1. Năm 2000, Việt Nam trình làng lứa cầu thủ U16 tuyệt vời. Lúc đó, giải U16 châu Á diễn ra trên sân Chi Lăng của Đà Nẵng, U16 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Thịnh đã làm nức lòng người hâm mộ với thành tích tiến vào bán kết và cán đích ở vị trí thứ 4.
Những cầu thủ như Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, Minh Đức, Lâm Tấn… cũng trở nên nổi tiếng chẳng thua kém Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường, Đông Triều, Tuấn Tài… của U19 Việt Nam hiện nay.
Có điều, trong số những cầu thủ nổi như cồn của U16 Việt Nam lúc đó, chẳng có mấy người thành đạt, kể cả “thần đồng” Phạm Văn Quyến.
Tiếc nhất có lẽ là Ánh Cường. Tài năng này bị chấn thương và sau đó dở dang sự nghiệp. Còn Văn Quyến, như đã biết, tài năng xứ Nghệ dính vào vụ án bán độ tại SEA Games 23 rồi thui chột khả năng chơi bóng. Sự nghiệp của những cầu thủ như Trương Quang Tuấn, Văn Bước, Đăng Khoa, Văn Nghĩa, Khánh Hùng… chẳng thể gọi là thành công so với những gì họ thể hiện trên sân Chi Lăng năm 2000.
Vì sao thế? Giấy mực đã tốn rất nhiều để giải đáp câu hỏi này, và lời đáp nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhất là dường như bóng đá Việt Nam chưa có môi trường tốt để các tài năng trẻ phát triển tốt nhất khả năng chơi bóng của mình.
2. Năm 2013, Học viện HA.GL Arsenal JMG trình làng lứa cầu thủ đầu tiên của mình tại giải vô địch U19 Đông Nam Á và sau đó là vòng loại U19 châu Á. Ngay lập tức, U19 Việt Nam trở thành niềm cảm hứng bất tận cho bóng đá nước nhà.
U19 nhanh chóng được “đẩy lên” thành niềm hy vọng lớn lao sẽ làm thay đổi tương lai bóng đá Việt Nam. Không khó hiểu cho sự kỳ vọng ấy, bởi trong bức tranh có nhiều phần u ám của bóng đá Việt Nam hiện tại thì U19 là điểm sáng đáng để người ta gieo niềm tin.
Chỉ 1 lứa cầu thủ liệu có thay đổi nổi cả nền bóng đá?
Thế nhưng, thực tế những lần va vấp sau đó cho thấy, U19 Việt Nam mà nòng cốt là các “gà nòi” của bầu Đức không thể khoác chiếc áo tương lai của bóng đá nước nhà. Hay nói chính xác, tương lai một nền bóng đá không thể trông chờ vào một lứa cầu thủ U19.
Mới đây nhất, U19 Việt Nam thất bại cay đắng trước U19 Myanmar trong trận chung kết Cúp Hassanal Bolkiah ở Brunei. Đó là thất bại toàn diện của thầy trò HLV Guillaume Graechen khi đối phương không những không hề thua kém U19 Việt Nam về nền tảng kỹ, chiến thuật mà còn tỏ ra vượt trội về thể lực và kinh nghiệm trận mạc.
Thất bại đó trước hết nói lên rằng, U19 Việt Nam không phải là số 1 “vùng trũng”. Xa hơn, bóng đá Việt Nam muốn có một đội tuyển làm nên lịch sử thì không thể trông chờ tuyệt đối vào một lứa U19 của Học viện HA.GL.
Rất nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bóng đá Việt Nam cần nhiều Học viện như của bầu Đức thì mới mong làm nên đại sự. Nhưng trước hết, U19 Việt Nam cần hội tụ nhiều nhân tài từ các lò đào tạo khác, chứ không nên khu biệt trong khuôn viên “nhà bầu Đức”.
U19 Việt Nam mà nòng cốt là lứa cầu thủ của bầu Đức xứng đáng được tin yêu nhưng cách tốt nhất là hãy để họ chơi bóng theo cách của mình, rồi tự thân quy trình đào tạo của họ sẽ giúp cầu thủ tốt hơn cả về kỹ năng chơi bóng cũng như ý thức chuyên nghiệp và ý thức công dân. Còn nếu coi U19 là cứu cánh của nền bóng đá, hay của cá nhân, tổ chức nào đó thì đấy thực sự là một ảo tưởng.