Toàn cảnh sự nghiệp con trai Sir Alex Ferguson

Không phải một cầu thủ tài năng và cũng chẳng phải một HLV giỏi. Thế nhưng, Darren Ferguson chẳng bao giờ… thiếu việc làm. Tất cả vì ông là con trai của một huyền thoại sống - Sir Alex Ferguson.

Cầu thủ bình thường

Năm 1986 khi cập bến M.U, Sir Alex Ferguson mang theo người con trai ruột của mình vào lò đào tạo của CLB chủ sân Old Trafford là Darren - người khi ấy mới 14 tuổi. Darren cùng lứa với Ryan Giggs và đã có khá nhiều trận sát cánh bên cạnh tiền vệ người xứ Wales này tại đội trẻ M.U.

Thế nhưng, nếu Giggs có những bước tiến vượt bậc trong những năm sau đó để trở thành một siêu sao của làng bóng đá thế giới, thì Darren vẫn gần như là một con số không tròn trĩnh. “Trong đội thường xuyên có những xì xào về cậu ấy. Họ nói rằng Darren chẳng có gì giỏi. Cậu ấy có cơ hội chơi cho M.U chẳng qua là vì Sir Alex”, Giggs tâm sự.

Có lẽ vì không muốn mếch lòng “Fergie” nên Giggs mới nói thêm rằng: “Tôi nghĩ chính điều đó tạo cho Darren áp lực, khiến cậu ấy không thể phô diễn hết khả năng của mình”. Nhưng chắc chắn ai cũng nhận ra rằng Darren quá tầm thường và chưa đủ trình độ khoác áo M.U.

Toàn cảnh sự nghiệp con trai Sir Alex Ferguson
Cha con Alex Ferguson


Sir Alex Ferguson lúc đầu không nghĩ vậy. Bằng chứng là đến năm 1990, chiến lược gia người Scotland vẫn đôn Darren lên đội 1. Mùa 1992/93, Darren thậm chí còn được thường xuyên sử dụng sau chấn thương của Bryan Robson. Anh chơi đủ 15 trận tại Premier League mùa đó để được nhận huy chương vô địch. Nếu HLV M.U không phải Sir Alex, chắc chắn mọi thứ đã khác.

Song Sir Alex đâu thể mãi bao che cho sự yếu kém của Darren so với mặt bằng chung của M.U. Dư luận cứ nói ra rả về việc ông thiên vị đứa con trai ruột của mình. Hàng loạt phóng viên đã viết nên những bài báo chỉ trích “Fergie”. Áp lực lớn quá, thế là Sir Alex đành chấp nhận đẩy Darren khỏi Old Trafford, dù thực tâm ông không muốn.

Sau này, chiếc áo số 18 của Darren được mặc bởi Paul Scholes và cựu tuyển thủ Anh này đã thành công mỹ mãn trong màu áo M.U. Nhìn Scholes, Sir Alex hẳn ước Darren cũng được như anh. Nhưng rõ ràng là Darren hợp hơn với việc thi đấu cho một CLB hạng dưới, chứ không phải một ông lớn như M.U.

Năm 1994 sau khi nói lời từ biệt Old Trafford, Darren kinh qua 4 CLB là Wolverhampton, Sparta Rotterdam, Wrexham, Peterborough. Ở những đội đó, dù không thể giành chức VĐQG giống như với M.U, song rõ ràng, dấu ấn của Darren lên lối chơi của tập thể rõ rệt hơn hẳn.

Tại M.U, Darren chẳng khác nào một con cá chép sống ở ngoài biển, nó chẳng thể chịu được độ mặn của nước. Khi đến những đội bóng nhỏ hơn tức là “cá chép Darren” đã được về với đúng môi trường nước ngọt dành cho nó. Thế thì Darren mới có cơ hội vẫy vùng.

HLV tạm được

Tại Peterborough trong những năm tháng cuối của sự nghiệp, Darren còn được tin tưởng giao cho trọng trách HLV kiêm cầu thủ. Ông thực tế đã có những thành công đáng khen ngợi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp huấn luyện.

Mùa 2006/07 trước khi Darren đến, Peterborough đang khủng hoảng và phải sa thải Keith Alexander. Sự có mặt của Darren tại sân London Road đã giúp đội bóng mang biêt danh “The Post” thoát khỏi cảnh khó khăn và về đích ở vị trí thứ 10, thay vì xuống hạng như lo ngại của phần lớn CĐV trong thời gian Alexander nắm quyền.

