Vì sao Sterling rất dễ... hư hỏng?

Không phải bỗng nhiên HLV Rodgers lại nói về một tình trạng nhức nhối chung của toàn xã hội Anh, khi được hỏi về Raheem Sterling.

Trong buổi họp báo trước trận khai màn Premier League gặp Southampton vào thứ Sáu (ngày 15/8) vừa qua, khi được hỏi về việc liệu ông sẽ “đỡ đầu” ra sao cho tài năng trẻ hàng đầu xứ sở sương mù hiện tại là Raheem Sterling, HLV Brendan Rodgers đã không dừng lại ở một trường hợp cụ thể.

Ông lên tiếng cảnh báo: “Đang có một vấn đề rất lớn với những cầu thủ Anh quốc. Vì sao? Vì phần thưởng cho những nỗ lực không còn, họ dễ dàng đánh mất sự khát khao. Những cầu thủ suốt ngày vòng vèo về chuyện mua con xe Range Rover thể thao mới, dù thậm chí còn chưa có cả bằng lái.”

Nhà cầm quân người Bắc Ireland tỏ ra chắc chắn về trường hợp của Sterling nói riêng. Nhưng những nhận định của ông về tình hình xã hội nói chung là tương đối... bất lực.

Phong trào cha mẹ... ăn bám

Với sự phát triển vượt bậc của nền tài chính bóng đá tại Anh những năm qua, nhất là kể từ khi Premier League ra đời năm 1992, xã hội đất nước này đang hình thành một bộ phận đáng chê trách. Đó là những ông bố, bà mẹ sẵn sàng bỏ công việc, về hưu non để... lo cho cuộc sống chơi bóng của con cái.

Với mức lương trung bình 1.000 bảng/tuần cho những cầu thủ trẻ, họ chẳng cần phải đi làm nữa. Thay vào đó, họ đứng ra làm người đại diện, bảo hộ cho những cái tên chưa đủ 18 tuổi. Đưa đón, chăm sóc, vuốt ve những cầu thủ bóng đá cấp học viện trẻ xem ra là điều gì đó rất bình thường với những người trung niên còn nhiều sức lao động này. Đem so sánh khoản tiền nói trên với mức thu nhập trung bình khoảng 7.000 bảng/năm cho một công dân Anh, xem ra mọi thứ lại là rất dễ hiểu.

Điều này khiến cho các cầu thủ bị bó hẹp về cách suy nghĩ khi còn trẻ. Có gì đã có phụ huynh lo, còn họ chỉ cần lo tập đá bóng, nhận lương, xin một khoản rồi ăn chơi mua sắm.

Có một chút tiềm năng, họ sẽ được các đội bóng lớn mua về. Những bản hợp đồng được bộ phận đại diện lồng thêm vài khoản phí giúp các bậc phụ huynh sống khỏe mạnh, còn con cái họ chính thức được cầm và sử dụng lương như những “người lớn”. Nhưng rồi họ chẳng có chút kinh nghiệm sống nào và dễ dàng sa đà ăn chơi, cư xử như những đứa trẻ. Andy Carroll, Ravel Morrison là những ví dụ điển hình.

Làm gì để thay đổi?

Theo nhà báo Henry Winter của tờ Telegraph, cần có những biện pháp giáo dục các cầu thủ trẻ ngay từ khi còn chưa đủ khả năng chịu trách nhiệm cho bản thân. Ông trích dẫn những ví dụ về bố mẹ của Theo Walcott hay Alex Oxlade-Chamberlain, những người luôn chỉ bảo cho con cái phải trái đúng sai và yêu cầu họ tự quyết định cuộc sống, thay vì ôm đồm rồi để con hư. Ngay từ khi còn rất trẻ, cả hai đều đã biết suy nghĩ, cư xử một cách trưởng thành.

Winter cho rằng việc này không khó, bởi vấn đề nằm ở FA - tổ chức luôn yêu cầu có người đi kèm cầu thủ trẻ trong các buổi họp báo ở các cấp ĐTQG. Phóng viên hỏi gì thì người này sẽ trả lời hộ. Thế thì làm sao một cầu thủ có thể trở nên kinh nghiệm, vững vàng trước những thử thách từ truyền thông?

Vincent Kompany, thủ quân Manchester City, cũng góp lời rằng nếu không nhận được cơ hội ở Anh thì các cầu thủ trẻ nên xuất ngoại, thi đấu cho những đội nhỏ hơn ở những giải đấu nhỏ hơn. Anh cho rằng kinh nghiệm ra sân và quan trọng nhất là trải nghiệm sống của mỗi người sẽ tăng lên đáng kể, mà chính là thế hệ của ĐTQG Bỉ hiện tại là hình mẫu.

Trải nghiệm cuộc sống cũng như học luật để lấy một tấm bằng lái ôtô. Và chỉ khi ấy, những cầu thủ - con người biết rõ mình cần làm gì cho có ích mới nên hưởng giàu sang trên những chiếc Range Rover đời mới...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại