Roman Abramovich (Chelsea)
Nhắc tới những “tay chơi” bóng đá khét tiếng thế giới thì người phải được nói tới đầu tiên là Roman Abramovich. Có thể nói Abram đã làm thay đổi cục diện bóng đá Anh cũng như châu Âu khi sẵn sàng ném ra cả núi tiền để biến Chelsea từ một đội bóng hạng khá ở Premier League lên tầm đại gia.
Ngay khi trở thành ông chủ của Chelsea, Abram vui vẻ trả khoản nợ 80 triệu bảng cho đội bóng thành London. Rồi sau đó, nhà tài phiệt Nga dốc cả núi tiền vào các kỳ chuyển nhượng và nuôi dưỡng cầu thủ. Tính đến thời điểm này, “ông Vua giàu mỏ” nước Nga cũng đã đổ vào The Blues tới hơn 2 tỷ bảng. Cùng với đó, ông đã chịu lỗ 680 triệu bảng trong suốt 10 năm qua. Chỉ riêng số lỗ của The Blues cũng đã đủ nuôi sống nhiều đội bóng trên thế giới.
Abram thường xuyên tới Stamford Bridge để theo dõi sự phát triển của "đưa con tinh thần" Chelsea
Ngoài khả năng vung tiền, Abram còn bị nói tới như một ông chủ thích áp đặt quan điểm cá nhân vào những vấn đề nằm ngoài chuyên môn của mình, điển hình nhất là trong việc thay đổi HLV và mua sắm cầu thủ. Đã có đến cả chục HLV được Abram được gọi về rồi bị đuổi đi khỏi Chelsea như Villas-Boas, Avant Gram, Ancelotti, Mourinho... Còn về cầu thủ, ông thích Sheva – Chelsea phải có, ông muốn Torres – The Blues sẽ mua… đáng buồn ở chỗ đó đều là những bản hợp đồng thất bại của Abram.
Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan (Man City)
Thừa hưởng khoản gia sản khổng lồ từ Hoàng gia Abu Dhabi lên tới hơn 400 tỷ bảng, Al Nahyan được biết đến là một trong những người giàu có nhất thế giới khi mới 39 tuổi (năm nay ông 43 tuổi). Vậy nên chuyện bỏ ra 200 triệu bảng để mua lại Man City, đồng thời dốc thêm cả trăm triệu bảng nữa vào công tác xây dựng lò đào tạo trẻ thiết nghĩ cũng chẳng thấm vào đâu so với gia sản của Al Nahyan.
Chủ tịch Al Nahyan nhân vật kín tiếng nhưng "chịu chơi" bậc nhất Premier League
Nhưng cho dù cái Al Nahyan có giàu có đến đâu đi chăng nữa thì việc chấp nhận bỏ ra số tiền 1 tỷ bảng trong vòng 5 năm để “mua” 1 cúp Premier League và FA Cup vẫn “chát” quá. Đấy là còn chưa kể tới chuyện ông chủ của Man City sẵn sàng bỏ ra gói cứu trợ lên tới 6 tỷ bảng để gián tiếp cứu giúp giải Ngoại hạng qua cổng ngân hàng để đi qua thời gian khó, tất nhiên ông cũng sẽ được nhận lại những quyền lợi nhất định.
Còn một việc làm khá “bá đạo” khác cần phải được nhắc tới Man City, thật hiếm khi nào NHM lại có thể được thấy 1 CLB chuyên nghiệp ở châu Âu vẫn đứng ra mua sắm cầu thủ mà chẳng cần sự hiện diện của HLV.
Massimo Moratti (Inter Milan)
Kế thừa tình yêu bóng đá và cả cương vị Chủ tịch Inter Milan từ người cha Angelo Moratti, Massimo được xem là một trong những ông chủ thành công và nhiệt tình nhất với Nerazzurri. Ông đến với bóng đá bằng niềm đam mê, tình yêu đích thực và chưa bao giờ than vãn về chuyện dốc tiền dốc của vào Inter mà không thu được gì.
Có một câu chuyện khá thú vị về Moratti được truyền bá như sau: Khi nghe bà vợ Milly cằn nhằn: “Sao ông cứ dốc tiền của vào Inter vậy, có thành công đâu? Thà dùng tiền đó làm từ thiện cho những người khốn khổ trong xã hội còn hơn”, ông chủ Massimo Moratti đã trả lời ngay: “Trên thế giới này, còn ai khốn khổ hơn những CĐV của Inter, những người phải sống dưới cái bóng của Juve và Milan quá lâu rồi”.
Moratti chăm lo tất thảy mọi việc lớn bé ở Inter Milan
Chỉ một câu chuyện ngắn như vậy thôi cũng đủ để hiểu Moratti coi Inter và các cầu thủ cũng như CĐV đội bóng quan trọng với ông nhường nào. Từ việc lớn cho tới việc nhỏ ở Inter, ông chủ dầu mỏ 68 tuổi luôn đi sâu đi sát từng chút một dù đó là câu chuyện riêng của cầu thủ cho tới những mối lo mang tầm vĩ mô của đội bóng.
Nhiều người nói rằng Moratti cậy “nhà có điều kiện” mà hay dở thói chơi ngông, ví dụ như trả mức lương khủng cho Ibra lên tới 12 triệu euro/năm, đưa vào tay Mourinho gần 200 triệu euro để mua sắm hay tặng riêng ông thầy người BĐN chiếc Ferrari có trị giá 225.000 euro để lấy lòng… nhưng ẩn sâu bên trong ông vẫn luôn là một tình yêu đắm đuối với Inter. Có như vậy Moratti mới có thể ngồi ở chiếc ghế Chủ tịch trong suốt 16 năm qua.
Rybolovlev (Monaco)
Chủ tịch của Monaco – Rybolovlev dường như đang dần biến mình thành Abramovich của bóng đá Pháp. Đại gia phân bón người Nga mới được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây sau khi giúp cho Monaco thăng hạng lên chơi tại Ligue 1 sau một thời gian vật lộn trong muôn vàn khốn khó mang tên tiền bạc.
Trước tiên phải nói rằng Rybolovlev khá nổi tiếng trong việc sẵn sàng chuyển đổi tất cả những gì mình đang có để lao vào cuộc chơi tất tay. Ngày trước, ông sẵn sàng bỏ nghề bác sĩ để lao vào kinh doanh, ban đầu là thiết bị y tế, sau đến ngân hàng và thực sự nổi danh nhờ phân bón.
Ông chủ Rybolovlev cũng đã bỏ không ít tiền bạc và tâm huyết vào Monaco
Đến năm 2011, Rybolovlev quyết định mua lại 66% cổ phần Monaco, khi đội bóng này đang trên đà trượt dốc không phanh được xem là một việc làm khá mạo hiểm. Nhưng ông sẵn sàng đánh đổi tất cả và cùng đội bóng Công quốc Monaco vượt qua gian nan khi phải xuống chơi tại giải Ligue 2. Để rồi chỉ sau đúng 1 năm, với những khoản đầu tư mạnh mẽ và chính sách hoạt động của một nhà kinh tế, Rybolovlev đã đưa đội bóng danh tiếng bậc nhất nước Pháp quay trở lại Ligue 1.
Đánh dấu mốc cho sự trở lại của mình, Rybolovlev hay Monaco đã hoàn thành thương vụ bom tấn trong mùa Hè này khi hoàn tất việc đưa Falcao từ Atletico tới Pháp. Chuyển tới Monaco trong mùa Hè năm nay còn có James Rodriguez và Joao Moutinho, chỉ riêng 3 bản hợp đồng nêu trên thôi cũng đã “đốt” của Rybolovlev khoản tiền lên tới gần 90 triệu bảng. Và cũng chưa biết được sắp tới Monaco sẽ mua thêm được những ai, với số tiền bao nhiêu. Chỉ biết rằng Monaco đang trở lại với sự hẫu thuẫn vững chắc của Rybolovlev và họ cam kết rằng sẽ tiếp tục làm mưa làm gió tại Pháp và châu Âu trong thời gian tới.