Theo phân tích của một lãnh đạo VFF, khoản tiền 6 tỷ đồng/mùa giải (lũy
tiến 10% theo từng năm, đạt tổng giá trị trong 20 năm là 337,6 tỷ đồng)
thu từ hợp đồng bán bản quyền V.League cho AVG (Công ty cổ phần nghe
nhìn Toàn cầu), tưởng lớn, nhưng thực chất chỉ là… phụ, nếu so với doanh
thu quảng cáo trong tương lai.
Các ông bầu tin rằng VPF đủ khả năng đảm bảo nguồn tài chính cho VFF chăm lo cho ĐTQG và các đội trẻ Ảnh: VSI.
Theo hợp đồng với AVG, thì VFF sẽ được hưởng thêm 20% doanh thu thực tế của AVG (doanh thu - chi phí bán hàng x 20%) từ khai thác.
Đến đây thì có thể hiểu vì sao, chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên ra yêu cầu mạnh mẽ đến thế, về việc VFF cần phải xem xét lại vấn đề ký hợp đồng độc quyền bản quyền truyền hình cho AVG. Dĩ nhiên, dư luận hẳn có lý khi cho rằng VFF đã bị “hớ” khi ký hợp đồng với các điều khoản kể trên với AVG.
Chưa hết. Nếu đúng như phát biểu của chủ tịch CLB bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức trên báo Thanh Niên mới đây, thì với việc VPF được thành lập, và đề án cá cược bóng đá được thông qua, “VPF sẽ nắm luôn”.
Nhắc lại một chút là tại thời điểm soạn thảo đề án cá cược bóng đá cách đây 5 năm (2006), Phó chủ nhiệm UBTDTT khi ấy, ông Huỳnh Vĩnh Ái từng tính toán, mỗi năm doanh thu từ hoạt động cá cược có thể đem lại 700-800 tỷ đồng.
Theo Tiền phong