Tính chất của V-League sẽ khác đi rất nhiều

Trọng Lĩnh |

(Soha.vn) - Theo như những gì VPF đã công bố, mùa giải mới của bóng đá Việt Nam sẽ có rất nhiều những đổi thay.

Những đội bóng giải thể, giải tán, không tham gia giải đều đã rõ. Giờ đây chỉ còn lại 12 đội V-League và 10 đội hạng Nhất. Khủng hoảng, cũng có mặt tốt của nó, nó giống như một sự thanh lọc và chỉ những ai, những đội bóng nào có cơ sở để tồn tại thì sẽ vẫn tiếp tục “sống”. 

Thực tế cho thấy, với những đội bóng mà ông chủ, ông bầu xác định làm bóng đá lâu dài, có chiến lược như HA Gia Lai, Đồng Tâm Long An thì không hề bị ảnh hưởng nhiều. Cũng có 2 trường hợp đi theo 2 hướng khác nhau, là B Bình Dương và K Khánh Hòa. 

Họ đều được “nuôi” bởi các tập đoàn lớn, tập đoàn đứng ra giúp Tỉnh nhà lo cho đội bóng. Rút cuộc, K Khánh Hòa giải thể rất nhanh chóng, còn B Bình Dương vẫn cứ chẳng hề hấn gì, đây vẫn là 1 đội bóng với môi trường đáng ao ước với cầu thủ.

Việc lùi thời hạn tổ chức giải đến đầu tháng 3 là hợp lí, để các đội bóng có thêm thời gian để chuẩn bị cho mùa bóng mới, cả về tài chính lẫn nhân sự. 

Dù sao, nỗi lo quá nhiều đội bóng khó khăn, bỏ giải vì nhiều lí do, nỗi lo V-League bị tạm dừng đã không còn. Mùa giải vẫn sẽ diễn ra bình thường nhưng muộn hơn, với số đội bóng tham gia ít đi. Với tình hình hiện nay, thì ít đội, có lẽ lại là điều hợp lí hơn.

Các đội bóng tham dự V-League không lo bị xuống hạng 

Hơn 3 tháng nữa mùa giải mới bắt đầu, và các đội bóng đều phải thay đổi kế hoạch của mình. Số đội bóng ít đi, số “chỗ làm” cho cầu thủ, số cơ hội việc làm đều giảm.

3 tháng còn lại, là những cơ hội cuối cho 1 số cầu thủ tìm được đội bóng của mình. Cỡ ngôi sao như Quang Hải, Công Vinh, Thành Lương, Trọng Hoàng mà mùa sau còn chưa biết đá ở đâu, đủ thấy giờ đây mọi thứ khó khăn như thế nào.

Nhìn vào những gì mà VPF đã đưa ra, có thể thấy mùa giải mới, có rất nhiều thứ sẽ thay đổi, tính chất của cuộc đua tranh sẽ khác đi rất nhiều.

Chẳng hạn như việc mùa giải 2013, sẽ không có đội xuống hạng cả ở giải  V-League và giải hạng Nhất. Liệu như vậy, tính cạnh tranh của giải có bị giảm sút, dẫn tới việc chất lượng chuyên môn sẽ bị giảm sút. 

Dù có lẽ, đã tính trước điều này, BTC giải đã nâng cao mức giải thưởng cho đội Vô địch V-League lên một số tiền kỉ lục là 10 tỷ đồng.  Chỉ một vài đội bóng có khả năng cạnh tranh ngôi vô địch, còn những đội bóng khác lực kém, tài chính không dồi dào, không máu mê vô địch, thì cứ đá đều đều, bình bình cho xong, chẳng phải lo gì. 

Thực tế ở nhiều mùa giải đã qua cho thấy, V-League đôi khi chỉ nóng ở nửa dưới, chỉ quyết liệt ở cuộc chạy trốn trụ hạng.

Thêm nữa, với cái sự chỉ cạnh tranh ngôi vô địch, ai dám chắc vẫn không có tiêu cực xảy ra. Việc không còn có đội xuống hạng có thể sẽ làm giảm bớt nguy cơ tiêu cực, hết còn chuyện các đội bóng cứu nhau phút cuối hay chạy trốn xuống hạng bằng nhiều cách. 

Nhưng cần phải thấy rằng, ở một môi trường mà bóng đá vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, thì tiêu cực vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở một khâu nào đó, mà rồi rút cuộc thì vẫn không thể bắt tận tay day tận trán được vì câu hỏi rất cũ: “bằng chứng đâu”?

Nếu làm không cẩn thận, không có những phương án hay, không có cách để làm các đội bóng cùng thi đấu tích cực và hết mình, thì khi không có đội xuống hạng, V-League có nguy cơ biến thành giải bóng đá giao hữu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại