VPF- tiền lãi từ trên trời rơi xuống?

hongtrang |

VPF công bố lãi hơn 30 tỉ đồng sau năm đầu tiên điều hành V-League.

VPF thu tiền từ những nguồn nào?

Có 2 con số về số tiền lãi đã được đưa ra, một là VPF đã tuyên bố lãi hơn 60 tỷ, sau đó còn số lãi được công bố giảm xuống 1 nửa, chỉ “còn” 30 tỷ đồng.

Vấn đề là VPF mới chỉ có một buổi họp sơ kết giải, không cho phép báo chí tham dự. Mùa giải đã hết, VPF chỉ định tổ chức một buổi lễ Gala để tổng kết mà không tổ chức họp tổng kết giải.

Sau khi biết thông tin này, VFF đã “tuýt còi” và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã có công văn yêu cầu VPF phải tiến hành lễ tổng kết giải và có văn bản tổng kết báo cáo gửi VFF.

Việc VPF tuyên bố một số tiền lãi khá lớn sau mùa giải đầu tiên là một điều đáng mừng, cho tổ chức này nói riêng và cho bóng đá Việt Nam nói chung. Bóng đá đã không còn là lĩnh vực mà người ta cứ phải đổ tiền tấn vào và thu về những giá trị rất “ảo”, một một “giá trị” khác nào đó chỉ thuộc về các ông bầu, những người bỏ tiền ra để làm bóng đá với mục đích tuyên bố là “vì tình yêu”.

Tổ chức điều hành giải đấu thu lãi từ chính giải đấu, và sẽ dùng số tiền đó để tái đầu tư vào giải đấu, nâng cao chất lượng bóng đá, như chính mục đích mà các ông bầu đề ra ban đầu, bên cạnh việc quyết tâm làm bóng đá sạch.

vpftien-lai-tu-tren-troi-roi-xuong

Nhưng cũng bình tĩnh để suy xét, thì số tiền ấy đến từ đâu?

Khoản tiền bán vé xem trận đấu, thì thuộc về các CLB, mà ở V-League, với hầu hết các CLB, thì cũng đừng trông mong vào tiền bán vé. Khoản tiền các đội bóng đóng góp là chi phí để tổ chức giải.

Vậy thì khoản thu của VPF đến từ đâu. Sẽ đến từ 3 nguồn: tiền tài trợ, tiền bản quyền TH, và khoản tiền từ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. Trừ chi phí tổ chức giải thì sẽ ra tiền lãi.

Vậy thì tiền có “từ trên trời rơi xuống”?

Ngay từ ngày đầu thành lập, vấn đề được làm mạnh mẽ nhất và quyết liệt nhất. Bầu Kiên khi chiến đấu để lấy lại bản hợp đồng bản quyền TH đã công bố một con số khiến người ta phải choáng váng là tiền thu về từ bản quyền TH có thể lân đến vài chục tỉ một năm ??!.

Khi chuyển giao bản hợp đồng bản quyền TH đã kí với VFF, đơn vị nắm giữ bản quyền TH trước đó đã “thòng” theo cam kết VPF phải thu về số tiền khoảng 50 tỷ.

Thế nhưng, cho đến sau khi mùa giải kết thúc, thì nhiều người vẫn thắc mắc về số tiền thực nhận thu được từ bản quyền TH? Đó là tiền thu được từ quảng cáo ở các trận đấu bóng đá V-League được tường thuật trực tiếp hay thế nào? Chưa có tổng kết báo cáo, nên chưa ai rõ.

Bầu Kiên cũng đã tuyên bố sẽ thu được một khoản tiền lớn từ hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, với danh sách khoảng 10 doanh nghiệp trong danh sách này.

Tuy vậy, đã có nhiều thông tin rằng chưa có doanh nghiệp nào “quyên góp từ thiện” cả, mà mới chỉ có bầu Đức thực chi 5 tỷ đồng. Hiện tại các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh khó khăn, và việc chi tiền cho bóng đá e rằng khó. Bầu Kiên bị bắt, việc doanh nghiệp nào sẽ bảo trợ, bảo trợ bao nhiêu, trở thành một câu hỏi bị bỏ lửng đáp án.

Khi được chuyển giao quyền điều hành giải, VFF chuyển giao cho VPF các hợp đồng tài trợ cũ. Bao gồm khoảng 30 tỉ tài trợ giải V-League của Eximbank (hợp đồng 3 năm có giá trị 90 tỉ), và khoảng hơn 10 tỷ của Tôn Hoa Sen tài trợ cho giải hạng Nhất.

Với số tiền thu được tổng cộng khoảng 50 tỷ, gồm cả chi phí các CLB đóng góp, VPF chỉ tổ chức giải mất chi phí 20 tỷ, và lãi ra tận 30 tỷ, thì quả thật rất tài, quả là quá tiết kiệm, khi mọi thứ chi phí đã tăng lên.

Và nếu đúng như vậy, thì nếu thẳng thắn với nhau, VPF đã chưa “làm ra” xu nào, vì 2 bản hợp đồng với 2 nhà tài trợ kia là do VFF “kiếm ra”, kí từ trước khi VPF nhảy vào điều hành giải.

Thôi thì cứ tạm tin VPF đã làm ăn có lãi thật, 30 tỉ tiền lãi ấy, nếu cố tin thì có thể tin được, chứ con số 60 tỉ như ai đó đã công bố thì e rằng chỉ là…chém gió.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại