VFF, cây cầu vượt và 10 tỷ đồng

Đức Phan |

(Soha.vn) - Tư duy ngắn hạn theo kiểu nhiệm kì là cái gông kìm kẹp sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Hôm nay (4/4), dư luận được một phen xôn xao trước thông tin Hà Nội sẽ phải đầu tư 10 tỷ đồng nâng cấp cầu Láng Hạ - Thái Hà nhằm đáp ứng đủ điều kiện cho xe buýt nhanh chạy qua. Điều đáng nói là cây cầu vượt dầm thép này mới chỉ vừa hoàn thành xây dựng và thông xe chưa đầy 1 năm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ngay từ đầu, cây cầu lại không được thiết kế phù hợp với tuyến buýt nhanh? Để rồi chỉ sau 1 thời gian ngắn đã phải sửa chữa, điều chỉnh với chi phí dĩ nhiên sẽ đắt đỏ hơn đáng kể. Câu chuyện này phần nào cho thấy tầm nhìn hạn chế, ngắn hạn và đầy chắp vá các nhà quy hoạch thủ đô.


	Tư duy nhiệm kì là cái gông kìm kẹp sự phát triển bóng đá Việt Nam

Tư duy nhiệm kì là cái gông kìm kẹp sự phát triển bóng đá Việt Nam

Nó cũng tương tự như việc LĐBĐ Việt Nam (VFF) vừa thành công trong việc xin đăng cai AFF Suzuki Cup 2014; nhưng hầu hết các Lãnh đạo chủ chốt của VFF đều từ chối trả lời về công tác chuẩn bị cho giải đấu này. Thoáng nghe thì mọi thứ có vẻ đầy mâu thuẫn, nhưng nếu suy xét kĩ thì nó lại đầy logic trong bối cảnh VFF nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thực tế, rất nhiều lãnh đạo VFF ở thời điểm này chưa chắc đã tại vị đến năm 2014 khi mà Đại hội nhiệm kì mới sẽ diễn ra vào tháng 6, trong đó có cả những vị trí quan trọng nhất như Chủ tịch hay Tổng thư ký. Vì thế, có thể hiểu, tổ chức AFF Suzuki Cup 2014 không phải là việc của họ hay rộng ra nữa là không phải của VFF nhiệm kì VI này.

Suy nghĩ việc-ai-người-nấy-làm, lộc-ai-người-ấy-hưởng này có lẽ không sai. Chỉ có điều, chắc chắn những tư duy ngắn hạn theo kiểu nhiệm kì này là cái gông kìm kẹp sự phát triển của bóng đá Việt Nam . Hậu quả là gần 20 năm sau chiếc HCB lịch sử tại Sea Games 18 tại Chaing Mai - Thái Lan (1995) chúng ta vẫn quanh quẩn ở vùng trũng nhất của bóng đá thế giới, nếu không muốn nói là còn thụt lùi so với chính mình.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam lọp vào top 10 Châu Á vào năm 2030. Nhưng liệu rằng với tư duy theo kiểu nhiệm kì vẫn đang diễn ra như vậy không hiểu VFF sẽ lãnh đạo, đưa bóng đá Việt Nam vào Top 10 Châu lục bằng cách nào? Hay hàng đống tiền từ ngân sách nhà nước sẽ lại bị lãng phí một cách vô ích đầy đáng tiếc như câu chuyện chiếc cầu vượt và 10 tỷ đồng kia?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại