U19 thảm bại và "căn bệnh" kinh niên của bóng đá Việt Nam

Lê Thương |

Trận thua tan nát 0-6 của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trước U19 Thái Lan tối qua đã nối dài chuỗi thất bại của bóng đá Việt Nam qua nhiều thế hệ khác nhau...

Tự làm khó mình trước khi ra trận

Một ngày trước trận chung kết với U19 Việt Nam, BHL Thái Lan đã cho các cầu thủ của mình đi bơi, mua sắm và tham quan các địa điểm du lịch ở Lào. Buổi tối, toàn đội tiếp tục đi ăn cùng nhau...

Nguyên ngày hôm ấy, họ không nói chuyện về bóng đá, về trận chung kết với Việt Nam, mà tận hưởng cảm giác hiếm hoi được các thầy cho "xả trại".

Trong khi đó, không khí căng thẳng bao trùm lên U19 Việt Nam.

Ngay từ trưa, 1 ngày trước trận đấu, các cầu thủ được nghe một tràng thuyết trình về tầm quan trọng của trận chung kết, mục tiêu giành chiến thắng, đến buổi chiều toàn đội căng sức vào tập.

Suốt đêm, các cầu thủ không thể ngủ được vì nghĩ quá nhiều đến trận đấu ngày mai.

24 giờ trước trận đấu, những từ "Thái Lan", "chức vô địch", "trận chung kết"... cứ nhảy múa, ám ảnh trong đầu cầu thủ.

Dù có muốn được một phút thư giãn cũng không được, vì cả ngày họ chỉ có thể nghĩ đến bóng đá, không thể khác được. Bản thân các cầu thủ đã chịu sức ép, nay càng bị đeo vào người những áp lực lớn hơn.

Rất dễ để thấy tâm lý của các cầu thủ căng cứng như thế nào khi nhập trận, không có cầu thủ nào đá đúng với phong độ của mình, trong khi Thái Lan cứ thoải mái chơi bóng và thoải mái ghi bàn, việc giành chiến thắng với họ cứ như đó là việc "lấy đồ trong túi".

Không chỉ bây giờ, mà cả chục năm qua, vấn đề cứ lặp lại với bóng đá Việt Nam không chỉ riêng U19 mà ở mọi cấp độ đội tuyển.

Chúng ta đá rất hay ở vòng bảng, nhưng lại thua ngớ ngẩn, theo kiểu tự thua chính mình trong những trận đấu quyết định. Vấn đề này đã được bàn, mổ xẻ, và nói rất nhiều nhưng "căn bệnh" ấy vẫn chưa thể nào chữa khỏi.

SEA Games 28, HLV Miura, một người từng học qua tâm lý học đã phải thừa nhận sai lầm khi trước trận gặp U23 Myanmar đã yêu cầu các cầu thủ tập trung quá nhiều để chuẩn bị cho trận đấu khiến họ bị tâm lý.

Ở trận tranh hạng Ba với Indonesia, ông đã cho toàn đội được thoải mái đi ăn uống, thư giãn và chỉ tập nhẹ nhàng.

Kết quả, U23 Việt Nam đã có trận đấu chia tay SEA Games rất ấn tượng và đó được coi là thành công về liệu pháp tâm lý của ông thầy người Nhật, dù nó đến hơi muộn.

Nỗi ám ảnh thành tích

Lật lại những chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam kể từ khi hội nhập (1995), đều có một điểm chung đó là các chiến thắng ấy đến ở thời điểm không có nhiều người kỳ vọng.

Khi HLV Mai Đức Chung dẫn dắt U23 Việt Nam thi đấu ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 là lúc mọi người đang còn tiếc nuối cho những Văn Quyến, Quốc Vượng và những cầu thủ rơi vào vòng lao lý.

Không ai tin những cầu thủ mới "toanh", và còn "vô danh" có thể làm nên được điều gì. Nhưng họ lại làm nên lịch sử khi giúp U23 Việt Nam tiến sâu đến vòng loại cuối cùng, chơi ngang ngửa với những đội hàng đầu châu Á.

Cũng năm 2007, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam lọt vào đến tứ kết Asian Cup với chiến thắng lịch sử trước UAE cũng đến từ có được tâm lý thoải mái khi tham dự giải đấu này mà không đặt nặng thành tích.

Hay như AFF Cup 2008, chẳng ai tin thầy trò HLV Calisto có thể làm được điều gì đó khi họ chật vật và may mắn để vượt qua vòng bảng và trước đó là chuỗi 11 trận giao hữu không biết thắng.

Trận thắng 4-1 của thầy trò HLV Miura trước Iran ở Asiad 17 đến trong thời điểm cả nước đang hân hoan và tập trung vào lứa cầu thủ U19, thậm chí không ít người quay lưng với U23 Việt Nam.

3_U19_Viet_Nam_-626fa
Thất bại của U19 Việt Nam ở trận chung kết chỉ là hình ảnh quen thuộc ở các cấp độ đội tuyển của bóng đá Việt Nam cả chục năm qua.

Tóm lại, ở cấp độ đội tuyển thì các cầu thủ Việt Nam chỉ thực sự chơi hay và đạt được những chiến tích khi mà chẳng mấy người để ý đến.

Còn khi nhận được sự quan tâm và kỳ vọng quá lớn từ người hâm mộ, họ chỉ đem đến nỗi thất vọng tột cùng.

Sự bất ổn này cho thấy nỗi ám ảnh về chiến thắng và thành tích đã ảnh hưởng cực lớn đến bóng đá Việt Nam không chỉ riêng với cầu thủ trong nhiều năm qua.

Đến ngay cả lứa Công Phượng, dù luôn hô khẩu hiệu "không quan trọng thành tích, chỉ cần đá đẹp" cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi áp lực chiến thắng, đó là lý do U19 Việt Nam với những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng... dù được đánh giá là một tập thể chất lượng nhưng cũng chẳng một lần lên ngôi ở đấu trường khu vực.

Thế nên, thất bại của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hôm qua cũng chỉ chuyện quá đỗi bình thường, vì đó vốn dĩ đã là căn bệnh kinh niên mà bóng đá Việt Nam hàng chục năm qua vẫn chưa thể chữa khỏi.

Chỉ khi nào cầu thủ thoát khỏi gánh nặng về thành tích để chơi với đôi chân và cái đầu thanh thản, người hâm mộ mới có quyền hy vọng bóng đá Việt Nam làm nên chuyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại