹp mắt, thì Chân Tử Đan cũng sở hữu những kỹ năng không hề kém cạnh.

Vậy thương là loại binh khí có đặc điểm gì nổi bật để các cao thủ yêu thích và thường xuyên tập luyện như vậy?

Một trong những “Vua của các binh khí”

Thương là một loại vũ khí tương tự như giáo hoặc mâu, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cách đây hàng ngàn năm, thương với tính thực chiến cao đã được phổ biến rộng rãi trên chiến trường của Trung Hoa cũng như một số nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên....

Trong chiến tranh, thương đặc biệt thích hợp cho kỵ binh và bộ binh do tính chất linh hoạt uyển chuyển và dễ sử dụng cộng với uy lực lớn, hiểm tiện cho cả việc tấn công lẫn phòng thủ.

Đây còn là một vũ khí cơ bản trong Thập bát ban binh khí (18 loại binh khí), nó cùng với côn, đao và kiếm được xếp vào hàng "Vua của các binh khí".

Trong sử sách, thương cũng gắn với những tên tuổi huyền thoại như Triệu Tử Long, Mã Siêu (thời Tam Quốc) hay Nhạc Phi (thời Tống)…

Cả Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan đều rất giỏi về thương thuật.
Cả Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan đều rất giỏi về thương thuật.

Qua nhiều thời kỳ, thương pháp tiếp tục được phát triển chuyên sâu, nhiều kỹ thuật đánh mới ra đời đặc biệt là được ứng dụng trong môn võ Bát Cực Quyền với đại biểu xuất sắc tên "Thần thương” Lý Thư Văn.

Ngoài ra còn có Trương Cảnh Tinh, Hoàng Tứ Hải cũng được giới võ thuật tôn xưng "Thần thương". Ở Nhật Bản, tổ sư Aikido là Ueshiba Morihei cũng được cho là người rất tinh thông thương thuật.

Với tính chất phổ biến như vậy, không lạ khi ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan đã rất yêu thích và tập luyện thương từ nhỏ.

Về sau, với việc đi theo nghiệp điện ảnh thay vì VĐV, cả 2 ngôi sao này đều ít nhiều phô diễn những “tuyệt kỹ” thương thuật trên màn ảnh.

Màn chiến đấu giữa thương với kiếm của Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan trong phim

Trong thể thao hiện đại, tiêu biểu như môn taolu (wushu) thì những bài tập thương thuật là điều gần như bắt buộc với mọi VĐV. Đây cũng là nội dung không thể thiếu ở các cuộc thi taolu.

Ngoài ra thì hiện nay vẫn còn nhiều môn võ duy trì tập luyện môn thương pháp như Hình ý quyền của Thiếu Lâm, Bát Cực Quyền hay võ cổ truyền của Việt Nam…

Ở nước ta, dưới thời Tây Sơn, kỹ thuật đánh thương cũng đã rất phát triển, tiêu biểu nhất là bài Độc Lư thương.

VĐV Dương Thúy Vi biểu diễn thương thuật.
VĐV Dương Thúy Vi biểu diễn thương thuật.

Riêng môn wushu, nhiều VĐV Việt Nam rất giỏi dùng thương như những bậc đàn chị “lão làng” Thúy Hiền, Mỹ Đức hay lớp “hậu bối” Dương Thúy Vi…

Những cây thương huyền thoại trong lịch sử

Kỳ Lân Lượng Ngân Thương của Lư Tuấn Nghĩa

Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa là một danh tướng có võ công vào loại cao nhất trong số 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.

Cây Kỳ Lân Lượng Ngân Thương có lưỡi rất nhọn và sắc bén, đã cùng nhân vật này đánh đông dẹp bắc, tạo nên nhiều chiến công vang dội cho nghĩa quân Lương Sơn.

Cây Bát xà mâu của Lâm Xung.
Cây Bát xà mâu của Lâm Xung.

Bát xà mâu của Lâm Xung, Trương Phi

Là một biến thể từ thương, cây mâu của Lâm Xung có lưỡi dài hơn và thêm những đường cong, uốn lượn như thân rắn, đầu được mài sắc, mô phỏng rắn đang há miệng.

Vũ khí lợi hại này góp phần lớn tạo nên hình tượng Lâm giáo đầu bất khả chiến bại trong tác phẩm Thủy Hử.

Trong sử sách còn ghi rằng nhân vật Trương Phi thời Tam Quốc cũng từng sử dụng một cây Bát xà mâu với sức mạnh vô cùng lợi hại.


Mô tả Câu Liêm Thương.

Mô tả Câu Liêm Thương.

Câu Liêm Thương của Kim Sang Thủ Từ Ninh

Cây thương này được biến tấu có thêm hai lưỡi cong, thường dùng để tước vũ khí của đối phương và có tác dụng lớn hơn khi chiến đấu trên lưng ngựa.


Mô tả Tam Tiêm Thương.

Mô tả Tam Tiêm Thương.

Tam Tiêm Thương của Khương Duy

Cây thương này phần đầu được làm to, mài sắc hai cạnh, đầu của thương được chẻ làm ba. Cây thương này có thể bổ mạnh uy hiếp đối thủ, móc gây hoảng sợ, kẹp vũ khí và có thể đâm làm đối thủ ngã ngựa.

Ngoài những cây thương này, thương cũng là binh khí gắn liền một số nhân vật khác như Triệu Tử Long (thời Tam Quốc) hay Mã Siêu (thời Tống)…

Muốn “tuyệt đỉnh”, phải luyện cả đời

Trong các loại binh khí thì thương rất khó luyện, người Trung Hoa có câu: "Nguyệt Côn, Niên Đao, Nhất bối tử Thương".

Tức là luyện côn tính tháng, luyện đao tính năm, nhưng luyện thương thì cả đời. Muốn dùng thương thật giỏi, phải cần mấy năm công phu cơ bản nếu không chỉ là cái vỏ rỗng.

Động tác của thương phần lớn lấy công lực, thực dụng làm chính. Pháp dụng thương (thương pháp) thì thương đi như tên bắn, lúc hồi thương (kéo thương về) thì phải liền mạch.

Luyện thương pháp thì theo thứ tự "nhất tiệt, nhị tiến, tam lan, tứ triền, ngũ nã, lục trực". Thương pháp luyện đến chỗ tinh diệu sẽ có được thân pháp mau lẹ uyển chuyển.

Vì thân thương dài, biên độ động tác rộng lớn, nên khi tập đại thương yêu cầu thân không rời thương, thương không rời trung tâm, phải có lực ở cánh tay, lực hông, lực chân và thân pháp uyển chuyển, bộ pháp nhanh nhẹn.

Chiêm ngưỡng màn đối luyện thương thuật tuyệt đỉnh của hai VĐV wushu

Khi đâm thương chú ý sao cho thân, bộ đẩy ra trước, giá lên trên khi đến đỉnh đầu là phải rút về, khi đè được khí giới của đối phương là phải hồi thương chuyển thế ngay.

Thương pháp của các môn phái võ, các danh gia tuy nhiều nhưng tựu chung có đâm, thọc, khều, gạt, lăn, giã, lắc, quấn, đỡ, đè, chặn…Ngoài ra, các thức trong thương pháp rất đa dạng.

Giải mã tuyệt chiêu Hồi mã thương

Đây là một kỹ thuật trong các cuộc chiến đấu bằng thương thời cổ, được coi là một tuyệt chiêu võ thuật bắt nguồn từ thời nhà Tống (Trung Quốc).

Kỹ thuật cốt yếu của Hồi mã thương nguyên thủy phải gồm 3 yếu tố đó là vũ khí (thương), phương tiện (ngựa - mã) và chiến thuật (hồi - đột ngột tập kích trở lại).

Nói chung đây là một chiến thuật chiến đấu mà các chiến sĩ chủ yếu dùng cây thương làm vũ khí. Trong chiêu này, người ta giả vờ thua chạy, nhử cho đối thủ đuổi theo thật sát sau lưng rồi bất ngờ quay ngựa phóng thương (hoặc đâm ngược) để phản kích.

Sự độc đáo của đòn hồi mã thương là tính bất ngờ, khiến đối phương không kịp trở tay. Sự hiệu quả đã khiến độc chiêu này được sử dụng rộng rãi trong võ thuật Trung Hoa.

Đặc biệt, thuật ngữ "Hồi mã thương" không chỉ đơn thuần đề cập về một thế võ, đòn đánh.

Mà nó đã được nâng lên thành một thuật ngữ để chỉ sự phản kích, phản công của một người với đối thủ trong cuộc thi đấu, hoặc chỉ một chiến thuật trong thi đấu hay trong đời sống.

Thuật ngữ này cũng hay được các nhà báo thể thao sử dụng trong việc diễn tả các trận bóng đá để mô tả về lối chơi phòng thủ phản công sắc bén hoặc các trận đấu có sự lội ngược dòng về tỷ số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại