Bị dân xã hội đến tận đội đòi nợ
Mùa giải 2012, để phục vụ cho mục tiêu thăng hạng, Quảng Nam đổ khá nhiều tiền vào TTCN để tăng cường lực lượng. Đội bóng này đã chiêu mộ được không ít cái tên nổi bật, trong đó có Từ Hữu Phước, tuyển thủ U.23 QG.
Trên lý thuyết, cầu thủ người Khánh Hòa là bản hợp đồng đáng giá. Hữu Phước khá đa năng, có thể đá tốt cả vị trí trung vệ lẫn tiền vệ trụ. Anh cũng là mẫu cầu thủ đá bóng có đầu óc cùng khả năng đánh chặn không tồi. Thế nhưng, chỉ sau 4 vòng đấu Quảng Nam đã phải nói lời chia tay với cựu cầu thủ Hải Phòng.
Lý do chính cho cuộc chia ly được CLB phát ra là bởi Hữu Phước tập trung muộn 2 ngày. Nhưng thực tế, BLĐ CLB không chịu được đời sống sinh hoạt ngoài bóng đá của cựu cầu thủ K.Khánh Hòa và V.Hải Phòng.
Số là sau khi trở về từ ĐT Olympic, Hữu Phước đã thay đổi rất nhiều, hay rượu chè, đi bar và nhất là mê trò đỏ đen. Đặc biệt, sẵn rủng rỉnh tiền, Hữu Phước “đánh” khá mạnh tay trên những trang mạng cá độ bóng đá.
Để rồi khi không đủ khả năng chi trả, anh đã phải khất hẹn hết lần này tới lần khác với những chủ nợ. Không đủ kiên nhẫn, các chủ mạng phải cho người đến tận CLB.
Rất lịch sự, họ hỏi thăm Hữu Phước và nhờ CLB nhắn với Hữu Phước rằng anh đã nợ quá nhiều và quá lâu, nếu CLB nói Phước trả đúng hạn họ sẽ… cảm ơn rất nhiều! Bất kể cách nói chuyện rất lịch sự của những tay giang hồ có số má, nhưng BLĐ Quảng Nam đã hết hồn rồi lập tức xác minh thông tin.
Chỉ đến khi Hữu Phước thú nhận và nhìn lại chuỗi phong độ nghèo nàn trước đó, lãnh đạo CLB Quảng Nam buộc phải chọn giải pháp “tráng sĩ chặt tay”, sa thải Hữu Phước nhằm giữ “sạch” môi trường.
Hữu Phước đã rời Quảng Nam và rất lâu rồi người ta không còn nghe đến tên anh trong đời sống bóng đá chuyên nghiệp.
Sao càng lớn, nợ càng sâu
Câu chuyện của Từ Hữu Phước chỉ là tiêu biểu cho một thế hệ cầu thủ Việt Nam. Họ nhờ sinh đúng thời đã nhanh chóng trở thành lớp công dân có thu nhập cao của xã hội, lương cứng mỗi tháng vài chục triệu, thắng một trận tiền thưởng có khi bằng cả tiền lương.
Nhẩm ra một cầu thủ thuộc diện “mì chính cánh” tại V-League mỗi tháng bỏ túi trăm triệu đồng chẳng có gì lạ.
Khổ nỗi, thu nhập tăng trong khi công cuộc định hướng nhận thức cầu thủ trong quá trình đào tạo vẫn giậm chân tại chỗ. Kiếm tiền quá dễ, lại sẵn rất nhiều cám dỗ xung quanh đã khiến rất nhiều cầu thủ tập tành với thói vung tiền như rác.
Chuyện bóng bánh, cờ bạc như lẽ tất nhiên cũng lặng lẽ xâm nhập vào. Một năm bỏ túi đôi 3 tỷ đồng, thì việc mỗi cuối tuần vứt vài triệu quả thật là "mắt muỗi".
Có điều, cờ bạc dễ dính nhưng khó bỏ, càng chơi càng dính sâu. Hình ảnh các cầu thủ lai rai rượu bia sau trận đấu, trong đó vài người vừa cầm ly vừa ôm laptop “tí tách” các trang cá cược đã trở nên hết sức quen thuộc.
Chưa có một thống kê chính thức nào nhưng có một điều chắc chắn ở V-League và hạng Nhất, không có đội nào không có cầu thủ dính vào bóng banh, cá độ. Công nghệ thông tin ngày một hiện đại càng khiến cầu thủ dễ dính chàm.
CLB tắt wifi, cứ việc cắm 3G vào laptop. Đấy là chưa kể những smartphone hiện đại có thể lướt web ầm ầm bất kỳ nơi đâu. HLV muốn quản, chỉ là chuyện trên trời.
Trong số những cầu thủ từng dính vào bóng banh, có thể kể đến rất nhiều cái tên mà nổi bật là Như Thành. Nhưng thẳng thắn mà nói, sở dĩ Thành “kếu” được nhắc nhiều là bởi anh dám dũng cảm lên báo thừa nhận quá khứ sai lầm của mình.
Suốt thời gian qua, dù vẫn lận đận trong việc tìm lại phong độ cũ nhưng người ta đã nhìn thấy một Thành “kếu” mới. Hãy cứ hỏi trung vệ Gia Từ, người đã trưởng thành như Thánh Gióng để nhảy từ hạng Nhì lên thẳng ĐTQG.
Hậu vệ gốc Hà Tĩnh từng tâm sự: “Tôi được hưởng lợi rất nhiều nhờ 1 mùa đá cặp cùng Như Thành. Anh ấy là người đã chỉ cho tôi từng bước một, về cách di chuyển, giăng bẫy hoặc chọn thời điểm để can thiệp. Nói không quá, nếu không có Như Thành thì sẽ không có tôi ngày hôm nay”.
Trung vệ Như Thành có một quá khứ không mấy vui vẻ với những trò đỏ đen
Đẳng cấp của Thành “kếu” là điều không ai có thể phủ nhận. Đại đa số chuyên gia đều công nhận rằng anh là trung vệ số 1 trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Đẳng cấp là thế, với lối đá đầu óc thế nhưng cũng bởi sự chủ quan, Như Thành đã lỡ dính vào đỏ đen, trắng tay và rồi phải rất chật vật mới thoát ra được.
Dù gì, dũng cảm như Thành “kếu” để dám thừa nhận và rút ra khỏi là điều rất hiếm. ĐTVN từng không ít lần ghi nhận những trường hợp cầu thủ bị loại khỏi đội vì biểu hiện sinh hoạt “nguy hiểm”. Trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2012 Việt Cường đã bị loại và không bao giờ được gọi lại nữa.
Đến bây giờ, CĐV xứ Nghệ vẫn đau đáu nỗi tiếc nuối về một tài năng trẻ đã sớm chôn vùi sự nghiệp của mình vì dính vào cá độ bóng đá.
World Cup 2010 kết thúc, cũng là dấu chấm hết cho nghiệp quần đùi áo số của tiền vệ trẻ Đắc Khánh. Dính vào đỏ đen, Đắc Khánh đã không thể kiểm soát được bản thân và rồi “sập” nặng với món nợ hàng tỷ đồng.
Đến mức, giống Từ Hữu Phước, các chủ nợ đã kéo đến đại bản doanh đội đòi hỏi sự bảo lãnh. Đắc Khánh đã phải bỏ trốn và vĩnh viễn không thể nào trở lại với bóng đá đỉnh cao.
- Cá cược bóng đá chỉ là một phần của những mảng tối, nơi những cạm bẫy đã len lỏi và làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt. Người SLNA vẫn còn tiếc cho 2 tài năng trẻ là Lưu Văn Hiền và Nguyễn Văn Ý khi dính vào ma túy.
Chuyện cầu thủ chơi bời, bay lắc và như lẽ tất nhiên dính vào đỏ đen giống một vòng tròn khép kín và khi sập lại sẽ là dấu chấm hết cho những tài năng bóng đá, đặc biệt những kẻ tin tưởng vào kiến thức tinh tường của mình.