Trong 2 mùa tiếp theo, Darren đưa Peterborough thăng 2 hạng liên tiếp. Song một trong những lí do tạo nên thành công của ông chính là những bản hợp đồng cho mượn từ M.U. Sir Alex gửi những cầu thủ trẻ tinh nhuệ nhất của lò M.U tới The Post” nhằm trợ giúp con trai mình.

Đó cũng chính là điều mà “Fergie” làm khi Darren được Preston - một CLB có tiềm lực tài chính tốt và có tham vọng hơn so với Peterborough - mời. Darren đã bộc lộ rõ những điểm yếu của mình trên băng ghế chỉ đạo của Preston. Để rồi, ông bị “The Lilywhites” sa thải vào tháng 12/2010, khi lúc đó họ đã tụt xuống cuối bảng tại Championship.

Preston đã dám động đến con của Sir Alex - một huyền thoại sống của làng bóng đá thế giới - người mà ngay cả các trọng tài cũng như các lãnh đạo của LĐBĐ Anh (FA) cũng phải nể nang. Do đó, chẳng mấy ai bất ngờ với việc “The Lilywhites” phải gánh chịu hậu quả. “Fergie” ngay lập tức rút hết các tài năng trẻ đang chơi cho họ theo dạng cho mượn về M.U là Joshua King, Ritchie De Laet và Matty James.

Ngoài ra, HLV M.U còn gọi điện cho người bạn thân của mình là Tony Pulis để nhà cầm quân khi ấy đang dẫn dắt Stoke gọi trở lại nốt Danny Pugh và Michael Tonge. Chỉ trong vòng đúng 1 tuần sau khi đuổi việc Darren, Preston đã mất 5 cầu thủ quan trọng, thường xuyên đá chính. Điều này giải thích vì sao tới cuối mùa đó, “The Lilywhites” phải chịu xuống hạng dù đầu mùa giải họ là một trong những ứng cử viên cho suất lên hạng.

Năm 2011, Darren quay về Peterborough và giúp “The Post” giành quyền trở lại Championship sau chỉ 1 năm chơi bóng tại League One. Đoàn quân dưới quyền Darren còn trở thành CLB Anh ghi nhiều bàn thắng nhất trong mùa giải 2010/11 với tổng cộng 106 pha lập công.

Song đến mùa 2012/13, Peterborough dưới sự chỉ đạo của Darren đã lại phải xuống hạng khi thua Crystal Palace 2-3 ở vòng đấu cuối. Ông và các học trò cần một trận hòa để trụ lại, nhưng họ đã không thể hoàn thành mục tiêu đó.

Thường thì khi một đội bóng xuống hạng, vị HLV sẽ bị đá ra đường. Tuy nhiên, đó không phải câu chuyện tại Peterborough. Chủ tịch “The Post” - Darragh MacAnthony khẳng định vẫn sẽ đặt niềm tin vào ông. Có lẽ MacAnthony sợ Peterborough sẽ lại bị đối xử như Preston ngày trước nếu chia tay Darren.

Sir Alex Ferguson không còn là HLV M.U. Mặc dù vậy, tiếng nói của ông tại Old Trafford vẫn là rất lớn. Chỉ cần một cú điện thoại, Sir Alex có thể khiến Peterborough không bao giờ mượn được quân từ M.U - đội bóng có lò đào tạo tốt bậc nhất xứ Sương mù.

MacAnthony dại gì mà đẩy Peterborough vào cảnh đó. Thế nên vị thương gia sinh năm 1976 này đành ngậm bồ hòn làm ngọt với tuyên bố “The Post” sẽ tiếp tục gắn bó với Darren.

Ngoài Darren, Sir Alex còn có 2 người con trai là Jason và Mark. Tuy nhiên, chỉ có Darren đi theo sự nghiệp cầu thủ rồi HLV giống như ông. Chính vì vậy, “Fergie” rất quý Darren và luôn muốn bao bọc, che chở cho anh.

Trong mùa 2012/13, Peterborough sử dụng 4 cầu thủ theo dạng cho mượn. Trong đó, có 2 cầu thủ mà “The Post” mượn từ M.U là Davide Petrucci và Scott Wootton.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại