Tuyết rơi ở Sapa và tấm bia lịch sử đề tên Miura

Đoàn Dự |

Xin được hỏi, số người yêu thích tuyết rơi ở Sapa nhiều hơn, hay cảm thấy xót xa nhiều hơn? Và xin được hỏi 1 câu gần giống thế cho HLV Miura!

Tuyết rơi ở Sapa và những nỗi đau tan cửa, nát nhà

Không khó để nhận thấy trong nhiều năm qua, phần đông các bạn trẻ, hoặc cũng có cả những người lớn tuổi hơn, đều cảm thấy háo hức mỗi khi Sapa có tuyết.

Trong những dịp lạnh cắt da, cắt thịt ấy, người ta đua nhau lên Sapa để hưởng cái lạnh, mong một lần nhìn thấy tuyết, một lần chụp ảnh với nó và chia sẻ như thế xung quanh đang là các hạt bụi vàng rơi xuống.

Công bằng mà nói, các hạt bụi vàng ấy mang lại nhiều điều lợi cho Sapa, xét ở khía cạnh du lịch.

Nhưng cũng mỗi dịp như thế, nhiều hộ nông dân ở đây lại phải đón nhận những nỗi đau thậm chí là tan cửa, nát nhà vì trâu bò chết hàng loạt, rau quả trồng chưa thu hoạch đã phải vứt đi.

Báo, đài nói đến điều này nhiều. Ừ thì người ta thở dài 1 cái, rồi vẫn phải lên Sapa chơi chứ, vì vui thế cơ mà! Về cơ bản đám đông luôn rất dễ vô tâm.


Tuyết ở Sapa khiến rất nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh túng quẫn.

Tuyết ở Sapa khiến rất nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh túng quẫn.

Có một cuốn sách dạy cách tồn tại từng viết thế này:

Nếu bạn bị đau giữa đông người, đừng nói vu vơ “Hãy cứu tôi!”. Vì sẽ không ai đến cứu bạn. Ai cũng nghĩ rằng “chắc bạn gọi người khác”.

Bạn cần phải gọi đích danh 1 ai đó, như “anh áo vàng”, “chị quần đỏ”, mới mong người ấy suy nghĩ thật sự có giúp mình hay không.

Chính vì cái suy nghĩ đó, đám đông đôi khi vụ lợi, chỉ mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình mà dễ quên đi cảm xúc của người khác. Đó chính là điều đang xảy ra với HLV Miura.

Sự bất công cho Miura

CĐV Trần Song Hải: “Mình rất xin lỗi bạn nhé, mình không có lý do nào để khen ông Miura được, rất thẳng thắn là như vậy”.

Tôi chắc chắn rằng với 1 vài cá nhân khi được hỏi về Miura, sẽ không khen nổi vị HLV này bất cứ điều gì.

Đó là một CĐV nổi tiếng nhiệt huyết, ông Trần Song Hải, hay một HLV cực kì tên tuổi, Lê Thụy Hải.

Đó là những con người có cá tính, họ chẳng bao giờ lẫn vào đâu được dù đứng trong đám đông.

Ý kiến của họ là rất đáng trân trọng và đều có cơ sở hợp lý dựa trên kinh nghiệm lâu năm trong bóng đá, cũng như kiến thức chuyên môn đáng kể.

Tuy nhiên, chê Miura 1 cách cực đoan như hai nhân vật trên vẫn cần nhìn nhận chỉ là một phía ý kiến. Còn thật sự vị HLV này có tệ hại đến mức không khen nổi 1 câu nào hay không khi đặt câu hỏi với đám đông?


Tiếng nhơ của Miura ở Việt Nam sẽ hằn in rất sâu, dù ông không đáng bị thế.

Tiếng nhơ của Miura ở Việt Nam sẽ hằn in rất sâu, dù ông không đáng bị thế.

Theo một cuộc khảo sát về chuyện đi hay ở của Miura hồi cuối năm ngoái, tỷ lệ người muốn ông thầy Nhật Bản rời đi lên tới 70%. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa 30% chưa muốn ông phải đi vội.

Nhưng trên khắp các diễn đàn và mặt báo, số lượng những câu từ chỉ trích vị HLV này gay gắt phải lên đến 90, thậm chí 95%.

Vì những ai bênh vực, yêu thích Miura thì không nói ra, hoặc rất ít. Chỉ những ai bức xúc mới vội viết 1 điều gì đó và nhanh chóng quẳng nó đi như nỗi tức giận mà cũng chẳng biết mình bình luận hợp tình, hợp lý hay không.

Những lý giải về cái được và chưa được của Miura, hay phần lỗi không ở riêng vị HLV này mà còn nằm tại cầu thủ, tại các cấp CLB hay tại VFF vẫn được nhắc tới.

Nhưng nó nhanh chóng tan đi như chuyện người nông dân ở Sapa thiệt hại đến thế nào mỗi lần tuyết rơi.

Tuyết ở Sapa là khái niệm đang ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam, để đại diện cho 1 thứ đẹp lung linh, huyền ảo.

Còn Miura là khái niệm cũng đang ăn sâu vào tiềm thức như thế, giống như một tấm bia trong lịch sử bóng đá Việt Nam, song lại vô cùng tệ hại và chán ngán. Đó thật sự là một nỗi bất công khi ông cũng đã tạo ra nhiều “thánh tích” cho nền bóng đá ở dải đất chữ S.

Nếu như Miura đến (Nếu như anh đến cover)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại