Vì đâu mà HLV giỏi đua nhau kéo về Premier League?

Premier League dường như không còn là thiên đường của các cầu thủ lớn khi Falcao, Moutinho, Rodriguez, Cavani… chưa đến còn Bale, Tevez, Rooney đang nhấp nhổm ra đi. Tuy nhiên, đối với các chiến lược gia thì nước Anh vẫn là một điểm đến đầy hấp dẫn.

Cơn mưa HLV giỏi Jose Mourinho chính thức trở lại dẫn dắt Chelsea theo một bản hợp đồng 4 năm trị giá 40 triệu bảng. Đây là điều đã được dự báo trước, nhưng sự hiện diện của Mou ở Stamford Bridge vẫn khiến không ít CĐV cũng như quan chức của “The Blues” vui mừng. Cách đó hơn 300km về hướng Tây Bắc, Manuel Pellegrini cũng sắp sửa hạ cánh xuống sân Etihad trong vai trò HLV trưởng của Manchester City.

Dù các bên vẫn chưa tổ chức lễ ra mắt chính thức, việc “El Ingeniero” đặt bút ký vào bản hợp đồng với Man City chỉ còn là vấn đề thời gian. Như vậy, chỉ trong vòng vài ngày thì Premier League đã chào đón hai tên tuổi lớn trong làng huấn luyện, một thành tích đáng kể so với La Liga hay Serie A. Trước khi bị Premier League “hút máu” với hai thương vụ Mourinho và Pellegrini thì La Liga cũng đã phải nói lời chia tay với Pep Guardiola, một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất của bóng đá đương đại, còn Serie A chỉ có thể hài lòng với một gương mặt bị Chelsea thải loại như Rafa Benitez (đến Napoli).

Vì đâu mà HLV giỏi cứ lũ lượt kéo về Premier League?
Premier League hứa hẹn sẽ thêm phần hấp dẫn với sự có mặt của Mou

Thực ra Mourinho hay Pellegrini không phải là những bộ óc lớn duy nhất đến với bóng đá Anh thời gian gần đây. Chỉ trong khoảng 3-4 năm gần nhất thì lần lượt những Guus Hiddink, Carlo Ancelotti, Roberto Mancini và Roberto Di Matteo đã lựa chọn Premier League làm địa điểm hành nghề mới, đó là chưa kể những bản HĐ hơi kém danh tiếng nhưng không hề thiếu thành công như Roberto Martinez (Wigan) hay Michael Laudrup (Swansea). Mảnh đất màu mỡ Vậy tại sao các HLV giỏi ở châu Âu lục địa lại đổ đến Premier League? Đầu tiên, phải kể đến chiến lược marketing hết sức thành công của BTC giải đấu này.

Kiên nhẫn như Premier League

Trái với định kiến thông thường, các đội bóng ở Premier League (có lẽ chỉ trừ Chelsea) khá kiên nhẫn với HLV. Những “thuyền trưởng” mới thường được trao cơ hội thể hiện trong vòng 2-3 mùa giải, trong khi ở La Liga hay Serie A thì họ phải mang về thành công ngay lập tức nếu không muốn bị sa thải. Để so sánh, tổng số năm tại vị của 20 HLV ở Premier League mùa giải 2012/13 là 80 (4 năm/người), trong khi ở Serie A là 29 (1,5 năm/người) và La Liga là 39 (2 năm/người).

Premier League hiện là giải VĐQG phổ biến nhất thế giới, với giá trị bản quyền truyền hình thậm chí cao gấp đôi Champions League, và làm việc ở đây sẽ giúp các HLV đánh bóng thương hiệu một cách đáng kể. Tiếp theo, các CLB lớn ở giải Ngoại hạng Anh thường không tin tưởng “hàng nội địa”, và trường hợp của David Moyes (từ Everton sang M.U) chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi (thực ra họ cũng có lý, bởi suốt từ năm 1995 đến nay chưa có HLV nào chuyển từ một CLB nhỏ sang một CLB lớn lại có thể kết thúc mùa giải trong tốp hai đội dẫn đầu).

Do đó, các đại gia Premier League có xu hướng trải thảm đỏ mời chào các chiến lược gia nước ngoài bằng những bản HĐ rất béo bở, và ít ai có thể từ chối sức hấp dẫn của tiền bạc. Cuối cùng, các cầu thủ ở Anh thường rất ngoan ngoãn nghe lời HLV.

Arsene Wenger từng tiết lộ: “Ở Pháp hay Italia, mỗi khi bạn yêu cầu các học trò làm điều gì thì họ sẽ lập tức tư duy xem điều đó có đúng hay không? Tại sao họ lại phải làm thế? Thậm chí bạn còn có thể bị chất vấn ngược lại. Nhưng ở Anh thì không, các cầu thủ sẽ răm rắp tuân theo chỉ đạo dù bạn có bảo họ đâm đầu vào tường”. Đứng trước một môi trường thuận lợi để áp đặt tư duy chiến thuật như thế, các HLV không đổ xô đến mới là lạ…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại