Ngoài trái bóng, họ chỉ biết tới những thú chơi rất thuần nông là chơi cây cảnh.
Đổ hết tiền vào... cây cảnh
Với người hâm mộ Việt Nam nói chung và những cổ động viên nổi tiếng cuồng nhiệt của đất Cảng nói riêng, chẳng ai không biết tới cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Văn Thành. Sau những năm tháng cống hiến cho đội U23, đội tuyển quốc gia và đội bóng quê hương Hải Phòng, giờ đã ở tuổi 30 Thành vẫn luôn chứng tỏ được lối chơi tận hiến, vắt tới những giọt mồ hôi cuối cùng của mình mỗi khi được ra sân trong màu áo Bình Dương ở V.League.
Đặt câu hỏi, bí quyết nào giúp Thành duy trì được sự dẻo dai đến vậy, trong khi ở V.League có không ít cầu thủ còn thua kém anh nhiều tuổi nhưng đã “đuối” trông thấy? Thành đáp: “Tôi trưởng thành từ bóng đá Hải Phòng và cảm nhận rõ sự phức tạp của cuộc sống cầu thủ phía hậu trường. Có lẽ do tính cách nên ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi không thấy hứng thú gì với những cám dỗ đó. Đam mê của tôi sau bóng đá chỉ là… cây cảnh. Có bao nhiêu tiền dành dụm được từ bóng đá tôi đều đổ vào thú chơi này”.
Đặng Văn Thành (áo trắng đỏ)
Sau 10 năm mò mẫm, học hỏi, “lão nông” (biệt danh của Thành được các đồng đội đặt cho) Đặng Văn Thành đã có một “tài sản” tương đối gắn với vườn cây cảnh của mình: “Chơi cây cảnh cũng như đi học vậy, cứ từng tí, từng tí một, tăng cường vốn hiểu biết. Nhân những chuyến đi thi đấu, tôi cũng cố gắng đi tìm kiếm thêm nhiều cây lạ, độc. Những dòng chính là tùng, mai, sanh. Giờ kinh tế đang khó khăn nên khó nói giá lắm. Cách đây khoảng 4-6 năm, một cây bình thường giá 200-300 triệu đồng”- Thành chia sẻ.
Đặt vấn đề, với vốn hiểu biết của mình về cây cảnh, sau khi “treo giày”, chắc chắn Văn Thành sẽ không sợ rơi vào cảnh thất nghiệp như nhiều đồng đội khác, Thành nói: “Ngoài mảnh vườn mấy trăm mét vuông của mình ở nhà, tôi còn kinh doanh sân cỏ nhân tạo và tận dụng luôn khuôn viên sân để đặt cây cảnh.
Mỗi năm 2 lần tôi cũng thuê người cắt tỉa, tạo dáng cho cây. Vườn của tôi có 10 cây tùng 200 năm tuổi và các cây sanh, lộc, vừng… Sau những ngày thi đấu biền biệt, mỗi khi về nhà tôi cảm thấy thư dãn rất nhiều khi được ở bên cạnh vợ và con gái 4 tuổi, đắm mình trong không gian vườn cây, tự tay chăm sóc cây cảnh của mình”.
Nghề tay trái sau khi giải nghệ
Trong giới cầu thủ, ngoài Đặng Văn Thành, còn có cầu thủ cùng lứa một thời ở đội U23 và đội tuyển quốc gia là Trần Đức Dương cũng đam mê cây cảnh. So với Thành, Đức Dương mới chơi cây cảnh được 5 năm, nhưng về độ sâu sắc (như lời Văn Thành thừa nhận về bạn mình) thì không hề kém cạnh: “Mỗi khi gặp Thành, chúng tôi thường mải mê nói chuyện cây cảnh mà không biết chán. Càng chơi, càng hiểu, thì càng thấy mình cần phải học hỏi thêm rất nhiều. Trong khu vườn rộng 5.000m2 của tôi nằm ở gần Big C, đoạn đi từ Nam Định sang Ninh Bình, và khoảng 500m2 ở quê nhà Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) có khoảng mấy chục cây, trong đó có cây sanh 100-200 tuổi. Hồi tôi mua cách đây 5 năm chỉ vài chục triệu, nhưng giờ đã có người trả vài trăm triệu nhưng tôi không bán”- Dương nói.
Ngoài thú chơi cây cảnh, cầu thủ Việt Nam còn có những thú chơi khác rất… nông dân. Ví như cầu thủ Mai Xuân Hợp (Thanh Hóa) thích đi câu cá như một cách giảm stress. Cùng sở thích với Xuân Hợp, một cầu thủ gốc Thanh Hóa khác là Mai Tiến Thành (hiện đang khoác áo Bình Dương) cũng rất thích đi câu. Ngoài ra Tiến Thành còn đam mê nuôi chó.
Ước mơ của Dương rất lãng mạn là mong tới một ngày có thể xây được 1 ngôi nhà gỗ trong mảnh vườn của mình, được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên vợ và 2 con (con trai học lớp 1, con gái 4 tuổi). “Tôi vẫn đang sưu tầm thêm cây. Cứ đi đến đâu là tôi tranh thủ vào những mảnh vườn đẹp xem để học hỏi. Tôi quen với anh Thành “đất” (nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành – PV) ở Hoàng Mai – Hà Nội, người chơi cây cảnh nổi tiếng và đã học hỏi được rất nhiều”.
Theo Dương, anh đam mê cây cảnh từ khá lâu rồi nhưng phải tới khi chuyển từ Nam Định tới Hải Phòng năm 2009 mới có tiền mua đất: “Nhất thổ, nhì mộc mà. Tôi mua đất trước, rồi sau này có tiền dần dần dồn vào mua thêm cây. Hết mùa giải này, tôi sẽ hết hợp đồng với HAGL và chắc cũng khó có đội nào ở V.League chọn tôi nữa bởi năm nay cũng 31 tuổi rồi. Giờ tôi chỉ chơi cây cảnh vì đam mê. Sau này “treo giày”, nếu có duyên với cây cảnh thì mới nghĩ tới chuyện kinh doanh”.
Theo Dương, nếu thực sự đam mê, thì đây cũng có thể là một nghề tay trái của cầu thủ sau khi giã từ sự nghiệp: “Chơi cây cảnh cũng lắm công phu, phải học hỏi nhiều về kiến thức nông nghiệp qua những người đi trước, qua sách, báo, và mạng Internet. Có nhiều yếu tố để định giá của cây cảnh như độ tuổi (hàng trăm năm), kiểu dáng khác lạ, đặc biệt, hợp tuổi, sở thích của người chơi…”- Dương chốt lại.